Saigonbank với nhiều chỉ tiêu kinh doanh giảm trong thời gian qua
Saigonbank đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào sáng ngày 30/6 vừa qua. Saigonbank nhận định còn gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác, Ban lãnh đạo Saigonbank cũng nhận định, vốn điều lệ cuối năm 2019 của Ngân hàng là 3,080 tỷ đồng, vẫn còn khiêm tốn, quy mô hoạt động của một số đơn vị trực thuộc còn hạn chế.
Năm 2020, Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 22,968 tỷ đồng, huy động vốn đạt 19,400 tỷ đồng. Dư nợ cho vay dự kiến tăng 8.5% so với thực hiện năm 2019, đạt 16,336 tỷ đồng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm trước.
Về tình hình tài chính của Saigonbank trong 3 tháng đầu năm nay, Saigonbank không tăng trưởng được tiền gửi khách hàng vào ngân hàng khiến nguồn tiền này sụt giảm 0,8%, về mức 15.543 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động cho vay khách hàng cũng giảm 2,3%, về mức 14.215 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng cũng theo đó giảm gần 11%, về mức 20.308 tỷ đồng.
Kết thúc quý I, Saigonbank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động cho vay giảm 4,4% còn 152 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ cũng giảm 24% đạt 7,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế giảm 31,4% còn 48,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 34%, còn gần 44 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,6%, tăng so với mức 1,9% hồi đầu năm nay. Nợ xấu tăng mạnh ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) từ 36 tỷ đồng đầu năm nay lên 123 tỷ đồng vào thời điểm 31/3/2020.
Nguyên nhân lợi nhuận Saigonbank sút giảm quý I/2020 lại đến từ rất nhiều yếu tố: tín dụng và huy động đều sụt giảm, kéo theo lãi thuần giảm. Lĩnh vực dịch vụ cũng trong cảnh tương tự trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng 51% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 31,4% còn 48,3 tỷ đồng.
Saigonbank: Xin phép cổ đông để dành chưa chia cổ tức
Về kế hoạch tương lai, Saigonbank cho biết sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả nhằm xử lý cơ bản nợ xấu, tăng thu nhập cho ngân hàng; kiểm soát nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các tài sản là bất động sản do Ngân hàng đang quản lý, tăng cường cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết nhằm tăng thu nhập cho ngân hàng.
Trong năm, Ngân hàng sẽ tận dụng tối đa lợi thế của mình để tiếp cận nguồn vốn ngân sách Nhà nước, khai thác nguồn vốn giá rẻ để giảm chi phí huy động vốn.
Ông Vũ Quang Lãm – Chủ tịch HĐQT của Saigonbank cho biết, sau 3 năm dồn lực, xử lý nợ xấu thì đúng ra năm nay Ngân hàng sẽ chia lợi nhuận với tỷ lệ 4% nhưng vẫn xin phép cổ đông để dành chưa chia.
Ngân hàng sẽ trình các cấp có thẩm quyền để có thể chia cổ tức trong đầu năm 2021. Năm nay, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để đảm bảo năng lực tài chính.
Đại hội cũng đã trình cổ đông thông qua về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019. Theo đó, sau trích các quỹ pháp định và các quỹ thù lao, khen thưởng từ lợi nhuận trước thuế năm 2019, phần lợi nhuận còn lại dùng để chia cổ tức nhưng chưa chia của Ngân hàng là hơn 134 tỷ đồng.
Đối với ý kiến cổ đông về việc thoái vốn góp tại đơn các vị khác, không đem lại hiệu quả cho Ngân hàng, Ban lãnh đạo Saigonbank cho biết đã có kế hoạch thoái vốn ở một số đơn vị như Ngân hàng Bản Việt, Quỹ bảo lãnh tín dụng nhỏ và vừa. Tuy nhiên Ngân hàng phải phải lựa thời điểm thích hợp để thoái vốn không bị lỗ làm ảnh hưởng lợi ích cổ đông.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ