Trong giới tài chính ngân hàng, việc CEO một doanh nghiệp ngồi “ghế” vị trí chủ chốt trong ngân hàng có thể nói là không hiếm.
Nhiều chuyên gia lo ngại khi dòng tiền các ngân hàng đổ vào BĐS tăng trưởng nóng. |
Tháng 5 vừa qua, bà Trần Thị Thu Hằng, CEO Sunshine Group chính thức đảm nhận ghế nóng – Chủ tịch HĐQT Kienlongbank. Trước đó vài tháng, ở tuổi 36, bà Hằng được bầu bổ sung, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT tại ngân hàng này. Điều thú vị, ngay sau khi đổi chủ, biểu tượng và tên gọi viết tắt của Kienlongbank cũng thay đổi thành KSBank. Nhiều người suy luận KSBank là tên viết tắt của Kiên Long và Sunshine Group.
Sau đó, ngân hàng này lên tiếng và cho biết, sẽ bổ sung thêm tên viết tắng tiếng Anh là KSBank khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Không chỉ bước chân vào lĩnh vực ngân hàng, lãnh đạo cấp cao của Sunshine Group mới đây cũng trở thành Chủ tịch HĐQT của Công ty Chứng khoán Việt Nam Gateway. CTCK này ngay sau đó đã được đổi tên thành Công ty Chứng khoán KS (KS Securities) và chuyển trụ sở chính về tòa nhà Sunshine Center Hà Nội. Đồng thời, toàn bộ thành viên HĐQT cũ của đơn vị này đã xin từ nhiệm. Thay vào đó là 03 thành viên HĐQT mới được bầu, trong đó lại cũng có bà Trần Thị Thu Hằng - CEO Sunshine Group.
Với việc nhân sự cấp cao của Sunshine Group đồng thời xuất hiện ở cả công ty chứng khoán lẫn ngân hàng, theo giới chuyên gia đánh giá, đã mở ra một hướng đi mới của Tập đoàn này trong lĩnh vực tài chính. Bởi tài chính và bất động sản là một mối quan hệ không thể tách rời. Và nếu một Tập đoàn bất động sản có mối quan hệ gắn kết nội bộ với ngân hàng, tài chính, thì việc khắc phục đặc điểm tính thâm dụng vốn cao và vòng quay vốn dài của ngành bất động sản, cần một trợ lực từ nguồn vốn tín dụng, sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Ngày 6.5.2021, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quản trị LienvietPostBank tổ chức ngay sau Đại hội đồng Cổ đông năm 2021, ông Nguyễn Đức Thụy hay còn gọi là “bầu Thụy” đã được HĐQT thống nhất bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.
Việc ông Nguyễn Đức Thụy giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT, cùng nhiều năm kinh nghiệm giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn, HĐQT tin tưởng ông Thụy sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động của ngân hàng, cùng với các thành viên HĐQT tiếp tục tạo dựng nền móng vững chắc để LienVietPostBank hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh, khẳng định vị thế của Ngân hàng trong giai đoạn phát triển mới.
Chưa rõ, điều thú vị này tới đây có xảy ra tại các ngân hàng khi “hai ta về một nhà” hay không nhưng chắc chắn câu chuyện giữa doanh nghiệp bất động sản với nhà băng luôn là mối quan hệ lợi ích chằng chịt giữa các bên.
Đằng sau câu chuyện này, không ít chuyên gia tỏ ra lo ngại khi dòng tiền ngân hàng đổ vào bất động sản ngày một nhiều.
Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối quý I/2021, dư nợ tín dụng BĐS đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020, mức tăng này cao hơn so với mặt bằng tăng trưởng tín dụng chung các ngành kinh tế trong quý I/2021 (2,93%). Hiện này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có chương trình cho vay mua BĐS với mức lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu khoảng 7-8%/năm, sau đó thả nổi vào khoảng 9-11%/năm.
Bầu Thụy và Ngân hàng LienvietpostBank 'se duyên' |
Chính việc dòng tiền đổ vào BĐS ngày một nhiều, thực tế từ đầu năm, thị trường BĐS nóng hơn bao giờ, thậm chí tăng giá trị tới 200%.
Phân tích về việc này, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một xu thế, đồng thời cũng rất đáng lo ngại. Khi mà dòng tiền chảy vào BĐS, tạo nên bong bóng thị trường BĐS, liệu có tạo ra bong bóng nợ xấu bao trùm lên các ngân hàng khi bong bóng BĐS nổ tung.
Trong khi đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, để phát triển thị trường BĐS lành mạnh, không bong bóng, đảm bảo an toàn vĩ mô, ngoài việc thắt chặt dòng tiền của các tổ chức tín dụng thì cũng cần có chính sách đồng bộ của các bộ ngành chức năng đối với thị trường BĐS.
Trên thực tế, những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Thậm chí, một nỗi lo lớn hơn là ngân hàng sẽ trở thành “con tin” của các doanh nghiệp BĐS.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, quan sát các vụ việc về tranh chấp, giải quyết nợ xấu, có nhiều dấu hiệu cho thấy ngân hàng có nguy cơ thành “con tin” của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Việc doanh nghiệp thua lỗ gây áp lực lên ngân hàng từ trước đến nay luôn là vấn đề đau đầu và khó xử của các ngân hàng thương mại. Vị này cũng nhận định, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà đôi khi ngân hàng cho vay không đúng tỷ lệ quy định, xem xét đánh giá các tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp của doanh nghiệp thiếu chuẩn xác. Vì vậy, rất có thể, trong mối quan hệ này, ngân hàng sẽ trở nên “sợ” doanh nghiệp.
Về lâu dài, nếu không giải quyết mối quan hệ này một cách hài hòa, minh bạch, thì sớm muộn “Hai ta về một nhà” nhưng sẽ cơm không lành, canh không ngọt…
Trong nhiều báo cáo thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát. Từ con số 7 cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau tính đến năm 2012 thì đến hết năm 2020 đã khắc phục hết; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm mạnh.
Ghi nhận những nỗ lực của NHNN trong xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, vẫn chưa hết lo khi tại nhiều ngân hàng TMCP tư nhân hiện nay đều có bóng dáng sở hữu chéo khi cổ đông lớn ở những ngân hàng này là chủ của các công ty, tập đoàn bất động sản.
Theo ông Kiêm, về bản chất, sở hữu chéo không xấu, có nhiều hình thức khác nhau và là hiện tượng phổ biến của ngân hàng các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sở hữu chéo bị biến tướng, nó tạo ra sự lỏng lẻo, mất vốn, tham nhũng...
Chính vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào, sở hữu chéo cũng phải được giải quyết triệt để, kiên quyết, bởi nếu để lọt lại sẽ rất phức tạp, nó khiến cho nền kinh tế mất minh bạch và tạo nên rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Điều TS Cao Sĩ Kiêm lo ngại là khi cổ đông lớn tại các ngân hàng là ông chủ của các tập đoàn bất động sản thì vốn tín dụng rất dễ bị bẻ lái vào những dự án bất động sản của tập đoàn ấy, ngân hàng trở thành sân sau cấp vốn cho các dự án bất động sản của cổ đông lớn.
Nguyên Thống đốc NHNN nhắc lại nhiều đại án ngân hàng mà nguyên nhân chính xuất phát từ sở hữu chéo và khẳng định những bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo. Đó là đại án Hứa Thị Phấn, người đã mua gần 85% cổ phần Ngân hàng TrustBank, giữ chức vụ Cố vấn cấp cao HĐQT, thao túng mọi hoạt động của ngân hàng. Chính bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT, Hội đồng đầu tư bất động sản của Trustbank đầu tư vào một số dự án của các công ty do bà Phấn làm chủ, dùng thủ đoạn nâng khống giá trị 4 bất động sản rồi lại chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Trustbank mua lại các bất động sản này với lý do 'mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản', trong khi Trustbank đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định.
Với những quy định ngày càng chặt chẽ của NHNN, đa phần các ngân hàng không còn vi phạm quy định về sở hữu chéo, song ở các ngân hàng TMCP tư nhân, theo nhận định của nguyên Thống đốc NHNN, “bóng ma” bất động sản phía sau các ngân hàng chưa hề biến mất, sở hữu chéo và sử dụng ngân hàng “nhà” để vay vốn đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn còn. Kết quả, có một phần lớn nợ xấu nằm trong bất động sản chưa xử lý được.
Còn thực tế diễn ra hiện nay từ câu chuyện 'hợp lực' của Lienvietpostbank - Bầu Thụy hay như KienlongBank - Sunshine... Tất cả nếu nhìn bề ngoài đều tưởng như không có vấn đề gì nhưng thực tế diễn ra lại là điều không phải ai cũng biết được.
"Sự tác động của các cổ đông lớn đối với ngân hàng ngày càng tinh vi và phức tạp, do đó đòi hỏi luật lệ của ta phải chặt chẽ hơn, đặc biệt sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của NHNN cũng phải được nâng lên và thực hiện thường xuyên.
Sở hữu chéo là chuyện muôn thuở của các ngân hàng, vì thế không có cách nào khác phải nâng cao chuẩn mực về quản trị, tách bạch quyền sở hữu với quyền quản trị. Phải tiến hành tổng kết thực tiễn để tìm ra những sở hở, lấp nó lại bằng cách bổ sung hoặc ra những quy định mới với phương pháp kiểm soát chặt hơn. Điều này rất quan trọng bởi chính sách dù đúng nhưng thực tiễn luôn có diễn biến mới và cụ thể, phải tổng kết để kịp thời uốn nắn, không được thì phải xử lý ngay", TS Cao Sĩ Kiêm lưu ý.