Eximbank: Ra thông báo họp cổ đông thường niên lần 2
Sau khi tổ chức bất thành cả đại hội cổ đông thường niên và đại hội cổ đông bất thường, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại thông báo họp cổ đông thường niên lần 2 dự kiến vào ngày 29/7 tới đây. Đối tượng cổ đông tham dự là tất cả cổ đông trong danh sách chốt ngày 10/3/2020.
Tuy nhiên, cổ đông nắm giữ 15% vốn của Eximbank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) lại vừa có văn bản yêu cầu ngân hàng này tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2 trước ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 2.
Trước đó, vào sáng ngày 30/6, Ngân hàng Eximbank đã tổ chức bất thành ĐHCĐ năm 2020. Ngay sau đó, Ngân hàng Eximbank đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2019 ngay trong chiều cùng ngày với mục đích thông qua một số vấn đề của năm tài chính 2019 bị trì hoãn theo thư kiến nghị của cổ đông SMBC. Tuy nhiên, đại hội bất thường này cũng không thể diễn ra.
Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm soát Eximbank cho biết, ĐHCĐ bất thường của Eximbank tổ chức vào chiều 30/6 có số cổ đông tham dự chỉ là 129 cổ đông với hơn 638 triệu cổ phần, đạt tỉ lệ 51,92%.
Theo ông Dũng, căn cứ vào quy định pháp luật và Điều lệ Eximbank về điều kiện tiến hành ĐHCĐ, tổng số cổ đông đại diện tham dự thấp hơn 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì không đủ điều kiện để tiến hành đại hội. Theo đó, căn cứ quy định pháp luật và Điều lệ Eximbank thì không đủ điều kiện để tiến hành đại hội vào ngày 30/6.
SMBC cho biết theo điều lệ Eximbank áp dụng cho mọi cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, khi cuộc họp lần 1 không đủ điều kiện tiến hành do không đủ túc số phải được triệu tập lần 2 trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định tổ chức cuộc họp lần 1.
Do đó, SMBC yêu cầu HĐQT Eximbank phải quyết định và thông báo cho cổ đông kế hoạch chi tiết về việc triệu tập lần 2 ĐHĐCĐ bất thường trong thời gian sớm nhất.
Điều cần lưu ý là cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường này nhằm giải quyết các vấn đề thuộc năm tài chính 2019 nhưng chưa được giải quyết. Do đó, cuộc họp bất thường này phải được tiến hành trước để giải quyết xong các vấn đề của năm tài chính 2019, trước khi chuyển qua xem xét các vấn đề của năm tài chính 2020 và nhiệm kỳ 2020-2025.
Eximbank: ĐHCĐ thường niên trước hay ĐHĐCĐ bất thường trước?
Eximbank có lẽ là nhà băng lận đận nhất trong việc tổ chức ĐHĐCĐ khi những vấn đề của năm tài chính 2019 còn chưa được thông qua thì nay lịch sử tái diễn cho năm 2020. Liệu rằng Đại hội lần 2 này có tiếp tục lặp lại như của năm 2019? Đặc biệt là sau khi cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu ngân hàng này tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2?
Được biết, trước đó SMBC đã nhiều lần đề xuất tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bàn về một số vấn đề của Ngân hàng nhưng chưa được giải quyết.
Nhiều cổ đông nước ngoài đến tham dự đại hội cũng ngậm ngùi ra về vào ngày 30/6. Ảnh: Dân Trí. |
Ngày 26/08/2019, SMBC đã có văn bản yêu cầu Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để xem xét cắt giảm quy mô HĐQT và việc từ chức của ông Yasuhiro Saitoh khỏi vị trí Thành viên HĐQT Eximbank cùng tất cả các vị trí thuộc các Ủy ban của HĐQT.
SMBC đề nghị giảm số lượng thành viên HĐQT từ 11 người xuống còn 7 người và ông Yasuhiro Saitoh cũng sẽ từ chức khỏi các vị trí thành viên HĐQT của Eximbank cùng tất cả các vị trí thuộc các ủy ban HĐQT. Theo SMBC, với cơ cấu như vậy thực tế cho thấy liên tục có mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên HĐQT. Các thành viên không thể hợp tác tốt với nhau vì hoạt động kinh doanh của Eximbank.
SMBC cũng nêu rõ với vai trò là cổ đông sở hữu trên 10% vốn cổ phần của ngân hàng, SMBC hoàn toàn có quyền được triệu tập ĐHĐCĐ bất thường trong văn bản gửi Eximbank.
Được biết, về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế và trích bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC đạt 1,918 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế là 1,318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.
Tổng tài sản dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 176,000 tỷ đồng, tương đương tăng 5% so với năm 2019. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 147,800 tỷ đồng, tăng 6%. Tập trung xử lý nợ xấu, nợ quá hạn để duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Dư nợ cấp tín dụng đến cuối năm 2020 dự kiến đạt 122,275 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019, số dư nợ trên đã bao gồm dư nợ vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, Eximbank sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Eximbank cũng sẽ tập trung xử lý nợ đã bán cho VAMC, đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của NHNN.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ