Ngân hàng MB không thanh toán bảo lãnh
Mới đây, liên danh Kumho – Hyundai đã có văn bản gửi Hiệp hội Xây dựng Hàn Quốc tại Việt Nam, đồng gửi các doanh nghiệp xây dựng lớn của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam như: Samsung C&T, Lotte E&C, Daewoo E&C, Chi nhánh của Kumho Industrial, Kolon Global, HDC, Hyundai Engineering, Booyoung, Posco E&C, Daelim, Hanshin, SM Samwhan, SSangyong E&C, SK E&C, Namkwang, Keangnam, GS E&C, Hyundai E &C, Taeyoung, Doosan Heavy Industrial & Construction.
Theo đó, liên danh Kumho – Hyundai là một nhà thầu trong Dự án Xây dựng tuyến đường Lộ Tể - Rạch Sỏi, gói thầu CW2 tại tỉnh Kiên Giang, có sử dụng nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc. Trong quá trình thực hiện xây dựng dân dụng, liên danh Kumho – Hyundai đã ký kết hợp đồng thầu phụ với các công ty xây dựng nội địa.
Thi công phần nền đường trong dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tại gói thầu CW2. |
Do đó, liên danh Kumho - Hyundai có một giao dịch với ngân hàng MB liên quan đến bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh thanh toán tạm ứng do nhà thầu phụ cung cấp để đảm bảo việc nhà thầu phụ thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thầu phụ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng thầu phụ, nhà thầu phụ đã không đảm bảo tiến độ của hợp đồng và không hoàn thành những cam kết của mình, được thể hiện tại các biên bản làm việc, biên bản xác nhận và các thư từ trao đổi giữa Liên danh Kumho – Hyundai và nhà thầu phụ.
Đại diện của Kumho – Hyundai cho biết: “Dựa trên các bảo lãnh và quy định pháp luật Việt Nam, Liên danh Kumho – Hyundai đã gửi yêu cầu thanh toán vào ngày 23/7/2019 để yêu cầu MB thanh toán các khoản tiền bảo lãnh trị giá khoảng 12,4 tỉ đồng.
Liên danh Kumho – Hyundai cho biết đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu, MB vẫn không thanh toán các bảo lãnh.
Do không nhận được phản hồi nào từ MB Bank dù đã quá thời hạn thanh toán, Kumho – Hyundai đã tiếp tục yêu cầu MB Bank thực hiện nghĩa vụ của mình theo các bảo lãnh ngân hàng với số tiền yêu cầu thanh toán theo Bảo lãnh hoàn trả tạm ứng là hơn 5 tỷ đồng và số tiền yêu cầu thanh toán theo Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là hơn 7,2 tỷ đồng.
Sau đó, mặc dù Liên danh Kumho – Hyundai đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu, MB Bank vẫn không thanh toán các bảo lãnh.
Trong khi đó, theo các điều khoản của các bảo lãnh, toàn bộ các bảo lãnh nói trên đều là vô điều kiện và không hủy ngang, MB Bank đã cam kết sẽ thanh toán đầy đủ kịp thời cho Liên danh Kumho – Hyundai trong vòng 30 ngày sau khi nhận được yêu cầu bằng văn bản từ Liên danh Kumho – Hyundai mà không có bất kỳ phản đối hoặc thắc mắc về khoản yêu cầu, lý do hoặc hoàn cảnh, hoặc xác thực đối với bất kỳ yêu cầu nào của Liên danh Kumho – Hyundai.
Trong các văn bản trả lời liên danh Kumho – Hyundai, đại diện MB Bank chi nhánh Phú Nhuận cũng đưa ra nhiều lý do cho việc chậm thanh toán.
MB Bank thiếu thiện chí hợp tác?
Trong văn bản ngày 24/10/2019, MB Bank chi nhánh Phú Nhuận cho biết: Sau khi nhận được yêu cầu thanh toán của liên danh Kumho – Hyundai, đại diện MB, nhà thầu phụ Công ty số 17 Thăng Long và nhà thầu chính Kumho đã có cuộc họp ngày 25/7/2019 tại trụ sở văn phòng liên danh Kumho – Hyundai.
Với sự chứng kiến của nhà thầu chính Kumho, MB cam kết tiếp tục tài trợ cho nhà thầu phụ Công ty số 17 Thăng Long thanh toán các công nợ tồn đọng, cũng như tiếp tục tài trợ nguồn vốn để nhà thầu phụ tập kết vật tư, huy động máy móc thiết bị và nhân công thi công theo tiến độ cam kết.
Đại diện MB Bank chi nhánh Phú Nhuận cho rằng: Trên thực tế, MB đã thực hiện đúng cam kết này, cụ thể là MB đã tài trợ cho nhà thầu phụ Công ty số 17 Thăng Long thanh toán dứt điểm công nợ cũ và tập kết thêm vật tư, huy động máy móc thiết bị tiếp tục thi công.
Trong suốt quá trình nhà thầu phụ công ty số 17 Thăng Long tiếp tục thi công dưới sự tài trợ vốn của MB, nhà thầu chính Kumho không có ý kiến bằng văn bản hay động thái về việc buộc ngừng thi công mà vẫn để cho nhà thầu phụ thi công bình thường. Trường hợp nếu nhà thầu chính Kumho chỉ đạo ngừng thi công trước khi MB tiếp tục tài trợ vốn thì ngân hàng chúng tôi đã ngừng tài trợ sớm hơn, giảm tối đa thiệt hại.
Nói về văn bản ngày 24/10/2019 của MB Bank, Kumho – Hyundai đánh giá: “Điều này một lần nữa thể hiện thái độ thiếu thiện chí hợp tác của MB, vi phạm trắng trợn những cam kết bảo lãnh đã ký kết với Kumho – Hyundai”.
Theo Liên danh này, việc MB trì hoãn thanh toán làm chậm trễ tiến độ của Kumho – Hyundai gây phương hại đến quyền lợi hợp pháp của các thành viên liên danh Kumho – Hyundai.
Kumho – Hyundai còn đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và chủ đầu tư – Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long xem xét loại MB ra khỏi danh sách các ngân hàng được phép cấp bảo lãnh cho các dự án trọng điểm sắp tới để đảm bảo tiến độ dự án, tránh gặp phải trường hợp tương tự.
Đại diện Liên danh Kumho – Hyundai cho biết, trường hợp tương tự đã xảy ra đối với gói thầu CW1 của Dự án xây dựng tuyến đường Lộ Tể - Rạch Sỏi, trong đó Liên doanh Lotte – Hanshin – Halla là nhà thầu phụ và MB cũng không thanh toán khoản tiền bảo lãnh sau khi nhận được yêu cầu bằng văn bản từ Liên doanh Lotte – Hanshin – Halla.
"Đây là một vi phạm nghiêm trọng mang tính quốc tế của MB đối với nghĩa vụ và các cam kết của mình theo các bảo lãnh cũng như quy định pháp luật. Liên doanh Kumho – Hyundai khuyến nghị Hiệp hội Xây dựng Hàn Quốc tại Việt Nam từ chối toàn bộ hoạt động giao dịch với MB nhằm tránh và có thể tránh nguy cơ”, đại diện liên danh Kumho - Hyundai cho hay.
MB Bank còn dính “phốt” gì nữa?
Trước đó, sáng 8/1/2020, trên mạng xã hội lan truyền một loạt thông tin cho rằng MB Bank đang gặp lỗi hệ thống và có thể thất thu hàng trăm tỷ đồng.
Thậm chí, một số đồn đoán rằng nhân lỗi hệ thống này, khách hàng đã rút một số lượng lớn tiền để mua đồ công nghệ tại hệ thống cửa hàng của FPT, Thế Giới Di Động, và thậm chí là mua hẳn Mercedes Maybach S600 có giá gần 15 tỷ đồng.
Ngày 10/1, đại diện ngân hàng MB Bank cho biết, ngày 8/1/2020, một số khách hàng cá nhân sử dụng thẻ rút/thanh toán/chi tiêu vượt quá số dư/hạn mức thẻ của MB cấp cho khách hàng. Ngay sau khi phát hiện sự việc, MB đã thực hiện phong tỏa tài khoản thẻ của nhóm khách hàng này và yêu cầu hoàn trả các khoản đã chi tiêu vượt hạn mức theo đúng quy định pháp luật. Sự cố này không gây ảnh hưởng đến MB Bank cũng như tài sản của khách hàng khác tại ngân hàng.
Liên quan đến vụ Nhật Cường Mobile, thông tin trên Nhà đầu tư cho biết, quá trình hoạt động của Nhật Cường luôn có "bóng hình" của MB Bank, đặc biệt là dòng vốn tín dụng của ngân hàng này. Đồng thời, MBBank cũng là ngân hàng duy nhất luôn đồng hành cùng Nhật Cường.
Từ năm 2011, Nhật Cường và vợ chồng ông chủ là Bùi Quang Huy đã ký nhiều hợp đồng vay vốn với MBBank. Các giao dịch chủ yếu ở Chi nhánh Ba Đình. Theo đó, tài sản đảm bảo là nhiều xe sang như Bentley, LandRover, Lexus hay căn nhà rộng 694 m2 tại 151 Thuỵ Khê, Tây Hồ.
Tháng 10/2017, Nhật Cường liên danh cùng Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh thế chấp quyền đòi nợ từ Hợp đồng kinh tế 01-2016/HĐKT/HAPI-NC-DKC ngày 26/12/2016 về việc thực hiện gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội của Sở Kế hoạch và Đầu tư - năm 2016 tại MBBank Ba Đình.
Tới đầu tháng 11/2018, tại MB chi nhánh Ba Đình, vợ chồng ông Huy đã thế chấp 90% vốn điều lệ của Nhật Cường có mệnh giá 34,2 tỷ đồng để vay vốn.
Sau đó, MB Bank cho biết: “Liên quan đến hoạt động tín dụng giữa MBBank và khách hàng Công ty TNHH TM và DV kỹ thuật Nhật Cường, việc cấp tín dụng được MBBank thực hiện đúng theo quy trình và quy định hiện hành. Khoản vay này còn được đảm bảo bởi bất động sản, hợp đồng tiền gửi , phương tiện vận tải. Trong quá trình vay vốn ngân hàng khách hàng trả nợ đầy đủ, đúng hạn”.
Ngoài ra, hồi tháng 5/2019, Công ty CP tích hợp hệ thống CTS gửi văn bản cầu cứu tới toà án nhân dân quận Đống Đa, TP.Hà Nội về việc kiến nghị hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình hợp tác tài chính ngân hàng và xử lý tài sản đảm bảo. Trong đó, Công ty CTS “tố” bị ngân hàng Quân đội o ép dẫn tới phá sản.
Theo Tài chính Doanh nghiệp