Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo Dân trí, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống trao đổi về kiến nghị bổ sung 136 ha để làm 2 tuyến đường kết nối tới sân bay.
Ông Thống cho biết, 136ha này chủ yếu là đất nông nghiệp nên tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị áp dụng khung chính sách bồi thường như đối với 5.000 ha được phê duyệt ban đầu. Qua thống kê, ông Thống thông tin, có khoảng 280 hộ dân bị ảnh hưởng khi tiến hành thu hồi, giải phóng mặt bằng diện tích đất này.
Ông Bùi Xuân Thống hiện là Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. |
“Việc áp dụng một mức bồi thường chung cho toàn bộ diện tích đất trong vùng dự án này sẽ khiến người dân không có cảm giác bị phân biệt, nếu có thu hồi đất thì không có khiếu nại
Cái khó khác là khu đất đã được quy hoạch từ rất lâu, trong thời gian này do nhu cầu cuộc sống, người dân vẫn có những chuyển đổi, dù địa phương không cho phép chuyển đổi để đảm bảo quy hoạch. Nhưng nhu cầu thì vẫn có nên dẫn đến việc sang nhượng giấy tay nhiều thửa đất, khiến địa phương gặp khó khi xác định đúng chủ sở hữu đất để ban hành thông báo thu hồi, – ông Thống nêu quan điểm.
“Vấn đề nữa mang tính kỹ thuật là trong quá trình kiểm đếm, đo đạc lại phát hiện ra diện tích có thay đổi so với hiện trạng ban đầu, do đó cần thời gian xác định lại đúng diện tích để hạn chế tranh chấp xảy ra sau này.Xác định khó khăn như thế, tỉnh Đồng Nai đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo, tăng cường điều động thêm 51 cán bộ từ các sở ngành có kinh nghiệm, am hiểu về chuyên môn giúp huyện Long Thành thực hiện công việc kiểm đếm đo đạc, xác định chủ sở hữu đất”, ông Thống nói thêm.
Đăng tải trên báo Tin tức, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nên có giải pháp cho tiến độ xây dựng sân bay Long Thành một cách nhanh nhất. Đồng thời với đó là việc phải sớm đẩy nhanh dự án xây dựng nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất, để giải quyết vấn đề ùn tắc quá tải trước mắt.
Bên cạnh đó, giải pháp giao thông cho Dự án mới như thế nào cũng phải tính ngay từ bây giờ, không thể để đến lúc sân bay có rồi nhưng các hạng mục đường ra sân bay chưa đồng bộ lại xảy ra tình trạng tắc đường thì không thể hiệu quả.
“Đối với Dự án này cần có cơ chế đặc thù để triển khai chứ không thể như các dự án đầu tư công khác. Nếu đã mạnh dạn giao cho doanh nghiệp làm thì phải thực sự mạnh dạn giao hết. Đã “bật đèn xanh” về cơ chế đặc thù thì phải mở nữa mới có thể hoàn thành theo kỳ hạn”, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh, đoàn Hà Nội đề xuất.
Về lo ngại chậm tiến độ dẫn đến dự án bị lạc hậu như nhiều dự án đã diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Chúng tôi cam kết các công nghệ đưa vào dự án sân bay quốc tế Long Thành hiện nay là những công nghệ hiện đại nhất, tránh tình trạng sân bay bị lạc hậu. Công tác thẩm định cũng đã được triển khai, Chính phủ đã thành lập hội đồng thẩm định Quốc gia, chọn 1 đơn vị tư vấn nước ngoài để làm công tác thẩm tra để đảm bảo tính khách quan”.
Dự kiến sân bay quốc tế Long Thành sẽ áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa trí tuệ nhân tạo vào việc nhận diện hành khách, kiểm tra an ninh; tự động hoá trong quản lý máy bay, thủ tục hàng không…
Hiện công tác thẩm định Dự án sân bay Long Thành đang tiến hành rất khẩn trương. Dự án cũng đã lập hồ sơ đầu thầu Quốc tế và có 7 doanh nghiệp trúng thầu gồm: 2 doanh nghiệp Việt Nam, 1 doanh nghiệp Pháp, 3 doanh nghiệp Nhật, và 1 công ty của Hàn Quốc tham gia phần nhà ga.
M.ANH/Sở hữu Trí tuệ