Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 03/05/2024

Sửa Luật Chứng khoán: Để phù hợp hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam

DTVN 14:01 28/10/2019

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến. Luật sư Hà Huy Phong, GĐ điều hành Công ty Luật Inteco, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có một vài nhận định.

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Sau hơn 10 năm thực thi cho thấy Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo ông, việc sửa đổi Luật Chứng khoán vào thời điểm này có hợp lý?

Sau 10 năm triển khai thực hiện, việc sửa đổi Luật Chứng khoán được đặt ra. Thực tế bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam đã thực sự thay đổi rất nhiều, đặc biệt là sự lớn mạnh và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, dẫn tới sự tăng lên về dung lượng và tính phức tạp của thị trường vốn nhằm đáp ứng đòi hỏi của hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Sau 10 năm, bối cảnh thực hiện Luật Chứng khoán không còn sơ khai, mới mẻ như những ngày đầu mà đã trở nên chuyên nghiệp hơn, toàn diện hơn, với sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới, cả về mặt tích cực, tiêu cực. Sự gia nhập của các định chế tài chính quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài một cách sâu rộng dẫn tới yêu cầu bức bách của việc hoàn thiện và tiệm cận tới các thông lệ và chuẩn mực của thị trường chứng khoán tiên tiến trên thế giới.

Cùng với đó, để tăng lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán thì cần luật hóa và tạo hành lang pháp lý cho nhiều sản phẩm chứng khoán, đặc biệt là các sản phẩm phái sinh. Do đó, có thể nói, Luật Chứng khoán cần thiết phải được sửa đổi để thay một "chiếc áo mới" phù hợp hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc sửa đổi không chỉ nhằm khắc phục những sai sót, khuyết điểm tồn tại trong Luật hiện hành, phù hợp hơn với đòi hỏi của thị trường mà còn nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường chứng khoán trong nhiều năm tới. Có nghĩa rằng, chúng ta đang phải thực hiện một việc ý nghĩa, đó là khoác áo mới cho một thị trường trong tương lai, thị trường trong thời đại 4.0.

Thưa ông, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã được cơ quan soạn thảo công bố lấy ý kiến một thời gian và nhận được khá nhiều phản hồi từ phía chuyên gia, nhà đầu tư cũng như công ty chứng khoán. Ông có nhận định như thế nào về dự án Luật này?

Theo thông tin tin tại phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sửa 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều so với Luật Chứng khoán hiện hành. Các điểm sửa đổi không chỉ tập trung vào các yếu tố hình thức như mở rộng và điều chỉnh nhiều định nghĩa, thuật ngữ dẫn tới mở rộng phạm vi điều chỉnh… mà còn điều chỉnh khá nhiều về mặt nội dung, như thay đổi điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty đại chúng, vị trí và vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước... Sự sửa đổi như vậy, theo tôi là khá toàn diện, sâu sắc và đụng chạm tới hầu hết các quy định trong luật cũ.

Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá rằng, dự thảo lần này vẫn chưa giải quyết được một việc rất cũ, là cơ chế thẩm tra và đánh giá năng lực của doanh nghiệp IPO, dẫn tới vẫn còn tồn tại những kẻ hở để doanh nghiệp thiếu năng lực lên sàn gây thiệt hại cho nhà đầu tư, mất uy tín của thị trường vốn trên sàn chứng khoán.

Bên cạnh đó, mặc dù là một điểm rất mới nhưng dự thảo lần này chưa thật sự triệt để trong việc đưa ra các quy định liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nên chắc chắc sẽ gây khó cho quá trình các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo này IPO và huy động vốn trên sàn chứng khoán.

Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây, ông có kỳ vọng gì sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi đi vào thực tiễn?

Tôi có một số kỳ vọng vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi:

Thứ nhất, hy vọng Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo cơ chế an toàn, an tâm cho nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, giúp thu hút thêm những nguồn vốn mới, lượng vốn mới bơm vào thị trường. Trong bối cảnh đầu tư công bị hạn chế bởi nhiều yếu tố thì đầu tư bởi khối doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân sẽ là động lực chính cho sự phát triển và đi lên của nền kinh tế đất nước. Muốn hút được vốn thì phải có một thị trường vốn đủ tốt, hành lang pháp lý có tính tin cậy, minh bạch và hữu hiệu.

Thứ hai, Luật Chứng khoán và thị trường vốn sẽ là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh để đạt tới những chuẩn mực về quản trị và kinh doanh, làm đầu tàu kéo theo cộng đồng doanh nghiệp Việt nam ngày càng trở nên vững chắc hơn, hiện đại hơn và phát triển hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thùy Linh/Báo Hải Quan

Bạn đang đọc bài viết Sửa Luật Chứng khoán: Để phù hợp hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán