Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Tin tức thị trường chứng khoán hôm nay 23/2: Rung lắc tiếp diễn?

DTVN 11:12 23/02/2021

Tin tức thị trường chứng khoán hôm nay 23/2: Tính đến 9h30, VN-Index giảm 1,08 điểm (0,09%) xuống 1.173,96 điểm, HNX-Index giảm 1,5% xuống 234,41 điểm, UPCoM-Index giảm 0,12% xuống 76,48 điểm.

Tính đến 9h30, VN-Index giảm 1,08 điểm (0,09%) xuống 1.173,96 điểm, HNX-Index giảm 1,5% xuống 234,41 điểm, UPCoM-Index giảm 0,12% xuống 76,48 điểm.

Thị trường mở cửa trong sắc đỏ nhưng chỉ số lại hồi phục sau đó và tiến về gần mốc tham chiếu. Đà giảm điểm của thị trường đến từ giao dịch kém tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30. Ghi nhận thời điểm hiện tại, rổ VN30 có 18 mã giảm giá, áp đảo so với 11 mã tăng giá và 1 mã đứng giá tham chiếu.

Ghi nhận theo từng ngành, cổ phiếu nhóm dầu khí giao dịch tích cực đầu phiên hôm nay sau thông tin giá dầu thế giới tăng mạnh đêm qua. Cổ phiếu PVS dẫn đầu đà tăng với tỷ lệ 6%, giao dịch quanh mốc 23.000 đồng/cp. Những mã khác trong nhóm tăng giá trên 2% có BSR, PVB, PXS, PVD, PVC, PVT, PVP và GAS.

Tại nhóm ngân hàng, xu hướng phân hóa diễn ra rõ nét. Cổ phiếu TCB, ACB, VPB tăng giá mạnh với tỷ lệ trên 1%. Đáng chú ý, cổ phiếu TCB tăng giá 4,1% lên 40.200 đồng/cp. Những mã vốn hóa lớn khác giao dịch dưới mốc tham chiếu như TPB, MSB, BID, VCB, EIB.

Các mã nhóm chứng khoán tăng giá nhẹ đầu phiên sáng nay. Cổ phiếu SSI, VIX, HCM, VND, CTS tăng giá dưới 1%.

Trở lại diễn biến thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 22/2 xuất hiện hai xu hướng biến động trái chiều từ hai nhóm cổ phiếu lớn. Các đại gia công nghệ đồng loạt sa sút trong khi nhóm ngân hàng, công nghiệp đi lên mạnh mẽ.

Chỉ số S&P 500 sụt 0,8% và đóng cửa ở 3.876,5 điểm sau phiên biến động mạnh. Công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu là các nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Đây là phiên đi xuống thứ 5 liên tiếp của S&P 500.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 22/2, chỉ số VN-Index tăng 1,54 điểm (tương đương 0,13%) lên 1.175,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 630,036 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.297 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 6,79 điểm (tương đương 2,94%) lên 237,97 điểm. Còn chỉ số UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (tương đương 0,58%) lên 76,57 điểm.

Đóng cửa, với 170 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index tăng 1,54 điểm (0,13%), lên mức 1.175,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 630 triệu đơn vị, giá trị gần 15.300 tỷ đồng, tăng 8,94% về khối lượng và 3,74% về giá trị so với phiên cuối tuần trước, ngày 19/2. Giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi khối này đã quay trở lại bán ròng với tổng giá trị hơn 610 tỷ đồng.

Trên sàn HNX có 102 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 6,79 điểm (+2,94%), lên 237,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 160,68 triệu đơn vị, giá trị 1.778 tỷ đồng.

Chỉ số UpCoM-Index cũng tăng 0,44 điểm (+0,58%), lên 76,57 điểm với 136 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,78 triệu đơn vị, giá trị 715 tỷ đồng.

Nhận định về phiên hôm qua, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) phân tích: Về mặt kỹ thuật, tín hiệu tiếp tục cho thấy đà tăng đang yếu đi với độ biến động thu hẹp về mức thấp và có dạng nến Doji.

Theo PHS, đây là tín hiệu cần chú ý, đặc biệt sau nhịp hồi mạnh vừa qua và chỉ số hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh 1.170 điểm nên chỉ số có thể chịu áp lực giảm rõ ràng hơn trong vài phiên tới.

Tuy nhiên, PHS cũng kỳ vọng sẽ chỉ diễn ra nhịp điều chỉnh nhẹ về test ngưỡng 1.115-1.127 điểm, sau đó hình thành vùng tích lũy với biến động thu hẹp để hấp thụ lượng cung cũng như củng cố vững hơn xu hướng tăng sau đó.

Bản tin phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường đã đánh mất thành quả trong phiên chiều 22/2 cho thấy nỗ lực vượt qua vùng thử thách chưa thành công.

Với động thái lùi bước cuối phiên cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn đang gây sức ép cho thị trường chung. Do vậy, thị trường sẽ cần thêm thời gian để kiểm định cung - cầu, quá trình rung lắc hoặc điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo.

Nhà đầu tư được khuyến nghị nên chậm lại và quan sát thị trường, đồng thời tìm kiếm cơ hội tiềm năng để chuẩn bị khi thị trường sôi động trở lại.

Còn theo Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), những rung lắc đã xảy ra thường xuyên hơn nhưng lực cầu vùng giá thấp vẫn đủ để chỉ số kết phiên 22/2 trong sắc xanh.

Trên khía cạnh kỹ thuật, xu hướng trung hạn là tích cực khi đây đang là sóng tăng 5 với mục tiêu theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm và thời gian hoàn thành sóng dự kiến vào đầu tháng 4/2021.

Về xu hướng trong ngắn hạn khó xác định hơn với việc VN-Index có thể tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó). Tuy nhiên, chỉ số này cũng có thể sẽ có một phiên tăng mạnh để tiếp cận gần hơn với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm rồi tích lũy quanh ngưỡng này.

Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới với mục tiêu quanh ngưỡng 1.250 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn đã bắt đáy và chốt lời trước Tết có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.110-1.120 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh đỉnh.

Bảng giá chứng khoán lúc 11h hôm nay 23/2:

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 23/2:

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

VN-Index dự báo sẽ có diễn biến điều chỉnh tích lũy trong một vài phiên kế tiếp. Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong giai đoạn hiện tại.

Đồng thời, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đối với diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 2.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Thị trường có thể sẽ còn xuất hiện nhịp rung lắc trong phiên và đi ngang với biên độ hẹp trong phiên kế tiếp. Lực cầu tỏ ra thận trọng, trong khi đó áp lực bán không quá lớn cho thấy tâm lý lưỡng lự đang diễn ra, tuy nhiên rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa trong những phiên tới.

Ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm của VN-Index và đòn bẩy đang là những yếu tố cản trở tâm lý nhà đầu tư, nhưng lãi suất thấp và sự hồi phục của nền kinh tế lại là những yếu tố hỗ trợ lớn hơn cho thị trường trong ngắn hạn cho nên chiến lược phù hợp giai đoạn này là chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu.

Chứng khoán MB (MBS)

Về kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn tiếp tục được củng cố khi VN-Index đã vượt trendline giảm giá kể từ đầu năm.

Áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại ở nhóm bluechip, tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 1.200 điểm.

Chứng khoán BIDV (BSC)

VN-Index tiếp tục kiểm tra lại ngưỡng kháng cự ngắn hạn 1.180 điểm. Dòng tiền đầu tư co cụm vào một số ngành nhất định khi chỉ có 9/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản giảm nhẹ, biên độ thị trường thu hẹp và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư.

Mặt khác, khối ngoại bán ròng trở lại trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX. Theo đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ vận động trong vùng 1.160 - 1.200 điểm trong tuần này.

T.Anh (TH)/SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tin-tuc-thi-truong-chung-khoan-hom-nay-23-2-rung-lac-tiep-dien-d90098.html

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thị trường chứng khoán hôm nay 23/2: Rung lắc tiếp diễn? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán