Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Vụ ATS kiện VPBank: Đừng để pháp luật bị lợi dụng trở thành công cụ chiếm đoạt tài sản

Doanh nghiệp Việt Nam 20:29 29/03/2021

Quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm bất thường liên quan đến việc VPBank cố tình biến động, sang tên tài sản tại Đà Nẵng để chiếm đoạt tài sản, thiệt hại cho Cty ATS hơn 2.600 tỷ đồng.

Đại diện Công ty ATS đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí để kêu cứu.

Năm 2011, Công ty Cổ phần Đầu tư ATS (sau đây viết tắt là Công ty ATS) thế chấp 08 tài sản và Công ty Tập đoàn Tư vấn đầu tư tài chính và Bất động sản Quảng Đại thế chấp 01 tài sản cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để đảm bảo cho khoản vay của 04 Hợp đồng tín dụng tại VPBank với tổng số tiền vay 796.210.224.046 đồng. Trong các tài sản thế chấp có quyền sử dụng diện tích 62.539,8m2 đất tại thửa số 2, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đã được UBND quận Ngũ Hành Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM607502 ngày 23/9/2009 tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, giữa VPBank và Công ty ATS còn ký kết 01 hợp đồng đặt cọc mua bán tài sản, 01 Hợp đồng cho thuê văn phòng.

Tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ (Hà Nội) cũng liên quan đến vụ tranh chấp giữa Công ty ATS và VPBank.

Ngày 11/01/2013, VPBank khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại đối với Công ty ATS tại TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội để giải quyết tranh chấp đối với 06 hợp đồng nêu trên.
Ngày 11/6/2013, TAND quận Ba Đình ban hành Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM về việc công nhận sự thoả thuận của các đương sự: Công ty ATS xác nhận còn nợ VPBank các khoản tiền theo 04 Hợp đồng tín dụng có tổng giá trị là 1.528.886.167.897 đồng, trong đó VPBank đồng ý miễn giảm cho Công ty ATS số tiền lãi 67.131.932.137 đồng; (tuy nhiên các con số này không có trong hồ sơ được thiết lập giữa Công ty ATS và VPBank) tổng toàn bộ nghĩa vụ nợ của ATS và Quảng Đại là: 1.461.754.235.760 đồng.
Khoản 7, Mục II Quyết định số 05 nêu rõ: “…Trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư ATS và/hoặc Công ty cổ phần tập đoàn tư vấn đầu tư tài chính và bất động sản Quảng Đại không thực hiện việc bàn giao đăng ký sang tên tài sản cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) theo đúng thoả thuận nêu trên, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án buộc Công ty cổ phần đầu tư ATS phải thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) số tiền 1.461.754.235.760 đồng (Một nghìn bốn trăm sáu mươi mốt tỷ, bảy trăm năm mươi tư triệu, hai trăm ba mươi lăm nghìn, bảy trăm sáu mươi đồng) và phát mại toàn bộ tài sản thế chấp để bảo đảm thi hành án…”.

Khu đất diện tích 62.539,8m2 tại thửa số 2, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng được Công ty AST cầm cố cho VPBank đã được bán qua nhiều lần, nay đã được một công ty mua lại và làm thành khu đô thị.

Khu đất diện tích 62.539,8m2 tại thửa số 2, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng được Công ty AST cầm cố cho VPBank đã được bán qua nhiều lần, nay đã được một công ty mua lại và làm thành khu đô thị.

Sau khi có Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM, ngày 24/6//2013, Công ty ATS tiến hành bàn giao tài sản cho VPBank thì phát hiện có sự sai sót. Cụ thể, theo nội dung Văn bản thoả thuận ngày 26/5/2014 thì Công ty ATS có nghĩa vụ thanh toán 06 Hợp đồng (gồm 04 hợp đồng tín dụng, 01 hợp đồng đặt cọc mua bán tài sản và 01 Hợp đồng cho thuê văn phòng đã ký giữa 2 bên). Tuy nhiên, theo Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 05/2013/QĐST-KDTM thì Công ty ATS phải thanh toán cho VPBank tổng số tiền 1.461.754.235.760 đồng chỉ với 04 Hợp đồng tín dụng mà không bao gồm các Hợp đồng liên quan còn lại.
Nếu thực hiện theo Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 05/2013/QĐST – KDTM, ngày 11/06/2013, của Toà án nhân dân quận Ba Đình thì Công ty ATS sẽ còn phải trả cho VPBank số tiền: Hợp đồng đặt cọc mua bán tài sản số 04/2011/VPB – ĐMMB ngày 30/1/2011 là: 600.000.000.000 đồng và Hợp đồng thuê văn phòng số 01/2011/HĐTVP/VPP ngày 23 tháng 03 năm 2011 là : 524.000.000.000 đồng. Tổng số tiền Công ty ATS còn phải trả nợ VPBank là: 1.124.000.000.000.đồng.
Như vậy, nội dung trong “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/2013/QĐST-KDTM ngày 11/6/2013 của TAND thành phố Hà Nội” trái với nội dung thỏa thuận của các đương sự ngày 26/5/2013. Việc công nhận sự thỏa thuận ghi trong quyết định này trái với những hồ sơ có thật trước đó giữa VPBank và ATS, dẫn đến ATS vẫn còn nợ 1.124.000.000.000 đồng đồng sau khi đã cấn trừ hết 8 tài sản (điều này có thể khiến Cty ATS sẽ rơi vào phá sản).
Ngoài ra, nếu theo Quyết định trên của Toà án Ba Đình thì từ con số nợ gốc: 796.213.224.046 đồng, ATS phải trả sau hơn 2 năm số tiền là 1.461.754.235.760 đồng. Vậy lãi suất là trên 37%/năm, Công ty ATS nhận định nội dung trên trái với Luật tín dụng đã ban hành.
Vì lý do này, Công ty ATS không đồng ý thực hiện bàn giao, nộp thuế, ký đăng ký sang tên các tài sản thế chấp cho VPBank nữa và đã gửi đơn đề nghị kháng nghị đối với Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM của TAND quận Ba Đình. Đồng thời, Công ty ATS, Công ty Quảng Đại đã gửi Công văn đến UBND TP Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh đề nghị ngăn chặn, dừng không thực hiện việc đăng ký sang tên VPBank.
Ngân hàng yêu cầu Công ty ATS ký các Hợp đồng chuyển nhượng tài sản thế chấp cho VPBank, trong đó có Hợp đồng ngày 04/6/2013 chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng và sau đó Quyết định số 05 cuả Toà án có hiệu lực. Công ty ATS đã gửi Công văn đến UBND TP Đà Nẵng, Sở TNMT TP Đà Nẵng, Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng,…đề nghị ngăn chặn, dừng không thực hiện việc đăng ký sang tên VPBank tại thửa số 2, tờ bản đồ số 95, thế nhưng Công ty ATS không nhận được bất cứ phản hồi nào. Vào các ngày 17/10, 08/11, 1/12/2016, Công ty ATS tiếp tục gửi các Sở ban ngành của TP Đà Nẵng yêu cầu cung cấp thông tin pháp lý về 2 khối tài sản của mình là khu đất tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn và Lô đất số 22-B7 đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu.
Ngày 7/12/2016, Công ty ATS nhận được văn bản phúc đáp của Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng thì được biết thửa số 2, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn đã được đăng ký biến động tên người sử dụng đất sang cho VPBank và việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký biến động chuyển quyền trước ngày Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng nhận được đơn đề nghị ngăn chặn của Công ty ATS.
Như vậy, dù ATS đã có văn bản yêu cầu ngăn chặn, tạm dừng các thủ tục đăng ký, sang tên đổi chủ quyền sử dụng đất tại thửa đất trên theo Công văn số 82/2013/CV-AST vào ngày 18/7/2013 đến Văn phòng đăng ký đất đai Đà Nẵng. Tuy nhiên, dựa trên căn cứ bộ hồ sơ do VPBank tự lập, không có chữ ký của Công ty ATS, kê khai liên quan đến khu mua bán khu đất 6,2 ha; Văn phòng này vẫn cố tình thực hiện việc chỉnh lí biến động quyền sử dụng đất từ ATS sang VPBank là không đúng trình tự, thủ tục pháp luật, xâm phạm nghiệm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty ATS. Từ đây, VPBank đã nhanh chóng thực hiện các hành vi mua bán cho bên thứ ba nhằm mục đích thôn tính tài sản của ATS. Cụ thể, ngày 07/03/2017 VPBank đã chuyển nhượng cho ông Hiếu (SN 1984), bà Yến (SN 1986) là 480 tỷ đồng (đã bao gồm thuế các loại), thấp hơn cả số tiền cấn trừ nợ khoảng 40 tỷ đồng. Lý do gì mà VPBank lại phải bán lỗ một khu đất có giá trị lớn đến vậy? Ngày 12/7/2017, hai người này tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty Hai Hạnh với giá 920 tỷ (trong vòng 4 tháng 05 ngày thu lời đến 440 tỷ đồng). Hiện nay, Công ty Hai Hạnh đã tách làm 18 thửa đất với tổng diện tích 23.018m2. Số diện tích còn lại là 35.521,8m2 tiếp tục được đăng ký biến động vào ngày 24/12/2017.
Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện thoả thuận đương sự, ngày 30/5/2013, đại diện Công ty ATS lập Hợp đồng uỷ quyền cho ông Trần Hữu Văn Dũng thay mặt Công ty ATS thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký sang tên tài sản cho VPBank nên ông Trần Hữu Văn Dũng thay mặt Công ty ATS lập tờ khai thuế thu nhận trong hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng. Điều này là vượt quá phạm vi uỷ quyền.
Như vậy, từ các lí do trên, Công ty ATS đã khởi kiện và yêu cầu Toà án giải quyết huỷ đăng ký chỉnh lý biến động do Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng thực hiện sang tên cho VPBank thửa số 2, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.
Ngày 18/03/2019, tại phiên sơ thẩm, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tuyên “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần đầu tư ATS về việc yêu cầu huỷ phần đăng kí chỉnh lý biến động ngày 20/03/2015 tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở số AM 607502 do UBND quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng cấp ngày 23/09/2009 tại thửa đất số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng”.
Tuy nhiên, ngày 30/08/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa vụ án “Khiếu kiện yêu cầu hủy phần đăng ký chỉnh lý biến động ngày 20/3/2015 tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở số AM 607502” ra xét xử phúc thẩm và ra Bản án số 148/2019/HC –PT nêu rõ: “…Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo bổ sung của Công ty ATS không hủy đăng ký chỉnh lý biến động sang tên VPBank ngày 20/3/2015 trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 607502 của Công ty ATS, xác định Công ty ATS có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự yêu cầu VPBank bồi thường thiệt hại vì giao dịch dân sự”.
Ngày 26/11/2019 Công ty ATS khởi kiện VPBank và Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng theo thủ tục tố tụng dân sự ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đề nghị Tòa án có thẩm quyền: Tuyên buộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Đà Nẵng phải bồi thường cho Công ty ATS tổng số tiền số tiền là: 2.676.668.764.240 đồng (Hai nghìn sáu trăm bảy mươi sáu tỷ sáu trăm sáu mươi tám triệu bảy trăm sáu mươi tư nghìn hai trăm bốn mươi đồng) do có vi phạm pháp luật trong việc đăng ký, chỉnh lý biến động quyền sử dụng đất tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng ngày 20/03/2015 và bán tài sản này trái pháp luật gây thiệt hại cho Công ty ATS.
Ngày 23/12/2019, Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng ra thông báo số 11/2019/TB-TLVA về việc thụ lý vụ án số 11/2019/TLST-KDTM về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do đăng ký biến động sang tên tài sản và chuyển nhượng tài sản”.
Sau đó, vụ việc được chuyển cho TAND thành phố Đà Nẵng thụ lý nên ngày 15/05/2020, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng ra thông báo số 14/2020/TLST-DS về việc thụ lý vụ án về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do đăng ký biến động sang tên tài sản và chuyển nhượng tài sản”.
Tuy nhiên, ngày 26/08/2020, Vụ III của Toà án Nhân dân Tối cao ra Văn bản số: 264/TANDTC-GĐKTIII (V/v tạm đình chỉ giải quyết vụ án) nêu rõ: Chánh án TAND Tối cao đang xem xét việc kháng nghị Bản án hành chính phúc thẩm số 148/2019/HC-PT ngày 30/08/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Do đó đề nghị đồng chí Chánh án Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu trên, chờ kết quả giải quyết vụ án hành chính của Toà án nhân dân tối cao”.
Ngày 09/02/2021, Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao ra Quyết định đề nghị Kháng nghị giám đốc thẩm số 04/2021/KN-HC đối với Bản án Hành chính phúc thẩm số 148/2019/HC-PT ngày 30/08/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng với nội dung: “Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ Bản án hành chính phúc thẩm nêu trên, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2019/HC-ST ngày 18/3/2019 của Toà án nhân dân Thành phố Đà Nẵng; Tạm đình chỉ thi hành Bản án hành chính phúc thẩm số 148/2019/HC-PT ngày 30/08/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao”.
Ngày 19/02/2021, Công ty ATS đã nhận được Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số 04/2021/KN-HC ngày 09/02/2021 của TAND Tối cao kháng nghị đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 148/2019/HC-PT, ngày 30/08/2019 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có hiệu lực pháp luật.
Sau khi nghiên cứu, xem xét kỹ toàn bộ nội dung của Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên, Công ty ATS cho rằng: Các căn cứ, cơ sở mà TANDTC sử dụng để kháng nghị giám đốc thẩm hoàn toàn không đúng tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có trong vụ án. Công ty ATS đã làm đơn kiến nghị gửi Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tối cao, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ….. Toà soạn xin đăng tải toàn bộ đơn kiến nghị như sau:
1. TANDTC cho rằng có đủ căn cứ xác định việc các bên lập hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao tài sản là để thực hiện theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM (trang 6 Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm).
Nhận định này của TANDTC là không có cơ sở, sai lệch hồ sơ, tài liệu có trong vụ án bởi lẽ:
Hợp đồng chuyển nhượng tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng mà Công ty ATS ký với VPBank ngày 04/06/2013 tại Phòng công chứng số 2, TP Đà Nẵng là để thực hiện theo Văn bản thỏa thuận ngày 26/5/2013 giữa Công ty ATS, VPBank và Công ty Quảng Đại chứ hoàn toàn không phải là để thực hiện theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM của TAND Ba Đình như TANDTC nêu vì:
Một là, trên cơ sở các bên đã ký Văn bản thỏa thuận ngày 25/06/2013 về việc chuyển nhượng tài sản để cấn trừ nợ, trong đó, các bên đã thỏa thuận Công ty ATS, Công ty Quảng Đại sẽ ký 8/9 tài sản đang thế chấp cho VPBank để cấn trừ nợ, trong số đó, có tài sản tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Chính vì vậy, ngày 04/06/2013, Công ty ATS ký hợp đồng chuyển nhượng với VPBank là thực hiện theo Văn bản thỏa thuận này.
Hai là, Công ty ATS và VPBank ký Hợp đồng chuyển nhượng vào ngày 04/06/2013, tại thời điểm này, chưa có Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM như văn bản của TANDTC nêu. Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM được TAND quận Ba Đình ban hành ngày 11/06/2013, tức là sau ngày ký Hợp đồng chuyển nhượng 07 ngày. Vậy mà, văn bản của TANDTC lại cho rằng, Hợp đồng chuyển nhượng được ký kết để thực hiện theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM là hoàn toàn không đúng hồ sơ, tài liệu có trong vụ án.
Biên bản bàn giao tài sản số 07/ATS-VPB/2013 ký ngày 24/06/2013 giữa Công ty ATS và VPBank là để thực hiện theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 04/06/2013 đã ký giữa Công ty ATS và VPBank chứ không phải theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM như văn bản của TANDTC đã nêu, bởi lẽ:
Một là, trong Biên bản bàn giao tài sản nêu trên, không có bất kỳ câu nào, từ nào, nội dung nào nói đến bàn giao tài sản theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM. Ngược lại, trong văn bản bàn giao lại thể hiện việc bàn giao tài sản này là theo Văn bản thỏa thuận ngày 26/05/2013 về việc chuyển nhượng tài sản để cấn trừ nợ, Hợp đồng chuyển nhượng tài sản ngày 04/06/2013 và Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 21/02/2011 đã ký giữa Công ty ATS và VPBank chứ không phải là bàn giao theo Quyết định số 05 của TAND quận Ba Đình.
Hai là, thực tế, Biên bản bàn giao tài sản này được các bên ký kết ngay sau khi ký Văn bản thỏa thuận ngày 26/05/2013, nội dung trong Hợp đồng chuyển nhượng tài sản ngày 04/06/2013 và trong toàn bộ nội dung trong Biên bản bàn giao tài sản số 07/ATS-VPBank/2013 ngày 24/06/2013 không có bất kỳ nội dung nào, mục nào, câu từ nào nhắc đến Quyết định số 05 của TAND quận Ba Đình mà trong đó lại chỉ nhắc đến Văn bản thỏa thuận và Hợp đồng (tức là Văn bản thỏa thuận ngày 26/05/2013 về việc chuyển nhượng tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ, Hợp đồng chuyển nhượng tài sản ngày 04/06/2013 và Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 21/02/2011) mà VPBank và Công ty ATS đã ký.
Minh chứng cho việc này là, tại trang 2, Biên bản bàn giao tài sản ghi: “Công ty ATS cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo các Văn bản ký kết với VPBank và tiếp tục phối hợp cùng với VPBank để hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng tài sản bàn giao sang tên cho VPBank”, tại trang 3, Biên bản bàn giao tài sản ghi: “Nếu một trong các bên thực hiện không đúng trách nhiệm nêu tại Biên bản bàn giao này sẽ phải chịu các chế tài như quy định tại các Văn bản thỏa thuận, Hợp đồng cam kết đã ký với VPBank và theo quy định của Pháp luật". Việc này phù hợp với việc ngày 21/06/2013, Công ty ATS và VPBank đã có văn bản gửi cho Phòng công chứng số 2 TP. Đà Nẵng để yêu cầu điều chỉnh giá chuyển nhượng từ chưa bao gồm thuế thành đã bao gồm thuế và sau đó, ngày 24/06/2013, các bên bàn giao tài sản theo Hợp đồng chuyển nhượng. Điều này là phù hợp với nội dung vụ việc, vì trong cùng vụ án liên quan đến việc bàn giao 08 tài sản thế chấp thì tài sản thế chấp tại số 5 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, TP Hà Nội Công ty ATS và VPBank đã tiến hành bàn giao tài sản từ ngày 29/05/2013, tức là bàn giao trước thời điểm có Quyết định số 05 là ngày 11/06/2013 và điều này chứng minh cho việc hai bên tiến hành bàn giao tài sản là theo Văn bản thỏa thuận ngày 26/05/2013 và Hợp đồng chuyển nhượng tài sản là hoàn toàn có cơ sở.
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận định không có cơ sở để khẳng định việc bàn giao tài sản theo Biên bản bàn giao số 07 nêu trên là bàn giao theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM ngày 11/06/2013 là hoàn toàn đúng với các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án.
Theo quy định của pháp luật thì có sự khác biệt rõ ràng về việc ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản và việc bàn giao tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Vậy mà, tại sao văn bản của TANDTC lại cho rằng, về bản chất nó đều giống nhau? Bản chất của việc các bên ký hợp đồng chuyển nhượng (mua bán tài sản) là việc một bên có nhu cầu mua và một bên có nhu cầu bán tài sản, sau khi ký hợp đồng mua bán tài sản thì bên mua có trách nhiệm thanh toán tiền cho bên bán, bên bán có nghĩa vụ bàn giao tài sản cho bên mua (Điều 428 BLDS) - trường hợp này phải kê khai nộp thuế TNDN theo quy định. Còn bản chất của việc bàn giao tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ là do bên vay không có khả năng trả nợ và không còn cách nào khác để trả nợ nên bắt buộc phải bàn giao các tài sản đã thế chấp (các tài sản bảo đảm cho khoản vay) cho bên nhận thế chấp (bên cho vay) để thay thế nghĩa vụ trả nợ (được thực hiện theo Khoản 2, Điều 59, Nghị định 163 của Chính phủ) - trường hợp này được miễn thuế TNDN.
Bản chất của hai việc này là hoàn toàn khác nhau, không có bất kỳ điểm nào giống nhau, chính vì tìm mọi cách, bằng mọi giá chiếm đoạt bằng được tài sản của Công ty ATS nên VPBank đã không những yêu cầu Công ty ATS ký các Văn bản thỏa thuận, ký các Hợp đồng chuyển nhượng, và cả thỏa thuận tại Tòa án để từ đó Tòa án ra Quyết định công nhận hòa giải thành... Việc vừa ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản, lại vừa thỏa thuận tại Tòa án về việc bàn giao tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ là mâu thuẫn nhau, trái các quy định của pháp luật và do đó, Bản án (Quyết định) của Tòa án là có giá trị cao nhất bắt buộc các bên phải thực hiện. Vì vậy nên, không thể có chuyện ký hợp đồng chuyển nhượng để thực hiện theo bản án. VPB ký hợp đồng trước, sau 7 ngày mới có Quyết định số 05, vậy mà, bên này lại khẳng định việc ký Hợp đồng để thực hiện bản án thật là điều giả dối, không thể tưởng tượng được.
Liên quan đến việc ký các hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa Công ty ATS và VPBank thì năm 2017, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội (xét xử sơ thẩm) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội (xét xử phúc thẩm) đã tuyên các Hợp đồng chuyển nhượng tài sản thế chấp giữa Công ty ATS và VPBank bị vô hiệu do giả tạo và do vi phạm pháp luật, hiện bản án đang có hiệu lực pháp luật. Vậy mà, văn bản của TANDTC lại cho rằng, việc Công ty ATS và VPBank ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản ngày 04/06/2013 là để thực hiện Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM ngày 11/06/2013 là trái với Bản án đã có hiệu lực pháp luật, là hoàn toàn không có căn cứ, trái pháp luật.
Như vậy, có đủ căn cứ để khẳng định nhận định của TANDTC về việc “các bên lập hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao tài sản là để thực hiện theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM” là phiến diện, thiếu khách quan, hoàn toàn không đúng với các tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trái các quy định của pháp luật như trong mục 7, quyết định số 05 trên.
2. TANDTC cho rằng, ngày 30/05/2013, đại diện Công ty ATS lập Hợp đồng ủy quyền cho ông Trần Hữu Văn Dũng thay mặt Công ty ATS thực hiện các thủ tục đăng ký sang tên tài sản nên ông Trần Hữu Văn Dũng thay mặt Công ty ATS lập Tờ khai thuế thu nhập trong hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng không vượt quá phạm vi ủy quyền.
Nhận định này của TANDTC là nhận định chủ quan, phiến diện, không căn cứ theo nội dung ủy quyền. Cụ thể:
Trong Hợp đồng ủy quyền ngày 30/5/2013 ký giữa bà Nguyễn Thị Thoa - đại diện theo pháp luật của Công ty ATS, và ông Trần Hữu Văn Dũng, thể hiện rõ nội dung và phạm vi ủy quyền là: ông Trần Hữu Văn Dũng được thay mặt và nhân danh bên A (bà Thoa) đại diện cho Công ty ATS thực hiện các thủ tục liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng tài sản mà Công ty ATS sẽ ký với VPBank, hoàn toàn không có nội dung nào cho phép ông Dũng được kê khai, lập tờ khai thuế TNDN theo Quyết định số 05 của TAND quận Ba Đình. Tại thời điểm ký Hợp đồng ủy quyền nêu trên thì Quyết định số 05 của TAND quận Ba Đình chưa ra đời, 12 ngày sau TAND quận Ba Đình mới ban hành Quyết định số 05 nêu trên. Hơn nữa, nội dung hợp đồng ủy quyền lại chỉ cho phép ông Dũng thực hiện các thủ tục kê khai, nộp thuế theo Hợp đồng chuyển nhượng mà Công ty ATS sẽ ký với VPBank, vậy lấy đâu ra tài liệu nào thể hiện ông Dũng được phép làm thủ tục kê khai theo Quyết định số 05 như văn bản của TANDTC nêu?
Trong hồ sơ vụ án thể hiện, ông Dũng lập 02 tờ khai nộp thuế TNDN đó là:
Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 11/07/2013 để đăng ký biến động sang tên theo hợp đồng chuyển nhượng đã ký giữa VPBank và Công ty ATS ngày 04/06/2013 thì tờ khai này không vượt quá phạm vi ủy quyền. Nhưng do Công ty ATS đi khiếu nại, tố cáo và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không đăng ký sang tên chuyển nhượng tài sản cho VPBank nên sau đó VPBank không đăng ký biến động sang tên được bằng Tờ khai này.
Đến năm 2015, sau gần 02 năm không đăng ký sang tên được tài sản theo Hợp đồng chuyển nhượng thì VPBank lại lập hồ sơ đề nghị VPĐKĐĐ Đà Nẵng đăng ký biến động sang tên tài sản này cho VPBank theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM của TAND quận Ba Đình, do đó, ông Dũng lại lập Tờ khai thuế TNDN ngày 15/01/2015 để sử dụng làm căn cứ đăng ký biến động tài sản theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM là vượt quá phạm vi ủy quyền vì Công ty ATS đâu có ủy quyền cho ông Dũng được lập, kê khai và làm thủ tục đăng ký biến động sang tên tài sản theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM đâu. Hơn nữa, nội dung tờ khai ngày 15/01/2015 cũng không phù hợp với hồ sơ sử dụng để đăng ký, tức là đăng ký theo Quyết định số 05 nhưng lại kê khai theo Hợp đồng chuyển nhượng, hai nội dung này hoàn toàn khác nhau "râu ông nọ cắm cằm bà kia"- việc này là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Có thể, do ông Dũng tại thời điểm được ủy quyền đang là Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng của VPBank (người của VPBank) nên ông Dũng và VPBank bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình làm mọi cách để chiếm đoạt bằng được tài sản có giá trị lớn hơn nhiều giá trị đối trừ nợ giữa Công ty ATS và VPBank.
Do đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định việc ông Dũng không được ủy quyền để kê khai, lập và thực hiện các thủ tục đăng ký biến động sang tên tài sản nêu trên theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM là vượt quá phạm vi ủy quyền là hoàn toàn chính xác, đúng tài liệu chứng cứ, hồ sơ có trong vụ án, đúng pháp luật.
Như vậy, nhận định trên của TANDTC là hoàn toàn không có cơ sở, không đúng các hồ sơ, tài liệu, chứng cứ có trong vụ án. Phải chăng, đại diện của TANDTC không đọc hồ sơ mà tự mình nghĩ ra lý do như vậy để làm căn cứ kháng nghị cho bên chiếm đoạt tài sản?
3. TANDTC cho rằng, theo thỏa thuận tại mục 7, Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM, nếu Công ty ATS không thực hiện việc bàn giao, đăng ký sang tên tài sản cho VPBank thì VPBank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc Công ty ATS phải thanh toán tiền nợ và phát mại tài sản thế chấp để bảo đảm việc thi hành án. Lẽ ra, khi Công ty ATS không thực hiện đăng ký sang tên tài sản thế chấp, VPBank phải yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, xét về bản chất thì Công ty ATS là bên đi vay và thế chấp tài sản, VPBank là bên cho vay và nhận thế chấp tài sản. Điều 8 của các hợp đồng tín dụng giữa VPBank và Công ty ATS đã thể hiện quyền của VPBank là được xử lý tài sản bảo đảm của bên vay để thu hồi nợ. Việc Công ty ATS hay VPBank đăng ký sang tên tài sản cũng đều là để chuyển tên tài sản từ Công ty ATS sang VPBank nhằm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Công ty ATS...
Nhận định trên của TANDTC không những trái nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự là: Các bên tham gia giao dịch phải tôn trọng, nghiêm túc thực hiện những gì các bên đã thỏa thuận. Trong trường hợp này, các bên đã thỏa thuận là: Công ty ATS mới là người có quyền và nghĩa vụ thực hiện việc bàn giao và làm các thủ tục đăng ký biến động sang tên tài sản, VPBank hoàn toàn không được tự ý thực hiện các thủ tục này. Vậy mà, TANDTC lại nhận định: "Ai làm thủ tục đăng ký biến động sang tên cũng đều như nhau", nếu như thế thì cần gì các bên phải ký thỏa thuận để thể hiện quyền và nghĩa vụ của mình làm gì? Bộ luật Dân sự cũng đâu cần ban hành để buộc các bên phải tuân thủ thực hiện với những gì mình đã cam kết?
Đặc biệt, TANDTC lại quên rằng, Hiến pháp đã quy định bản án đã có hiệu lực pháp luật thì có giá trị cao nhất, bắt buộc các bên phải thi hành. Vậy mà, văn bản của TANDTC lại đem các thỏa thuận trong Bản án đã có hiệu lực pháp luật (Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM) để so sánh với các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp mà các bên đã ký trước đó để biện minh cho việc làm sai trái của VPBank (việc VPBank tự ý thực hiện các thủ tục đăng ký biến động sang tên tài sản mà thực tế trong bản án đã quy định VPBank không được quyền này).
Khi các bên không tự thỏa thuận, thống nhất được với nhau; còn tranh luận, mâu thuẫn thì mới phải kiện nhau ra Tòa, để Tòa án căn cứ vào các quy định pháp luật mà phân xử, phán xét đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, đúng pháp luật. Thế nhưng, khi có Bản án rồi lại không tôn trọng, tuân thủ mà còn viện dẫn các thỏa thuận trước đó để thực hiện là sao? Phải chăng đó là cố tình bao che cho việc làm sai trái, bao biện cho kẻ chiếm đoạt tài sản của Công ty ATS?
Vì những lẽ đó, chúng tôi có đủ cơ sở khẳng định để khẳng định việc TANDTC nhận định như nêu trên là trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật, không tôn trọng, không tuân thủ Bản án (Quyết định) đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự, vi phạm Hiến pháp.
4. Văn bản của TANDTC cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng chấp nhận Đơn của VPBank, Giấy ủy quyền ngày 30/5/2013 của Công ty ATS đối với ông Trần Hữu Văn Dũng trong khi chưa trả lời dứt điểm Công văn số 82/2013/CV-ATS ngày 18/7/2013 của Công ty ATS về việc Đề nghị tạm dừng các thủ tục đăng ký biến động sang tên và xác nhận vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tên Công ty ATS sang VPBank là không đúng trình tự, thủ tục và nội dung đã thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, xét về bán chất Công ty ATS là bên đi vay và thế chấp tài sản; còn VPbank là bên cho vay và nhận thế chấp tài sản. Do đó, việc các bên thỏa thuận bàn giao tài sản thế chấp thay việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Công ty ATS cho VPBank là phù hợp quy định tại Khoản 2 Điều 59 Nghị định 162/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) về Giao dịch bảo đảm”, là có cơ sở . Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty ATS, chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Ngô Trọng Hiếu, bà Nguyễn Thị Hải Yến và Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Hai Hạnh là có căn cứ. Trên cơ sở các thỏa thuận của Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản giữa VPBank và Công ty ATS; quy định tại Khoản 2 Điều 59 Nghị định 162/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006; Điểm a, Khoản 1 Điều 84 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì việc VPBank nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai và VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng đăng ký biến động tên chủ sử dụng đất cho VPBank là không trái quy định pháp luật. Vì vậy, không có căn cứ xác định VPBank có lỗi và phải bồi thường cho Công ty ATS”.
Nhận định trên của TANDTC là không căn cứ theo pháp luật, không căn cứ theo các tài liệu hồ sơ có trong vụ án. Ngay chính nhận định nêu trên của TAND TP.Đà Nẵng (cấp sơ thẩm) đã nhận định và chỉ rõ sai phạm của VPBank và VPĐKĐĐ Đà Nẵng trong việc thực hiện đăng ký biến động sang tên tài sản nêu trên từ Công ty ATS sang cho VPBank. Như vậy, khi Tòa án cấp sơ thẩm đã chỉ rõ sai phạm trong việc đăng ký biến động sang tên tài sản (sai phạm trong Quyết định hành chính) nêu trên thì bắt buộc phải tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty ATS.
Nhưng thật bất ngờ là Tòa cấp sơ thẩm lại lấy lý do, xét về bản chất Công ty ATS là bên đi vay, và là bên thế chấp, còn VPBank là bên cho vay và là bên nhận thế chấp... nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty ATS. Nhận định này của Tòa cấp sơ thẩm là mâu thuẫn trước sau, lập lờ đánh tráo khái niệm; việc lấy các căn cứ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng để bác bỏ thỏa thuận đã có hiệu lực pháp luật trong Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật là hoàn toàn trái các quy định của pháp luật. Vậy mà, TANDTC lại cho rằng, nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm là có cơ sở và bác bỏ lập luận của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng là điều bất thường.
Từ đó cho thấy, nhận định của TAND Tối cao như đã nêu trên là thiếu khách quan, không đúng các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trái các quy định của pháp luật.
5. TAND Tối cao cho rằng: "Sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty ATS có đơn kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, tuyên hủy đăng ký chỉnh lý biến động tên VPBank trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của ông Ngô Trọng Hiếu, bà Nguyễn Thị Hải Yến và Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Hai Hạnh. Tại phiên Tòa phúc thẩm, Công ty ATS bổ sung yêu cầu kháng cáo là nếu Hội đồng xét xử xét thấy việc VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng chỉnh lý sang tên tài sản cho VPBank không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, nhưng vì quyền lợi của người thứ ba ngay tình mà không hủy đăng ký biến động sang tên thì phải nhận định rõ sai phạm của VPBank cũng như VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng để Công ty ATS khởi kiện yên cầu bồi thường theo quy định pháp luật dân sự. Yêu cầu kháng cáo bổ sung này của Công ty ATS làm phát sinh quan hệ pháp luật khác của VPBank vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu nên theo quy định tại Khoản 2, Điều 218 và Điều 220 Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền xem xét".
Nhận định nêu trên của TANDTC là không đúng bản chất vụ án, không đúng các quy định của pháp luật, có dấu hiệu bao che, bảo vệ cho việc làm sai trái của VPBank và VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng. Pháp luật là nghiêm minh, ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể trốn tránh, che đậy bằng luận điệu "Yêu cầu kháng cáo bổ sung này của Công ty ATS làm phát sinh quan hệ pháp luật khác của VPBank vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu nên theo quy định tại Khoản 2, Điều 218 và Điều 220 Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền xem xét".
Đối chiếu với nội dung thỏa thuận trong Quyết định số 05 của TAND quận Ba Đình (Quyết định đã có hiệu lực pháp luật - không bị kháng cáo, kháng nghị) thì trong việc đăng ký biến động sang tên tài sản của Công ty ATS tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 95, Phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng 02 cấp tòa: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều nhận định VPBank và VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng đều có lỗi trong việc đăng ký biến động tài sản nêu trên. Mà như vậy, theo quy định của pháp luật về dân sự, bên có lỗi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên bị thiệt hại.
Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định rõ ràng rằng: VPBank và VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng đều có lỗi trong việc đăng ký biến động tài sản nêu trên. Tuy nhiên, xét về bản chất... nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty ATS.
Công ty ATS yêu cầu hủy việc đăng ký biến động sang tên tài sản nêu trên của Công ty ATS cho VPBank là yêu cầu hủy Quyết định hành chính, khi đã xác định Quyết định hành chính là sai phạm thì nhất định phải hủy Quyết định hành chính đó để đảm bảo quyền lợi cho các bên chứ Tòa hành chính không được xét về bản chất của giao dịch dân sự, kinh tế, tín dụng, thế chấp... của các bên. Do vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định rõ sai phạm của VPBank và VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng rồi nhưng lại lấy lý do này kia để không chấp nhận yêu cầu của Công ty ATS mới là không đúng pháp luật, không đúng bản chất, hồ sơ có trong vụ án. Bản chất thật sự của vụ việc là: Tài sản của Công ty ATS tại thời điểm đăng ký biến động sang tên tài sản cho VPBank tháng 2/03/2015 là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng giá trị đối trừ nghĩa vụ nợ giữa Công ty ATS và VPBank chỉ có 483 tỷ đồng nên VPBank cố tình tìm mọi cách sang tên để bán chiếm đoạt số tiền chênh lệch gần 500 tỷ đồng. Việc Tòa cấp sơ thẩm đã xác định rõ sai phạm nhưng lại không tuyên hủy đăng ký biến động sang tên tài sản nêu trên mới là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu bao che, bảo vệ cho kẻ chiếm đoạt trái pháp luật tài sản của Công ty ATS.
Tòa cấp phúc thẩm nhận định: “ ...Như vậy, sau khi Tòa án Nhân dân quận Ba Đình ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/2013/QĐST-KDTM ngày 11/6/2013, thì Công ty ATS không nghiêm chỉnh thực hiện “bàn giao, đăng ký sang tên tài sản cho VPBank theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về giao dịch bảo đảm” nên lẽ ra VPBank chỉ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp để bảo đảm thi hành án và trên thực tế VPBank đã yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình thi hành đối với tòa nhà gắn liền đất thuê tại địa chỉ số 05 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội để bảo đảm thi hành án; nhưng VPBank lại “chủ động, tích cực” trong việc lập hồ sơ trình Văn phòng đăng ký đất đai sang tên quyền sử dụng thửa đất số 2, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cho VPBank là không theo tiền lệ đã yêu cầu thi hành án tài sản tại Hà Nội, trái với thỏa thuận của hai bên đã được Tòa án nhân dân quận Ba Đình công nhận tại Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM ngày 11/6/2013. Xét, nếu Công ty ATS không tranh chấp mà thực hiện nghiêm chỉnh “bàn giao, đăng ký sang tên tài sản cho VPBank theo đúng quỵ định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về giao dịch bảo đảm” thì giá gán nợ thửa đất số 02 theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM là 483.754.235.750 đồng; trong khi giá thửa đất này khi định giá để hai bên ký Hợp đồng quyền sử dụng đất ngày 21/02/2011 là 938.100.000.000 đồng (bút lục số 273, 440). Ngày 07/3/2017, VPBank chuyển nhượng thửa đất số 02 cho vợ chồng ông Ngô Trọng Hiếu, sinh năm 1984 và bà Nguyễn Thị Hải Yến sinh năm 1986 với giá ghi trong Hợp đồng công chứng là 480 tỷ đồng (bút lục 573), nhưng ngày 12/7/2017, ông Hiếu, bà Yến ký Hợp đồng công chứng chuyển nhượng thửa đất số 02 (tại phiên Tòa ông Hiếu thừa nhận từ khi nhận chuyển nhượng đến khi chuyển nhượng lại không đầu tư, xây dựng gì trên đất) cho Công ty Hai Hạnh với giá 920 tỷ đồng (bút lục 365); như vậy, chỉ sau 4 tháng VPBank mất, vợ chồng ông Hiếu và bà Yến được 440 tỷ đồng là điều bất bình thường.
... VPBank nộp hồ sơ yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng, chỉnh lý, sang tên quyền sử dụng thửa đất số 02 cho VPBank mà không yêu cầu Cơ quan thi hành án kê biên, phát mại tài sản thế chấp là trái với thỏa thuận của hai bên đã được công nhận tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/2013/QĐST-KDTM ngày 11/6/2013 của Tòa án Nhân dân quận Ba Đình, có dấu hiệu cho thấy hành vi chủ ý vi phạm của VPBank là nhằm mục đích nhận gán nợ tài sản thế chấp với giá thấp so với trường hợp yêu cầu cơ quan Thi hành án phát mại tài sản thế chấp.
... Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng chỉnh lý biến động sang tên quyền sử dụng thửa đất số 02 cho VPBank vi phạm trình tự, thủ tục về đăng ký biến động đất đai nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, lẽ ra cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty ATS hủy phần chỉnh lý, sang tên VPBank quyền sử dụng thửa đất số 02, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cấp ngày 23/9/2009 để khôi phục lại quyền sử dụng thửa đất cho Công ty ATS mới đúng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.
... Trong vụ án này, sau khi được chỉnh lý, sang tên quyền sử dụng thửa đất số 02, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn trên trang sau Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 607502 do UBND quận Ngũ Hành Sơn cấp ngày 23/9/2009 thì ngày 07/3/2017 VPBank đã ký Hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nêu trên cho vợ chồng ông Ngô Trọng Hiếu, bà Nguyễn Thị Hải Yến; vợ chồng ông Hiếu, bà Yến đã chuyển nhượng thửa đất lại cho Công ty Hai Hạnh; Công ty Hai Hạnh cũng đã phân lô chuyển nhượng đất cho nhiều người và những người nhận chuyển nhượng sau này đều đã được cấp các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên căn cứ Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, Hội đồng xét xử phúc thẩm không hủy phần chỉnh lý, sang tên VPBank quyền sử dụng thửa đất số 02 này.
...Xét kháng cáo bổ sung của Công ty ATS không vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu vì nếu căn cứ theo quy định của pháp luật phải hủy đăng ký biến động sang tên quyền sử dụng thửa đất số 02, bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cho VPBank thì Công ty ATS sẽ được khôi phục ngay quyền sử dụng thửa đất này. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo bổ sung của Công ty ATS không hủy đăng ký chỉnh lý biến động sang tên VPBank ngày 20/3/2015 trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 607502 của Công ty ATS, xác định Công ty ATS có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự yêu cầu VPBank bồi thường thiệt hại vì giao dịch dân sự (do VPBank chủ động, tích cực tiến hành sang tên VPBank quyền sử dụng thửa đất số 02, bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn trái thỏa thuận của hai bên đã được Tòa án nhân dân quận Ba Đình công nhận tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/2013/QĐST-KDTM ngày 11/6/2013) vô hiệu (do căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015, Hội đồng xét xử không tuyên hủy đăng ký chỉnh lý biến động sang tên VPBank ngày 20/3/2015 trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 657502 nên vấn đề này không cần đặt ra) và yêu cầu xem xét trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng theo quy định tại Điều 206, 207 Luật Đất đai 2013, được hướng dẫn tại khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, nhưng vì đây là vụ án hành chính nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không tuyên bố về quyền khởi kiện của Công ty ATS trong phần quyết định của bản án này".
Như vậy, Tòa cấp phúc thẩm đã chỉ rõ sai phạm của VPBank và VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng trong việc đăng ký biến động sang tên tài sản nêu trên của Công ty ATS cho VPBank. Do đó, theo quy định của pháp luật thì phải hủy việc đăng ký biến động nêu trên và trả lại tài sản của Công ty ATS mới đảm bảo quyền lợi của Công ty ATS. Nhưng do sau khi VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng đăng ký thì ngày 07/3/2017, VPBank đã ký Hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nêu trên cho vợ chồng ông Ngô Trọng Hiếu, bà Nguyễn Thị Hải Yến; vợ chồng ông Hiếu, bà Yến đã chuyển nhượng thửa đất lại cho Công ty Hai Hạnh; Công ty Hai Hạnh cũng đã phân lô chuyển nhượng đất cho nhiều người và những người nhận chuyển nhượng sau này đều đã được cấp các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên căn cứ Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, thì việc Hội đồng xét xử phúc thẩm không hủy phần chỉnh lý, sang tên VPBank quyền sử dụng thửa đất số 02 này, nhưng xác định Công ty ATS có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự yêu cầu VPBank bồi thường thiệt hại vì giao dịch dân sự là đúng pháp luật mà hoàn toàn không vượt quá phạm vi kháng cáo của Công ty ATS.
Trường hợp, Công ty ATS không bổ sung nội dung đơn kháng cáo là "nếu Hội đồng xét xử xét thấy việc VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng chỉnh lý sang tên tài sản cho VPBank không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, nhưng vì quyền lợi của người thứ ba ngay tình mà không hủy đăng ký biến động sang tên thì phải nhận định rõ sai phạm của VPBank cũng như VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng để Công ty ATS khởi kiện yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật dân sự” thì khi xét xử, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm vẫn phải xác định sai phạm của VPBank và VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng để làm căn cứ hủy đăng ký biến động sang tên tài sản của Công ty ATS cho VPBank. Vì thời điểm xét xử vụ việc thì Bộ luật Dân sự 2015 đã có hiệu lực pháp luật, theo đó, pháp luật bảo vệ người thứ ba ngay tình, nên sẽ không thể tuyên hủy các đăng ký biến động sang tên tài sản sau được và như vậy, để đảm bảo công bằng, đúng pháp luật thì Hội đồng xét xử cần phải xác định là Công ty ATS có quyền khởi kiện bằng vụ án theo quy định tại Khoản 3, Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 là: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, việc Hội đồng xét xử phúc phẩm chấp nhận yêu cầu bổ sung kháng cáo của Công ty ATS và xác định Công ty ATS có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự yêu cầu VPBank bồi thường thiệt hại vì giao dịch dân sự giữa Công ty ATS và VPBank vô hiệu là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật, không vượt quá phạm vi khởi kiện.
Việc TANDTC cho rằng, yêu cầu bổ sung đơn kháng cáo nêu trên của Công ty ATS là vượt quá phạm vi khởi kiện và điều đó làm phát sinh quan hệ pháp luật khác của VPBank là không có cơ sở, trái các quy định của pháp luật. Nhận định như vậy là chỉ để bênh vực, bao che cho việc làm sai trái của VPBank, giúp VPBank tránh được vụ kiện mà Công ty ATS đã khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại tại TAND TP. Đà Nẵng đối với VPBank và VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng với số tiền yêu cầu bồi thường là 2.676.668.764.240 đồng do đăng ký biến động sang tên tài sản và bán (chuyển nhượng) tài sản của Công ty ATS tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 95, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng trái các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty ATS.
“Từ các căn cứ đã phân tích trình bày trên cho thấy, có đủ căn cứ, cơ sở chứng minh các nhận định của TANDTC dùng để làm căn cứ kháng nghị Bản án hành chính phúc thẩm số 148/2019/HC-PT ngày 30/08/2019 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng là hoàn toàn không có cơ sở, trái với các tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có trong vụ án; có dấu hiệu bất thường, không đúng bản chất sự việc, hoàn toàn trái các quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của Công ty ATS, có nguy cơ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho Công ty ATS”., đại diện Công ty ATS khẳng định.
Căn cứ theo các phân tích, trình bày nêu trên; căn cứ theo tài liệu hồ sơ vụ án, căn cứ theo các quy định của pháp luật: Công ty ATS kính đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao “đèn trời soi xét, xét xử công minh”, không bênh vực kẻ đã chiếm đoạt tài sản của Công ty ATS số tiền ít nhất là hơn 436 tỷ đồng (tại thời điểm đăng ký sang tên và bán trái phép tài sản) và ra phán quyết:
Thực hiện đúng pháp luật, như mục 7, quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM: “Trường hợp Công ty ATS không thực hiện việc bàn giao, đăng ký sang tên tài sản cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) theo đúng thỏa thuận nêu trên, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc Công ty cổ phần đầu tư ATS phải thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng số tiền 1.461.754.235.760 đồng ( Một nghìn bốn trăm sáu mươi mốt tỷ bảy trăm năm mươi tư triệu hai trăm ba mươi lăm nghìn bảy trăm sáu mươi đồng) và phát mại toàn bộ tài sản thế chấp để đảm bảo thi hành án.”
Không chấp nhận (bác) Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 04/2021/KN-HC ngày 09/02/2021 của TAND tối cao đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 148/2019/HC-PT ngày 30/08/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Giữ nguyên Bản án hành chính phúc thẩm số 148/2019/HC-PT, ngày 30/08/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Trao đổi với phóng viên, Đại diện Công ty ATS cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ muốn được trả nợ đúng như các giao dịch theo hồ sơ hai bên đã thiết lập, tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thi hành án đấu giá thu hồi nợ đảm bảo lợi của các bên liên quan. Trong sự việc này chúng tôi thực hiện đúng khoản 7,8,9 mục II của Quyết định số 05 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình.
Hiện nay, có nhiều người suy thoái đạo đức, vì tư lợi, trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ kẻ chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn của Công ty ATS là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), chỉ tính riêng 01 tài sản trong vụ án hành chính này thì VPBank đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt số tiền ít nhất là 436.245.764.240 đồng của Công ty ATS. (Vì thực tế, tại thời điểm Công ty ATS thế chấp cho VPBank tháng 02/2011 tài sản này đã có giá trị là 938.100.000.000 đồng; Tháng 3/2017, VPBank bán tài sản cho vợ chồng ông Hiếu, bà Yến và sau đó chỉ 4 tháng 5 ngày (tháng 7/2017), vợ chồng ông Hiếu, bà Yến đã bán lại cho Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hai Hạnh với giá 920.000.000.000 đồng (ông Hiếu, bà Yến lãi ngay 440 tỷ đồng). Như vậy, lấy giá trị thực tế ông Hiếu, bà Yến bán cho Công ty Hai Hạnh 920.000.000.000 đồng trừ đi giá trị đối trừ nghĩa vụ nợ của Công ty ATS và VPBank (Theo Quyết định số 05 của TAND Ba Đình) là 483.754.235.760 đồng, thì thực tế Công ty ATS bị chiếm đoạt ít nhất số tiền 436.245.764.240 đồng).
Công ty ATS cho rằng, VPBank đang tìm mọi cách, mọi thủ đoạn, cố tình đăng ký biến động sang tên để chiếm đoạt cho bằng được tài sản có giá trị lớn nhưng giá trị đối trừ nghĩa vụ lại nhỏ mới là bản chất thật sự của vụ án. Câu hỏi đặt ra là, nếu không phải vì mục đích chiếm đoạt thì tại sao VPBank lại không thực hiện theo đúng Quyết định số 05/2013/QĐST- KDTM của TAND Ba Đình là thông qua cơ quan thi hành án dân sự phát mại tài sản để thu hồi nợ? Có phải VPBank thấy tài sản có giá trị quá lớn, lớn hơn gấp đôi giá trị đối trừ nghĩa vụ nợ nên nếu thông qua Cơ quan thi hành án phát mại, bán đấu giá công khai thì VPBank đâu chiếm đoạt được số tiền ít nhất là 436.245.764.240 đồng nêu trên và dùng mọi cách ngăn cản việc ATS khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Chúng tôi mong TAND Tối cao xem xét sự việc một cách cẩn trọng, VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đến vụ việc này, không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cho một doanh nghiệp cụ thể là ATS mà còn nhằm làm minh bạch, đảm bảo quyền lợi các bên, thượng tôn pháp luật trong các quan hệ kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực phát mại tài sản cầm cố của ngân hàng, tránh tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng pháp luật, tòa án để chiếm đoạt tài sản của người khác”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Link gốc : https://doanhnghiepvn.vn/phap-luat/xung-quanh-khang-nghi-phuc-tham-vu-ats-kien-vpbank-ban-tai-san-cam-co-trai-luat-dung-de-phap-luat-bi-loi-dung-tro-thanh-cong-cu-chiem-doat-tai-san/20210329021523684

Bạn đang đọc bài viết Vụ ATS kiện VPBank: Đừng để pháp luật bị lợi dụng trở thành công cụ chiếm đoạt tài sản tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng