Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Giảm lãi suất, không nên giảm điều kiện cho vay

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:52 26/07/2021

Vị ĐBQH đoàn Thái Bình chia sẻ thẳng thắn về một số giải pháp thiết thực nhưng cũng rất thị trường để tiếp sức cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì Covid-19

Ngày 25/7, kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khoá XV bước vào ngày làm việc thứ sáu với phiên thảo luận hội trường cuối cùng bàn về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).

Do đã rút ngắn tới 8 ngày làm việc để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nhanh chóng dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch nên đến cuối ngày 25/7, vẫn còn nhiều ý kiến của ĐBQH trăn trở, tâm tư, muốn hiến kế cho Chính phủ đối phó đại dịch và điều hành hiệu quả kinh tế - xã hội.

Bên hành lang Quốc hội chiều muộn cùng ngày, ĐBQH Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội) đã chia sẻ một số ý kiến đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hiện tại.

Ông Hiếu nói, cái khó khăn nhất bây giờ là dự đoán chỉ tiêu KTXH 6 tháng cuối năm, bởi tương lai tiềm ẩn rất nhiều yếu tố bất định, câu hỏi "Bao giờ dịch bệnh kết thúc?" chưa có câu trả lời.

Tuy nhiên, vị ĐBQH của tỉnh Thái Bình cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần nỗ lực hết sức. Trong trường hợp nếu không đạt được chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn tạo được chuyển biến làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo dư địa cho phát triển trong dài hạn thì đó cũng được coi là thành công.

PV: Thưa ĐBQH Phan Đức Hiếu, trên hội trường ông đã phát biểu rằng, bên cạnh việc cải cách thể chế, kiên quyết bãi bỏ những quy định rườm rà về điều kiện kinh doanh, gây lực cản cho DN thì cần xây dựng các chương trình hỗ trợ DN trong việc nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi, tái cơ cấu... Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này?

Như chúng ta đã biết, trong nhóm các giải pháp hỗ trợ DN thì công cụ tín dụng hành chính (yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất, khoanh giãn nợ cho DN…) chỉ là một biện pháp. Biện pháp này giúp cải thiện dòng tiền nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên cấp vốn, trong đó có ít nhất 2 rủi ro: Một là làm phát sinh nợ xấu, hai là rất khó kiểm soát dòng tiền sau khi cấp cho DN thì nó đi đâu về đâu, hiệu quả thế nào.

Bởi vậy, tôi đã đề xuất rằng, nên kết hợp biện pháp tín dụng hành chính với giải pháp hỗ trợ kèm theo nhằm giúp DN nâng cao năng lực quản trị, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn trong bối cảnh mới.

Tiêu điểm - ĐBQH Phan Đức Hiếu: Giảm lãi suất, không nên giảm điều kiện cho vay
ĐBQH Phan Đức Hiếu (ảnh: H.Y)
Sự kết hợp này có hai ý nghĩa: Một là nâng cao năng lực của DN để hấp thụ khoản hỗ trợ tài chính, hai là giải pháp để phục hồi mạnh mẽ và bền vững khu vực DN. Giải pháp này cần thiết ngay cả khi không có Covid-19.

Tại sao tôi kiến nghị như vậy? Bởi vì các biện pháp hỗ trợ tài chính là cần thiết, nhưng về mặt dài hạn, nếu như Chính phủ không có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, thì ngay cả khi được hỗ trợ về mặt tín dụng, chưa chắc DN đã có khả năng hấp thụ nguồn vốn ấy. Đó là trường hợp của những DN quá yếu kém, sa sút, có được cấp vốn nhiều lần cũng không có khả năng tự quản trị để hồi phục.

PV: Ý của ông là hỗ trợ DN cũng cần phải có chọn lọc, trọng tâm, tránh dàn trải lãng phí?

Mục tiêu thực sự của tín dụng là để phục hồi, cơ cấu và phát triển DN. Và DN phải có năng lực hồi phục thì tín dụng bơm vào mới được hấp thụ. Chưa kể việc ngân hàng cũng là một DN nên họ cũng phải đảm bảo các khoản vay của họ. Theo tôi, ngay cả trong cấp vốn cũng nên có sự đầu tư đúng đối tượng để đạt hiệu quả cao nhất.

Giảm lãi suất nhưng không nên giảm điều kiện cho vay. Vì nếu giảm điều kiện cho vay, khiến khoản vay dễ dàng giải ngân hơn, sẽ dẫn đến không kiểm soát được dòng tiền vay về được sử dụng cho mục đích gì. Nới lỏng dòng tiền sẽ làm gia tăng nợ xấu.

Tôi sợ nhất một điều là khi mình cấp tín dụng hàng loạt mà thiếu chọn lọc thì sẽ dẫn đến hiện tượng “zombie doanh nghiệp”, nghĩa là DN đã chết lâm sàng, không có khả năng phục hồi, nhưng do giảm lãi suất hàng loạt nên họ cũng được vay. Khi chúng ta bơm tín dụng vào những DN ấy, họ vẫn không có mục đích và khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh, họ dùng tiền để trang trải những thất thoát, sau đó đóng cửa và rút khỏi thị trường. Như vậy, nó tạo ra nhiều rủi ro cho việc cấp vốn.

Giải pháp này theo tôi là mang nhiều yếu tố kỹ thuật, bởi nếu không thực hiện đúng thì rất có thể sẽ dẫn đến hiểu nhầm là triệt tiêu DN.

PV: Vậy theo ông cần tháo gỡ "điểm nghẽn" này thế nào?

Theo tôi, ngân hàng và DN nên nghĩ đến các biện pháp khác, ví dụ như ngân hàng thay vì cấp tín dụng thì có thể mua cổ phần ưu đãi trong các DN đó, Việc ngân hàng góp cổ phần cùng DN sẽ đưa dòng tiền đến đúng DN có khả năng phục hồi.

Khi DN phục hồi, ngân hàng có thể chuyển nhượng cổ phần đó. Như vậy nó vừa có tác dụng thúc đẩy tái cơ cấu, khôi phục sản xuất kinh doanh; vừa giảm thiểu được khoản vay nợ xấu.

Biện pháp này rất kỹ thuật nhưng cũng rất thị trường, phù hợp với bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Nó cũng nhằm đúng mục tiêu thực sự: Tín dụng là để phục hồi cơ cấu và phát triển DN

PV: Vậy nếu DN không phục hồi thì sao, thưa ông?

Nếu DN không phục hồi thì đó là rủi ro. Nhưng việc mua cổ phần của DN thực chất là một khoản đầu tư của ngân hàng nên nó không tạo ra nợ xấu. Nó khiến khoản vay đúng mục tiêu hơn, chặt chẽ hơn, thị trường hơn… Và muốn đầu tư hiệu quả, ngân hàng sẽ phải tính toán xem DN nào có khả năng phục hồi để đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trước đó, trình bày trước các ĐBQH ở hội trường chiều 25/7, Bộ trường bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện nay chúng ta có 870.000 DN nhưng có tới 97% là DN nhỏ và vừa.

Năm 2020, tỉ lệ DN có lợi nhuận chiếm 33,86%, 3 tháng đầu năm có khoảng 60 doanh nghiệp phát sinh doanh thu. 6 tháng đầu năm 2021 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng cao, tăng 24,9%, tức là xấp xỉ 25% số đã rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường, đã xuất hiện một số DN có quy mô vừa và lớn.

"DN của chúng ta năng lực đã yếu nhưng sức cạnh tranh lại thấp, trong khi đó chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng đã giảm mạnh", ông Dũng nhận định.

Trong một diễn biến liên quan, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình, Chủ tịch hiệp hội DNNVV Việt Nam) nêu quan điểm: Ngân hàng là một DN, cho nên chỉ có thể khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất ở một chừng mực nào đó có thể. Nếu vì dịch bệnh Covid-19 oanh tạc như thế mà Chính phủ muốn giảm tiếp thì Chính phủ phải bảo lãnh cho ngân hàng, khi đó ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay.

"Nếu chúng ta không bảo lãnh thì có thể lệnh của Thủ tướng Chính phủ, lệnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhưng các ngân hàng họ có đầy đủ hàng rào kỹ thuật để không cho vay, dẫn đến gói hỗ trợ khó được giải ngân", ông Thân nói.

Theo Người đưa tin pháp luật

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/dbqh-phan-duc-hieu-giam-lai-suat-khong-nen-giam-dieu-kien-cho-vay-a522123.html

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH Phan Đức Hiếu: Giảm lãi suất, không nên giảm điều kiện cho vay tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư