Cổ phiếu OTC là gì?
OTC là viết tắt của "Over The Counter", như vậy có thể hiểu đây là cổ phiếu với phương thức giao dịch thủ công tại quầy không chính thức của các ngân hàng, các công ty chứng khoán hay tại công ty phát hành cổ phiếu, được quy định theo từng cổ phiếu.
Cổ phiếu OTC là cổ phiếu chưa niêm yết tập trung trên sàn chứng khoán. Giá giao dịch thể hiện trên giấy tờ theo mệnh giá là 10.000 VND, mặc dù giá giao dịch thực tế có thể chênh lệch nhiều lần so với mệnh giá.
Giai đoạn sơ khai của việc mua bán chứng khoán được thực hiện một cách thủ công tại quầy của các ngân hàng và các công ty chứng khoán. Phương thức giao dịch chủ yếu là mua bán trực tiếp, thương lượng thỏa thuận giá. Giá OTC lên hay xuống không theo một biên độ nhất định nào.
Tính thanh khoản của các loại chứng khoán trên thị trường OTC thường thấp hơn thị trường giao dịch tập trung, chứa đựng nhiều rủi ro hơn, song cũng có thể đem lại nhiều lợi nhuận hơn.
Sự khác nhau giữa cổ phiếu phi tập trung ( OTC ) và cổ phiếu tập trung
Thứ nhất, giá niêm yết của cổ phiếu OTC không thể hiện và cập nhật trên bảng điện tử như cổ phiếu đã niêm yết trên sàn mà thông qua hệ thống các nhà môi giới hay các trang đăng tin chuyển nhượng cổ phiếu.
Thứ hai, giá cổ phiếu OTC thay đổi tùy vào từng thời điểm nhưng sự biến động giá không nằm trong biên độ từ 7% – 15% trong một ngày.
Thứ ba, phương thức giao dịch cổ phiếu OTC khác với cổ phiếu niêm yết, việc chuyển nhượng, mua bán của cổ phiếu niêm yết thông qua khớp lệnh liên tục trên bảng điện tử bằng tài khoản giao dịch chứng khoán còn ở cổ phiếu OTC thì chủ yếu là giao dịch trực tiếp.
Thứ tư, lợi nhuận và rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu OTC cũng khác so với cổ phiếu đã niêm yết. Vì giá giao dịch không có biên độ và không được cập nhật công khai trên bảng điện tử nên việc giao dịch đôi khi cũng có nhiều bất cập về giá.
Những rủi ro thường gặp khi đầu tư OTC
Thứ nhất là, rủi ro bị chiếm đoạt quyền lợi. Trường hợp này thường xảy ra trong mua bán cổ phiếu (CP) chưa được chuyển nhượng. Có những CP theo quy định nội bộ của công ty, sau 1 năm mới được chuyển nhượng, nhưng nhiều NĐT không nắm được thông tin nên đã mua.
Và trong thời hạn 1 năm đó, các quyền lợi như mua thêm CP tăng vốn, nhận cổ tức… vẫn thuộc về người đứng tên sở hữu CP (người bán), còn người đã bỏ tiền ra mua thì bị chiếm đoạt quyền lợi.
Thứ hai là, tranh chấp hay thiệt hại về cổ tức. Cổ tức được chia cho cổ đông dựa trên số lượng cổ phần họ đang nắm giữ. Thông thường, công ty chia cổ tức sau khi kết thúc năm tài chính, một số công ty tạm ứng cổ tức sau 6 tháng.
Rủi ro giao dịch CP ở chỗ, khi mua CP, người mua không nắm bắt được thông tin, không thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, cũng tương tự như trường hợp trên, người mua mặc dù nắm giữ CP, nhưng không được nhận cổ tức.
Thứ ba là, tranh chấp hay thiệt hại về quyền mua CP mới tăng vốn. Một trong những kỳ vọng lớn nhất về lợi ích của người mua CP là quyền mua CP phát hành tăng vốn. Đây là một khoản lợi lớn của người sở hữu CP.
Tuy nhiên, thông thường trước khi phát hành CP tăng vốn, công ty tiến hành chốt danh sách cổ đông. Tại thời điểm đó, những ai sở hữu CP nằm trong danh sách cổ đông của công ty sẽ được mua thêm CP mới.
Với những người mua CP trong giai đoạn giao thời hoặc khi danh sách cổ đông đã được chốt, nếu không biết thì dù tiền đã thanh toán cho người bán, CP đã nắm giữ, nhưng chưa làm xong thủ tục chuyển nhượng, người mua vẫn mất quyền mua, quyền mua CP mới vẫn thuộc về người bán.
Như vậy, NĐT trên thị trường OTC cần chú ý, phải luôn luôn thỏa thuận bằng hợp đồng chuyển nhượng với người bán, ghi rõ quyền lợi mua CP mới tăng vốn thuộc về ai. Loại rủi ro này phổ biến nhất trên thị trường OTC.
Bốn là, rủi ro trong giao dịch nhận chuyển nhượng quyền mua. Trong các đợt phát hành thêm CP mới để tăng vốn, cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược hay CBCNV được quyền mua CP. Khi đó, nhiều người do không huy động được tiền hoặc vì nhiều lý do khác đã bán quyền mua CP.
Giá bán quyền mua thường thấp hơn giá thị trường thời điểm đó. NĐT mới thấy giá thấp, hấp dẫn thường chấp nhận mua. Nhưng từ khi nộp tiền để mua CP cho đến khi nhận được CP là khoảng thời gian khá dài, nên đến khi nhận được CP thì CP vẫn đứng tên chủ sở hữu là người bán.
Khi đó thường xảy ra 2 trường hợp, trường hợp thứ nhất là người bán vẫn làm thủ tục chuyển nhượng như đã hứa hẹn. Trường hợp thứ hai là người bán sẽ tìm cách đánh tháo, không làm thủ tục chuyển nhượng mà hứa hẹn trả lại số tiền như trước kia đã nhận kèm lãi suất ngân hàng. Trường hợp thứ hai có thể xảy ra khi cổ phiếu tăng giá. Còn trường hợp thứ nhất thường xảy ra khi cổ phiếu giảm giá hoặc đứng yên.
Tuy nhiên, NĐT cần trang bị kiến thức về phân tích và đánh giá CP trước khi ra quyết định đầu tư, họ cũng cần phải tỉnh táo hơn đối với các tin đồn, tránh bị cuốn theo cơn lốc mua - bán để rồi cuối cùng có thể sẽ bị thua thiệt.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ