Đầu tháng 7/2021, Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt, thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đồng thời là chủ đầu tư của dự án D’.Capitale công bố kế hoạch huy động 800 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Ngôi Sao Việt đầu tư mua hơn 3 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến (tương ứng 51% vốn điều lệ của Việt Tiến). Việt Tiến sở hữu lô đất ký hiệu C4, HH-1, CCKO (CCKO – Lô 4) thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Ngôi sao Việt là tổ chức phát hành, Tân Hoàng Minh là tổ chức đảm bảo thanh khoản và đại diện người sở hữu trái phiếu. Số tiền 800 tỷ đồng thu được sẽ được sử dụng cho Khu đô thị này.
Nói về tình hình tài chính năm 2020 của Ngôi Sao Việt, từ đó nhà đầu tư sẽ hiểu ro hơn và định hình về bức tranh tài chính của doanh nghiệp này trong tương lai.
Theo báo cáo tài chính năm 2020, đã được Công ty TNHH DV Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt, kiểm toán tháng 6/2021 cho thấy.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2020 của Ngôi Sao Việt đã giảm sâu mất 2.922 tỷ đồng về còn 5.324 tỷ đồng; tài sản dài hạn của đơn vị cũng giảm sâu mất 2.569 tỷ đồng về còn 2.019 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp cũng giảm mất 383 tỷ đồng về còn 3.305 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho thấy chất lượng tài sản của Ngôi Sao Việt đang trên đà xuống rất thấp.
Cả năm 2020, Ngôi Sao Việt không có dự án mới để thực hiện, mà chỉ triển khai nốt những phần việc còn dang dở của dự án cũ nên doanh thu và lợi nhuận của Ngôi Sao Việt bị sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể
Doanh thu bán hàng và doanh thu thuần bị giảm sâu từ 10.036 tỷ năm 2019 về còn 773 tỷ năm 2020, lợi nhuận gộp về bán hàng giảm tới 1.116 tỷ đồng về còn 141 tỷ đồng; dẫn tới lợi nhuận sau thuế bị suy giảm nghiêm trọng, đến cuối năm 2020 Ngôi Sao Việt chỉ đạt lợi nhuận có 10 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư của Ngôi Sao Việt cững đang bị âm mất 332,95 tỷ đồng, trong khi vẫn phải trả lãi vay tới 275 tỷ đồng.
Điều đáng e ngại trong những lần huy động vốn thông qua kênh TPDN của Tân Hoàng Minh có nhiều yếu tố “rất bất lợi” đối với nhà đầu tư, nguy cơ nhà đầu tư sẽ gánh chịu nhiều rủi ro? khi chất lượng tài sản của Tân Hoàng Minh và đơn vị phát hành trái phiếu rất yếu, liên tục sụt giảm.
Trên facebook, Tân Hoàng Minh vẫn liên tục chạy chương trình quảng bá cho đợt phát hành trái phiếu này. Và khi người viết liên hệ, vẫn nhận được tư vấn nhiệt tình từ sale.
Dù không "nóng" như trước, nhưng thị trường trái phiếu bất động sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021. Điều này đã mở ra cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp. Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt đơn vị đã lên phương án hút vốn giá rẻ bằng việc phát hành cổ phiếu trên sàn, một số đông khác sử dụng cổ phiếu để làm đảm bảo cho kênh huy động tiền qua trái phiếu.
Nổi bật trong số đơn vị lấy cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho việc huy động trái phiếu phải kể đến Novaland với khoảng 10.000 tỷ huy động được đảm bảo bằng giá trị cổ phiếu NVL.
Hay Hưng Thịnh Land cuối tháng 6 vừa qua cũng đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 950 tỷ đồng. Lô trái phiếu nói trên được bảo đảm bằng cổ phần của CTCP Hưng Thịnh Land và bất động sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai liên quan hoặc phát sinh từ dự án Khu Hồ Tràm, dự án Khu Phước Long B…
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho hay, trái phiếu là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân hàng đang thắt chặt và những khó khăn từ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong quy luật kinh tế, lợi nhuận cao thường gắn với rủi ro cao. Có những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không phải là do không vay được vốn ngân hàng, mà đôi khi là do tính toán về cơ cấu nguồn vốn. Tức là họ có thể vay một phần và phát hành trái phiếu một phần để huy động vốn lâu dài.
Do đó, ông Lực khuyên nhà đầu tư, cần phải hiểu rõ, nắm bắt các thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản. Sau đó cần phải nắm rõ về giao dịch phát hành đó, nhất là các điều kiện về lãi suất, về tài sản đảm bảo, về thanh toán gốc và lãi, điều kiện chuyển nhượng, tính minh bạch.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, khuyến cáo nhà đầu tư phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đồng thời, cũng cần hết sức lưu ý lãi suất cao cũng đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, cần thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
"Các tổ chức phân phối trái phiếu không có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho việc đầu tư. Các tổ chức này chỉ hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành" - lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
“Trong thời gian gần đây, cơ quan quản lý đã tăng cường nhiều biện pháp giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong việc tư vấn và chào bán TPDN riêng lẻ ra thị trường. Hiện, UBCKNN cũng đã có kế hoạch thanh tra một số công ty chứng khoán khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn.” – đại diện UBCKNN thông tin.
“Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, với vai trò và chức năng của mình, UBCKNN sẽ tăng cường hơn nữa trong công tác thanh tra, giám sát trong vấn đề này. Chúng tôi sẽ quyết liệt và xử lý nghiêm minh nếu các công ty chứng khoán để xảy ra sai phạm.” – đại diện lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh