Ngày 24/10, Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã thông qua việc mua 50% quyền sở hữu tại CTCP Công nghệ Truyền thông Số 1 (MediaOne); trong đó, 25% cổ phần được phát hành riêng lẻ bởi MediaOne, 25% cổ phần được chuyển nhượng từ ông Bùi Thiên Hà. Tổng giá trị tối đa của thương vụ này là 138,6 tỷ đồng. Được biết, tiến độ thanh toán và giá trị đầu tư thực tế sẽ phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của MediaOne. Động thái này được cho là tiếp diễn công cuộc tìm tòi, và phát triển những lĩnh vực mới của Yeah1 sau ‘sự cố" với YouTube hồi đầu tháng 3.
Theo tìm hiểu, MediaOne thành lập từ năm 2006 bởi một nhóm có kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, tập trung vào các hoạt động: Chăm sóc khách hàng; Tổ chức sự kiện; Phát triển đối tác liên kết (thực hiện một số dự án liên quan đến Lumia VIP, Vinaphone, BIDV, Samsung, Viettel...); Phân tích thị trường; Đại điện và là kênh đối tác. Qua đây, Media One cung cấp dịch vụ đại diện và kênh đối tác cho các công ty nước ngoài muốn mở rộng kinh doanh tới thị trường Việt Nam; Tư vấn và hỗ trợ. Trước đó, Yeah1 cũng tham gia mảng Phát hành trò chơi trên nền tảng di động với việc đầu tư vào Giải trí 100 Độ (100D), thành lập công ty con mới với tên gọi Appnews thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin hay đầu tư vào Appfast - nền tảng giúp cho các nhà phát hành sở hữu ứng dụng điện thoại riêng đơn giản… Nửa năm qua, Yeah1 trải qua một chặng đường đầy sóng gió. Sự cố với YouTube đã xóa bỏ tất cả.
Đầu tháng 3/2019, nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với Yeah1, nguyên nhân do Spring Me - doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan do Yeah1 sở hữu gián tiếp gần 17% cổ phần - có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp. Báo cáo tài chính nửa đầu năm nay cũng cho thấy, Yeah1 lỗ ròng hơn trăm tỷ đồng. Hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất là quảng cáo và chia sẻ nội dung trên nền tảng kỹ thuật số vẫn tăng về doanh thu, nhưng biên lợi nhuận còn chưa tới 15%, so với mức 40% hai quý đầu năm ngoái, cộng thêm việc phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào ScaleLab và tăng chi phí vận hành.
Để giảm bớt tác động từ sự cố với YouTube, Yeah1 cho biết sẽ xoay trục trong hoạt động kinh doanh, theo đó đẩy mạnh việc làm chủ nội dung, tập trung vào thị trường trong nước thay vì tiến công quá nhanh ra thị trường quốc tế. Động thái là mới đây, hội đồng quản trị công ty cũng thông qua một loạt thay đổi trong cơ cấu nhân sự, thành lập công ty con mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời bán vốn tại đơn vị sản xuất phim. Cổ phiếu của Yeah1 lên sàn chứng khoán cuối tháng 6/2018 với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 250.000 đồng.
Sự xuất hiện của doanh nghiệp này, bởi vậy, kéo theo sự tò mò, cũng như hoài nghi từ phía nhà đầu tư. Và 3 phiên giao dịch đầu tiên tăng tối đa biên độ, thị giá cổ phiếu YEG đạt đỉnh 343.000 đồng, trở thành cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán. Sau đó, Yeah1 huy động được gần 1.200 tỷ đồng từ các quỹ ngoại thông qua việc phát hành cổ phần.
Dù diễn biến giao dịch có phần kém tích cực hơn, cổ phiếu này vẫn giữ được mức thị giá khoảng 200.000-250.000 đồng. Sự thay đổi của Yeah1 là điều cần thiết để có một mô hình bền vững, song sự cố gần đây cũng cho thấy một thực tế là cổ phiếu của doanh nghiệp này không dành cho số đông.