Hà Nội, Thứ Tư Ngày 17/04/2024

Cần sự đột phá cả về quy mô, chất lượng để thị trường chứng khoán phát triển

DTVN 10:52 22/07/2020

Sau 20 năm Việt Nam đã xây dựng một thị trường chứng khoán tập trung quy mô lớn nhất cả nước, quy tụ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trong nền kinh tế.

Sau 20 năm Việt Nam đã xây dựng một thị trường chứng khoán tập trung quy mô lớn nhất cả nước, quy tụ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trong nền kinh tế. Tuy nhiên thị trường vẫn cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng cơ bản các nhu cầu về nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngày 20/7, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổng kết những thành tựu nổi bật của TTCK Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Cụ thể sau 20 năm chúng ta đã xây dựng một TTCK tập trung quy mô lớn nhất cả nước, có tổng cộng 483 mã cổ phiếu, 09 chứng chỉ quỹ đóng, 478 trái phiếu, 04 chứng chỉ quỹ ETF, 165 chứng quyền có bảo đảm tham gia niêm yết mới và 103 mã cổ phiếu, 06 chứng chỉ quỹ, 81 trái phiếu và 89 chứng quyền có bảo đảm hủy niêm yết. Tổng giá trị chứng khoán được mua bán trao đổi qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh sau 20 năm đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng (hơn 339 tỷ chứng khoán).

Tính đến ngày 30/6/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 03 chứng chỉ quỹ đóng, 04 chứng chỉ quỹ ETF, 43 trái phiếu và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP. Có 74 công ty chứng khoán thành viên với hơn 2,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư. 03 ngành có tỷ trọng cao nhất trên Sở bao gồm ngành Tài chính, Bất động sản và Tiêu dùng thiết yếu chiếm hơn 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Có 23 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết trên HOSE.

Kể từ khi tham gia niêm yết, các doanh nghiệp đã huy động được một lượng vốn đáng kể để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu kể từ năm 2000 đến nay ước đạt hơn 295 ngàn tỷ đồng với 834 đợt phát hành, trong đó, giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010-2015 mức huy động tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2004-2009.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố cũng đã thực hiện 550 cuộc đấu giá cổ phần các doanh nghiệp kể từ năm 2005, bán được hơn 4.207 triệu cổ phần và hơn 122 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 228 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên TTCK giúp doanh nghiệp không chỉ chủ động, linh hoạt, hướng tới hiệu quả, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức đánh cồng kỷ niệm 20 năm TTCK.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: TTCK qua 20 năm tích lũy cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng cơ bản các nhu cầu về nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân một cách hiệu quả và bền vững hơn. Dù vậy, thị trường cần có khát vọng vươn lên để sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, qua đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại phát triển thịnh vượng trong 15-20 năm tới và tầm nhìn năm 2045.

Để đạt được mục tiêu quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cùng các ban ngành và các cơ quan quản lý thị trường cần sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và TTCK. Ngay trong năm nay yêu cầu phải ban hành đồng bộ hệ thống Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tiến tới nghiên cứu sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các Luật, Nghị định liên quan khác trong những năm tiếp theo. Hệ thống văn bản pháp quy sắp tới phải thực sự theo tinh thần đổi mới có tầm nhìn dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường trong đó có TTCK, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm. Đặc biệt cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường tính công khai minh bạch trên thị trường… Ngoài ra, cần tập trung đổi mới một cách cơ bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 vào phục vụ cho giao dịch, thanh toán, giám sát, và các dịch vụ tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; sớm nghiên cứu để sớm thực hiện số hoá tài sản giao dịch trên TTCK.

Theo Minh Long/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/can-su-dot-pha-ca-ve-quy-mo-chat-luong-de-thi-truong-chung-khoan-phat-trien-140676.html

Bạn đang đọc bài viết Cần sự đột phá cả về quy mô, chất lượng để thị trường chứng khoán phát triển tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán