Ghi nhận cho thấy, chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, thị trường vàng trong trong nước liên tục biến động với những đợt tăng giảm bất thường.
Đầu tiên phải kể đến chính là những “cơn bão giá” lớn chưa từng có, đợt sóng sau cao hơn đợt sóng trước. Đỉnh điểm là vào ngày 6 và 7/8, giá vàng miếng SJC bật lên mức 62,45 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, cao nhất mọi thời đại.
Sau khi thiết lập mức giao dịch kỷ lục lên tới 62,45 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước, thì đến phiên giao dịch đầu tuần này vàng lại chứng kiến đợt lao dốc mạnh khi chỉ trong vòng 3 ngày giao dịch giá vàng đã mất tới 10 triệu đồng/lượng, đây tiếp tục một lần nữa là mức biến động chưa từng có.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch sáng qua (12/8), giá vàng niêm yết quanh mức 48 - 52 triệu đồng/lượng (mua - bán), chênh lệch mua bán lên tới 4 triệu đồng/lượng trong khi cơ quan quản lý cho biết, lượng mua bán trên thị trường không có nhiều đột biến là điều khó hiểu và rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Đến 16 giờ chiều cùng ngày, vàng SJC được niêm yết quanh mức 52,56 triệu/lượng, tăng 5,14 triệu đồng so với buổi sáng, giá bán ra được doanh nghiệp niêm yết ở mức 56,38 triệu đồng, cũng cao hơn 5 triệu đồng. Thậm chí, giá bán ra của vàng miếng trong nước cũng đã tăng cao hơn cuối ngày hôm (11/8) trong khi giá mua vào vẫn duy trì mức thấp hơn gần 1 triệu đồng.
Đà phục hồi của vàng miếng đã giúp nhà đầu tư mua vào buổi sáng với giá 51,39 triệu/lượng dễ dàng có lãi hơn 1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, lo sợ giá vàng xuống đáy, một bộ phận nhà đầu tư đã mang vàng đi bán khiến lỗ chồng lỗ khi giá vàng "vượt vũ môn", dẫn đến sáng nay (13/8), giá vàng bật tăng ngoạn mục qua vùng 56 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận lúc 9h30, giá vàng SJC giao dịch tăng 160.000 đồng/lượng chiều mua vào, song lại giảm tới 500.000 đồng/lượng chiều bán ra, tại TPHCM đang giao dịch ở mức 52,72 - 55,88 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội giao dịch ở mức 52,72 - 55,90 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, mất mốc 56 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Biên độ hai chiều đang giãn cách ở mức ở mức 3,18 triệu đồng.
Tại hệ thống của Công ty vàng bạc đá quý Doji, thị trường Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 53,50 - 55,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng nhỏ giọt 200.000 đồng/lượng chiều mua vào, giữ nguyên giá chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, biên độ hai chiều đang giãn cách ở mức 2,4 triệu đồng.
Hệ thống cửa hàng của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, vàng SJC được niêm yết ở mức 53,60 - 56,00 triệu đồng/lượng, chiều mua vào bán ra được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Biên độ hai chiều đang giãn cách ở mức 3 triệu đồng.
Vàng Phú Quý cũng theo đà thị trường trong nước, giảm cả chiều mua vào - bán ra tương đương ở mức giảm 500.000 - 300.000 đồng/lượng, giao dịch ở mức 53,50 - 56,00 biên độ giao dịch giãn cách 2,5 triệu đồng.
Thị trường vàng trong nước có phản ứng điều chỉnh thận trọng, không nương theo đà tăng thế giới sau cú giảm sốc, lội ngược dòng với giá trị mất và phục hồi ở mức hơn 6 triệu đồng chưa từng thấy trong lịch sử giao dịch ngay trong phiên hôm qua.
Theo CNBC, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao tháng 12 nhích 2,70 USD (tương đương 0,1%) lên 1949 USD/ounce, hợp đồng vàng giao ngay cộng 1,4% lên $1937,42 USD/ounce. Đã xuất hiện một số thợ săn giá rẻ ngay lập tức xuống tiền bắt đáy, đẩy giá tăng trở lại.
Thị trường giảm sốc sau 5 phiên và tăng trở lại vào phiên thứ 6 trong giao dịch sáng nay, cho thấy thị trường tiếp tục có sự điều chỉnh khi các ngưỡng kỹ thuật của 1.900 USD/ounce liên tục được thử thách.
Thời điểm thích hợp mua vàng chờ đợt tăng giá mới?
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia cho rằng: Ngoài việc do giá vàng thế giới đang điều chỉnh giảm còn có nguyên nhân giá vàng trong nước đã tăng quá nhanh so với đà tăng của giá vàng thế giới.
“Có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới gần 5 triệu đồng/lượng, chủ yếu do nguồn cung vàng miếng SJC khan hiếm trong khi nhu cầu mua lại tăng đột biến”, ông Khánh nhận định.
Theo ông Khánh, khi muốn bỏ vốn vào vàng, nhà đầu tư nên ưu tiên đầu tư trung, dài hạn và chỉ nên phân chia vốn nhàn rỗi với tỉ lệ 20%-30% vào vàng. Ngay cả khi muốn lướt sóng, nhà đầu tư cũng cần phải có kỹ năng phân tích các yếu tố địa chính trị, kinh tế, dịch bệnh… để chốt lời khi giá vàng đang điều chỉnh tăng và mua vào ở lúc giá vàng điều chỉnh xuống chứ không nên đầu tư theo tâm lý đám đông.
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, mua - bán vàng lướt sóng ở thời điểm hiện tại là rất mạo hiểm hay đúng hơn là không nên tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại để bảo toàn vốn.
Cảnh báo được đưa ra với các nhà đầu tư nhỏ lẻ là thị trường đang quá rủi ro và có thể bị điều khiển bởi những nhà cái. Lúc này nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường để theo dõi. Với người có nhu cầu đầu tư lâu dài, nên chọn một mức giá hợp lý để mua vào. Còn với người có nhu cầu lướt sóng, chỉ nên mua khi thấy được xu hướng tăng trở lại.
Ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đánh giá, nhiều khả năng giá vàng sẽ còn tăng thêm, nhưng nếu tăng quá cao, giới đầu tư chốt lời, giá vàng sẽ lập tức suy giảm. Đơn cử như diễn biến cuối tuần qua, người mua vàng hôm trước - hôm sau đã lỗ 1 - 2 triệu đồng mỗi lượng. Điều này cho thấy, chúng ta không thể dự đoán được khi nào giá vàng đạt đỉnh và khi nào giới đầu tư chốt lời.
Hiện hoạt động mua bán vàng của người dân trong nước vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng của tâm lý đám đông, nên chúng ta phải thật bình tĩnh để nhận định. Nếu người mua vàng xem vàng là tài sản cất giữ thì khác, nhưng mua vàng để đầu tư, đầu cơ kiếm lời thì sẽ gặp nhiều rủi ro do giá vàng lên xuống thất thường. Nếu nhà đầu tư có quan điểm lo ngại đồng tiền mất giá, các kênh đầu tư khác lợi nhuận ít hơn, thì có thể chia một tỷ lệ tương đối để đầu tư vào vàng. Nhưng vấn đề là phải chọn thời điểm phù hợp, cẩn thận, theo diễn biến chung, không nên “sốt ruột” theo đám đông.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ