Tập trung phát triển các dự án cơ sở hạ tầng
Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam - ông Shimizu Akira - cho biết, JICA đã và đang nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong nhiều năm qua, thắt chặt mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, thông qua các hình thức hợp tác đa dạng như hợp tác kỹ thuật, vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại. Hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng được xác định là mục tiêu quan trọng thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, do đó JICA sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại đây.
Khu vực nhà ga ngầm Dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên trước Nhà hát Thành phố (quận 1- TP. Hồ Chí Minh). |
Nổi bật nhất trong các dự án phát triển hạ tầng của JICA hiện nay phải kể đến dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 TP. Hồ Chí Minh (tuyến Bến Thành - Suối tiên). Theo Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị, năm 2020 là năm tăng tốc của dự án, với mục tiêu dự kiến hoàn thành 85% khối lượng toàn dự án vào cuối năm. JICA đang và sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ thành phố đạt mục tiêu đưa tuyến metro đầu tiên vào khai thác trong thời gian sớm nhất. Cho đến nay toàn dự án đã đạt khoảng 73,17% khối lượng công việc, dự kiến sang cuối năm 2021 sẽ khai thác.
Hay mới đây nhất, Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính thuộc Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP. Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Đây là gói thầu lớn nhất trong số ba gói thầu xây dựng hệ thống cống bao của dự án với chiều dài hơn 21km trong đó có 11km đi ngầm dưới lòng sông Tô Lịch, nhằm thu gom nước thải đổ vào sông và dẫn đến Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Để không phải giải phóng mặt bằng và hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, công nghệ khoan kích ngầm đã được áp dụng tại gói thầu với độ sâu đào ngầm từ 6-19m.
Đến nay, tất cả 4 gói thầu của dự án bao gồm 3 gói thầu xây dựng tuyến cống và gói thầu xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000m3/ngày đêm đều được triển khai thi công. Khi dự án hoàn thành, nước thải sinh hoạt sẽ được thu gom và xử lý trước khi xả vào sông Tô Lịch và sông Lừ, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm tại lưu vực hai con sông này, cải thiện môi trường sống của người dân tại khu vực lân cận, góp phần vào sự phát triển bền vững của Hà Nội.
Bên cạnh đó còn là hàng loạt các dự án như: Tăng cường năng lực bảo trì đường bộ; Nâng cao năng lực hệ thống quản lý giao thông tập trung tại tỉnh Bình Dương; Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam... Tất cả các dự án đã và đang góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của Việt Nam trong hiện tại và lâu dài.
Tăng cường hợp tác phát triển bền vững Việt - Nhật
Song song với hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm tăng cường mối quan hệ bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản, các dự án phát triển nguồn nhân lực cũng như hợp tác với chính quyền địa phương Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ (NGO)… cũng đóng vai trò quan trọng. JICA cũng sẽ tiếp tục mở rộng các dự án phát triển tận dụng tri thức, nguồn vốn của các DN Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam.
Theo ông Shimizu Akira, trong tài khóa 2019 (từ 1/4/2019 - 31/3/2020), JICA đang triển khai 28 dự án vốn vay nhưng không ký kết thêm hiệp định vốn vay mới. Tổng giá trị vốn vay đã giải ngân đạt khoảng 37,5 tỷ yên. Trong tài khóa này, JICA đã hoàn thành 4 dự án hợp tác kỹ thuật (HTKT), và đang triển khai 29 dự án HTKT khác (trong đó có 4 dự án mới); và 6 dự án viện trợ không hoàn lại (trong đó có 3 dự án mới).
Ngoài ra, JICA đã hoàn thành 10 dự án thuộc Chương trình đề xuất từ các DN tư nhân của Nhật Bản và tiếp tục thực hiện 58 dự án khác (trong đó có 35 dự án mới) trong chương trình này.
Đối với Chương trình đối tác phát triển, JICA đã hoàn thành 7 dự án và tiếp tục triển khai 32 dự án (trong đó có 4 dự án mới), trong tài khóa 2019. Chương trình Đối tác phát triển của JICA được bắt đầu triển khai từ năm 2002 và cũng là một trong những chương trình đầy mới mẻ trong các hoạt động của JICA. Một trong những dự án nổi bật nhất trong khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển của JICA là Dự án phát triển tiềm năng du lịch sinh thái ở làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Dự án hoàn thành góp phần hàng năm có đến 1 triệu du khách ghé thăm làng, chiêm ngưỡng những ngôi nhà có kiến trúc cổ và tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây.
Ông Shimizu Akira cho biết thêm, định hướng hợp tác của JICA trong nửa đầu tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021), JICA sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế; hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương; tăng cường quản trị nhà nước; và mở rộng các hình thức hợp tác trong đó chú trọng hợp tác với các chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ.
Theo Ngọc Thảo/Báo Công Thương Điện Tử