SAB: Không có bất kỳ blue-chips nào sánh được trong thời gian này
Khi tất cả các cổ phiếu vốn hóa lớn đã rớt lại phía sau và không thể dẫn dắt thị trường lên một cách rõ ràng thì lần lượt các nhóm trụ như ngân hàng, nhóm Vingroup, VNM hay thậm chí cả GAS, đều gây thất vọng. Duy nhất SAB đang “làm mưa làm gió” những phiên gần đây.
Giá cổ phiếu SAB đến hôm nay ngày 9/7 là đã tăng 7 phiên liên tục. Không có bất kỳ blue-chips nào sánh được với SAB trong thời gian này. Tính từ ngày 30/6 đến nay, SAB đã tăng 30%, tăng từ 157.000/cp lên 205.000 đồng/cp và chưa rõ điểm dừng.
Giá cổ phiếu SAB đến hôm nay ngày 9/7 là đã tăng 7 phiên liên tục. Không có bất kỳ blue-chips nào sánh được với SAB trong thời gian này. |
Thanh khoản ở SAB xưa nay chỉ vài chục ngàn cổ mỗi ngày là nhiều. Trong tháng 4 vừa qua khi SAB phục hồi cùng với thị trường chung, thanh khoản có gia tăng thì mức bình quân mỗi ngày cũng chỉ khoảng 110.000 cổ phiếu.
Thế mà hôm qua thanh khoản của SAB đạt kỷ lục từ cuối 2017 với 357.430 cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 67,6 tỷ đồng. Khối lượng bình quân 4 phiên gần nhất đạt 183.000 cổ phiếu/ngày.
SAB cũng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2020, tức là gần như trở lại thời điểm trước dịch bệnh, bất chấp các tổn thất to lớn về doanh số khi hứng chịu tác động từ Nghị định 100 lẫn dịch Covid-19.
Tuy nhiên giá SAB đang có đà đi lên mạnh mẽ và cũng thu hút được chú ý khá rõ. Nguyên nhân đến từ kế hoạch thoái hết vốn nhà nước tại SAB (hiện là 36%) với quy mô khoảng 231 triệu cổ phiếu. Bởi ngay sau khi có thông tin nhà nước sẽ thoái ra 36% vốn tại Sabeco, cổ phiếu SAB trải qua chuỗi tăng mạnh kể trên.
Cũng giống như các đợt thoái vốn khủng trước đây ở SAB hay VNM, nhà đầu tư tin rằng sẽ có “game” tăng giá để việc thoái vốn thuận lợi.
Cổ phiếu thường tăng mạnh với kỳ vọng thoái vốn?
Tính tới ngày 14/2/2020, cơ cấu cổ đông của SAB với cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vietnam Beverage sở hữu 53,59%, Bộ Công Thương là cổ đông lớn thứ hai sở hữu 36% và các cổ đông khác. ThaiBev là cổ đông đứng sau Công ty TNHH Vietnam Beverage, qua đó gián tiếp sở hữu SAB.
Như vậy, về bản chất ThaiBev là chủ sở hữu có quyền điều hành tại SAB, tuy nhiên trở ngại lớn nhất và rủi ro có thể xảy ra khi Bộ Công Thương có quyền phủ quyết các nội dung quan trọng của doanh nghiệp.
Có thể thấy tầm quan trọng của tỷ lệ 36% tại doanh nghiệp, chính vì vậy, giới đầu tư đang kỳ vọng ThaiBev có thể sẽ mua bằng mọi giá cổ phiếu SAB trong đợt thoái vốn sắp tới của Bộ Công Thương.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ