Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tiến độ triển khai Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.
Tình hình thực hiện dự án
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (HKQT) được phê duyệt đầu tư xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được xây dựng trên diện tích 5.000 ha.
Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Ngày 2/6/2018, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án - đã ký Hợp đồng lập F/S với Tư vấn JFV, gồm các công ty tư vấn JAC (Nhật Bản) - APDi (cộng hòa Pháp) - Nippon Koei (Nhật Bản) - OC Global (Nhật Bản) - ADCC (Việt Nam) - TEDI (Việt Nam) về việc thực hiện gói thầu Tư vấn khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) giai đoạn 1 - Dự án CHKQT Long Thành.
Tư vấn JFV cũng đã ký hợp đồng thầu phụ đặc biệt với Tư vấn HEERIM của Hàn Quốc (tác giả của phương án kiến trúc Hoa Sen) về việc lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách.
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành |
Cuối tháng 6/2019, Tư vấn đã hoàn thành BCNCKT, trên cơ sở Tờ trình của ACV, ngày 12/7/2019, Bộ GTVT đã trình BCNCKT cho Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước với tổng mức đầu tư dự án là 4,789 tỷ USD. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 như sau:
Hạ tầng khu bay: Xây dựng đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, chiều rộng 75m.
Nhà ga hành khách: Xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng.
Hệ thống điều hành bay: Xây dựng Đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123m, phục vụ phát triển lâu dài Cảng HKQT Long Thành.
Công trình phụ trợ: Xây dựng nhà để xe có công suất khoảng 4.200 xe ô tô; các nhà ga hàng hóa có tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; khu cung cấp suất ăn hàng không có công suất 40.000 suất ăn/ngày; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh tàu bay, trạm cung cấp nhiên liệu, xử lý nước thải…
Các công trình của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hoạt động trong Cảng như: Hải quan, Công an cửa khẩu, Công an địa phương, Kiểm dịch y tế, Cảng vụ hàng không; đơn vị quản lý, khai thác cảng; đơn vị điều hành bay; các hãng hàng không; các đơn vị cung ứng dịch vụ hàng không...
Hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với Cảng gồm: Tuyến số 1 nối Cảng với Quốc lộ 51, với quy mô 6 làn xe; Tuyến số 2 nối Cảng với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, với quy mô 4 làn xe; Tuyến số 3 kết nối Cảng với Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Thẩm định và phê duyệt
Sau khi tiếp nhận hồ sơ trình duyệt BCNCKT giai đoạn 1, Hội đồng thẩm định nhà nước đã lựa chọn tư vấn thẩm tra quốc tế giúp Hội đồng trong công tác thẩm định. Hội đồng đã thẩm định BCNCKT dự án về các nội dung pháp lý, nội dung chính và nội dung có điều chỉnh, bổ sung so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua và có Báo cáo kết quả thẩm định số 7257/BC-HĐTĐNN ngày 4/10/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 7/10/2019, Chính phủ đã có Tờ trình số 450/TTr-CP trình Quốc hội các nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14.
Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra và ý kiến thẩm định, ACV đã hoàn thiện BCNCKT trình Hội đồng thẩm định nhà nước. Ngày 24/8/2020 Hội đồng thẩm định nhà nước lấy ý kiến các thành viên Hội đồng để thông qua dự thảo Báo cáo thẩm định.
Kết quả, đa số các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước đã nhất trí thông qua dự thảo Báo cáo thẩm định và nội dung dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn chỉnh Báo cáo thẩm định tại văn bản số 6359/BC-HĐTĐNN ngày 25/9/2020 cùng dự thảo Quyết định đầu tư dự án và trình Thủ tướng Chính phủ.
“Tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án chậm so với yêu cầu do đây là dự án rất lớn, có tính chất phức tạp nên Tư vấn thẩm tra quốc tế hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra chậm hơn dự kiến; đồng thời do dịch Covid-19 nên trong quá trình thẩm tra, thẩm định, các đơn vị, cá nhân liên quan không thể họp để trao đổi trực tiếp mà phải thực hiện gián tiếp thông qua họp trực tuyến và lấy ý kiến bằng văn bản nên việc thẩm tra, thẩm định cần thêm thời gian” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, với tiến độ hiện nay, dự kiến Dự án sẽ khởi công vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.
Thời gian và lộ trình thực hiện Dự án Cảng HKQT Long Thành gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác; Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 01 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm; Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. |
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí