Hà Nội, Thứ Hai Ngày 11/11/2024

Nhiều chủ ngân hàng vượt trần sở hữu cổ phần, xử lý thế nào?

VIETTIMES 10:05 17/10/2024

Quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã buộc giới chủ các ngân hàng “hiện thân”. Tại nhiều nhà băng, cơ cấu cổ đông khá cô đặc, một số cổ đông nắm lượng cổ phần vượt trần mức quy định mới.

Hàng loạt ngân hàng vượt trần tỷ lệ sở hữu

Thời gian trước, khi muốn tìm hiểu về cơ cấu cổ đông của các ngân hàng, nhà đầu tư thường nghiên cứu báo cáo thường niên và báo cáo quản trị. Tuy nhiên, các báo cáo này có hạn chế là chỉ công bố tỷ lệ sở hữu vượt trội của các cổ đông lớn, thường là cổ đông tổ chức, cùng với tỷ lệ sở hữu của các thành viên hội đồng quản trị/ban điều hành và người/tổ chức có liên quan.

Kể từ ngày 1/7, khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực, ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan. Danh sách “những người có liên quan” của cổ đông được mở rộng so với trước; bao gồm cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con rể, anh chị em vợ, anh chị em chồng, anh em chị dâu, ông bà nội ngoại, cô dì chú bác…

Luật giữ nguyên quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân ở mức 5%, song một sửa đổi quan trọng khác là giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cho cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%.

Trước quy định mới, những ngày qua, hàng loạt ngân hàng đã công bố thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Thống kê của VietTimes cho thấy, cơ cấu sở hữu tại nhiều nhà băng khá cô đặc, khi chỉ một lượng cổ đông nhỏ đã nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo/người thân của lãnh đạo các ngân hàng cùng người có liên quan đang nắm số cổ phần vượt trần mức quy định của Luật mới.

Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), chỉ 13 cổ đông gồm 7 cá nhân và 6 tổ chức đã nắm giữ 1,84 tỷ cổ phiếu TCB, tương đương 52,265% vốn ngân hàng. Trong đó, hầu hết cá nhân nắm giữ trên 1% vốn đều là người có liên quan của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ.

Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 19.58.47.png
Tỷ lệ sở hữu cổ phần Techcombank (Biểu đồ: HT)

Cụ thể, cá nhân sở hữu nhiều cổ phiếu nhất là bà Thanh Thuỷ với hơn 174 triệu cổ phiếu, tức 4,943% vốn ngân hàng. Người có liên quan của bà Thuỷ sở hữu hơn 980 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 27,8% vốn ngân hàng. Như vậy, tổng cộng gần 33% vốn nhà băng tư nhân này do nhóm cổ đông của vợ chủ tịch sở hữu.

Còn ông Hồ Hùng Anh nắm giữ 39,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,116%. Hai người con là Hồ Anh Minh, Hồ Thủy Anh mỗi người nắm giữ gần 4,9% vốn, người con còn lại là Hồ Minh Anh sở hữu hơn 2%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) có 17 cổ đông đang nắm gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn ngân hàng này. Trong đó, 4 cổ đông tổ chức sở hữu 23,4% và 13 cổ đông cá nhân giữ hơn 40,8%.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, nắm hơn 328,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,14%. Người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, tương đương sở hữu 29,5% vốn điều lệ.

Như vậy, ông Dũng và người có liên quan nắm giữ hơn 33,6% vốn điều lệ VPBank trong khi tỷ lệ sở hữu công bố cuối năm 2023 tại báo cáo quản trị theo Luật Chứng khoán là 13%. Sự khác biệt lớn này một phần do quy định mới mở rộng hơn về "những người có liên quan” như đề cập ở trên.

Hay như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB), danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn gồm 9 doanh nghiệp với tổng tỷ lệ sở hữu chiếm 33,64% vốn ngân hàng.

Đáng nói, danh sách này không thể hiện tỷ lệ sở hữu của chủ tịch MSB Trần Anh Tuấn và người thân. Tuy vậy, nhóm công ty thuộc ROX Group - tập đoàn do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vợ ông Tuấn đang làm chủ tịch - cùng một số đơn vị liên quan đang sở hữu hơn 20% vốn MSB.

Chẳng hạn như CTCP Rox Key Holdings và người liên quan nắm 3,41% vốn, CTCP Đầu tư Xây dựng Rox Cons Việt Nam nắm 1,87%, CTCP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL và người liên quan nắm 2,74%, Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài nắm 4,96%, Công ty Xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư nắm 4,98%, Công ty TNHH Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội nắm 4,97%…

Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 19.45.08.png
Tỷ lệ sở hữu cổ phần MSB (Biểu đồ: HT)

Tương tự như MSB, danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK, HoSE: ABB) không có tên ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Văn Tiền, Phó chủ tịch HĐQT. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của ABBANK, ông Kháng hiện nắm hơn 8 triệu cổ phiếu ABB, chiếm 0,8% vốn ngân hàng. Trong khi đó, ông Tiền sở hữu gần 4 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 0,37% vốn.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Hậu, em trai ông Vũ Văn Tiền, cùng người có liên quan đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu ABB, tương ứng 17% vốn ngân hàng.

Danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% của ABBANK cũng xuất hiện một số tổ chức liên quan đến ông Vũ Văn Tiền như Tập đoàn Geleximco sở hữu 4,43%, CTCP Glexhomes sở hữu 4,43%…

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) cũng có sở hữu cô đặc khi 20 cổ đông nắm tới 80,6% vốn ngân hàng, gồm 13 tổ chức nắm 55,8% và 7 cá nhân nắm 24,8%. Riêng tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan là 19,9%. Trong đó, ông Tuấn nắm giữ 4,434% vốn, vợ là bà Cao Thị Quế Anh nắm 3,213%. Ba người con gái của ông Tuấn sở hữu hơn 10,9% vốn OCB.

Phần còn lại của bức tranh

Trái ngược với các đơn vị nói trên, tại một số nhà băng khác, tỷ lệ sở hữu lại được phân bố khá đồng đều. Có thể kể đến Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) khi không có cổ đông cá nhân nào nắm giữ trên 1% vốn. Tại MB, 2 cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội nắm 19% vốn; kế tiếp là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm 9,8%.

Tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, HoSE: LPB), chỉ có 2 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, gồm Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) với tỷ lệ sở hữu 6,54% vốn, cùng với người có liên quan nắm chưa đến 0,09% vốn.

Cổ đông còn lại là ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch hội đồng quản trị LPBank - với tỷ lệ sở hữu hơn 2,765% vốn và người có liên quan chỉ nắm vỏn vẹn 0,0002%. Như vậy, theo công bố, hơn 90% cổ phần của ngân hàng này là do các cổ đông “nhỏ” sở hữu dưới 1% vốn đứng tên.

Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm 3 “ông lớn” Vietcombank, VietinBank và BIDV đều công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Tại Vietcombank, tính đến ngày 20/7, chỉ có một tổ chức là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) với hơn 93,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,67% vốn điều lệ. Danh sách này không công bố tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.

MB.jpeg

Trong khi đó, VietinBank công bố có 3 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ, gồm MUFG Bank, Công đoàn VietinBank, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam. Tổng cổ phần các cổ đông này nắm giữ hơn 1.178 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 21,95% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Với BIDV, 2 cổ đông là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Keb Hana Bank đang nắm giữ tổng cộng gần 5,5 tỷ cổ phiếu BID, tương đương 95,99% vốn.

Ngoài những ngân hàng nói trên, còn nhiều nhà băng vẫn chưa công bố thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HoSE: STB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank, HNX: BAB),…

Hai mặt của việc kiểm soát tỷ lệ sở hữu

Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH), đánh giá những quy định mới về giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông hoặc minh bạch thông tin với cổ đông nắm từ 1% có tác dụng hạn chế tình trạng doanh nghiệp sân sau chi phối hoạt động của ngân hàng.

Về vấn đề nhiều cổ đông vượt trần sở hữu tại các ngân hàng nêu trên, ông Huân cho biết thêm, Luật mới cho phép cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt mức quy định mới được duy trì lượng cổ phần đang nắm giữ song không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo ông Huân, việc cho phép các cổ đông tổ chức đang sở hữu vượt mức 10% hay cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt mức 15%, có thể coi là một giải pháp “dung hoà”.

TS-Nguyen-Huu-Huan .jpg
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, UEH.

“Việc tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu theo Luật mới là một thách thức không nhỏ, bởi rất khó để yêu cầu các cổ đông đang nắm giữ tỷ lệ cao như vậy phải giảm sở hữu. Mặt khác, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nước ngoài cũng có mức trần quy định, nguồn lực tài chính trong nước suy yếu, dòng tiền mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn gốc rõ ràng, việc thoái vốn đầu tư vào ngân hàng không đơn giản”, PGS.TS Huân nhận định.

Bởi vậy, vị chuyên gia này nhìn nhận những quy định mới, vừa nhằm kiểm soát tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông đang sở hữu vượt trần, vừa tránh gây áp lực buộc họ ngay lập tức thoái vốn về mức quy định. Đây là quy định phù hợp.

Nói sâu hơn về mục tiêu kiểm soát, ông Huân cho rằng việc kiểm soát sở hữu tại các ngân hàng là điều không dễ dàng. Bởi các ông chủ nắm quyền chi phối có thể “ẩn mình” bằng cách nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần, mà SCB là trường hợp tiêu biểu. Do đó, nhà quản lý cần có thêm các biện pháp khác để kiểm soát vấn đề sở hữu tại các ngân hàng.

Vậy các biện pháp khác để kiểm soát là gì? Sẽ là các rào cản kĩ thuật hay chú trọng vào khâu thanh tra - giám sát của các cấp quản lý? Kinh nghiệm quốc tế nào có thể hữu ích cho Việt Nam? Và làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ của việc kiểm soát? Đó là những vấn đề sẽ được VietTimes đề cập trong bài viết tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều chủ ngân hàng vượt trần sở hữu cổ phần, xử lý thế nào? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng