Ngành công nghệ được xem là ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhất
Nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng GDP bán niên thấp nhất lịch sử thống kê chỉ đạt 1,81%. Cùng với đó, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, lợi nhuận ròng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán giảm 20% trong nửa đầu năm theo báo cáo của chứng khoán VNDirect.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh mới vẫn có những ngành nghề có sự tăng trưởng tốt trong hoạt động. Nhóm công ty liên quan đến công nghệ - viễn thông, cung cấp thiết bị công nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống cũng có kết quả khả quan nhờ xu thế chuyển đổi số mạnh trong doanh nghiệp, chính phủ...
Theo một báo cáo của VietnamReport, ngành công nghệ Việt Nam có giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,8%. Trong nửa đầu năm nay, với tác động của Covid-19, ngành này vẫn được xem là ít bị ảnh hưởng nhất. Tổng doanh thu công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông trong 6 tháng đầu năm ước tính gần 50 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019
FPT, CMG, ELC, ABC tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) ghi nhận doanh thu đạt 13.611 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế lên mức 2.428 tỷ đồng, tăng 14% so với con số đạt được năm 2019.
Có thể nói, dịch Covid-19 lại là chất xúc tác mang đến "cơ" trong "nguy" đối với ngành công nghệ nói chung và FPT nói riêng, khi các doanh nghiệp này không chỉ duy trì tốt hoạt động kinh doanh, mà còn có bước tăng trưởng ấn tượng.
Một trong những cơ hội đó là chuyển đổi số, theo nhận định của lãnh đạo FPT. Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh đã thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số nhanh hơn, giúp doanh thu lĩnh vực này của FPT tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.773 tỷ đồng.
"Điều này đã nói lên vai trò quan trọng của chuyển đổi số, đối với các tổ chức và doanh nghiệp trong thời dịch", Phó tổng giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương nhận xét.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển thời Covid-19, FPT đã phát triển nhiều giải pháp số, với mục tiêu tối ưu chi phí, tự động hóa quy trình và tăng cường bảo mật. Điều này đã giúp doanh thu từ các sản phẩm "Made by FPT" tại thị trường trong nước tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 361 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dự kiến là 45% trong giai đoạn 2020 - 2025.
Tại thị trường nước ngoài, doanh thu và lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của FPT cũng ghi nhận kết quả tích cực, tăng lần lượt 18% và 21% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị hợp đồng ký mới trong kỳ cũng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện FPT cho biết, để đạt được kết quả lạc quan này, doanh nghiệp đã tăng cường tương tác với khách hàng qua kênh online, đồng thời có các gói giải pháp hỗ trợ chi phí tối ưu để thuyết phục khách hàng. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đóng cửa và hạn chế đi lại, cách tiếp cận truyền thống gặp nhiều khó khăn thì phương thức này tỏ ra rất hiệu quả.
Tương tự với trường hợp của FPT, Công ty Cổ phần - Tập đoàn công nghệ CMC (HoSE: CMG) cũng có quý kinh doanh rất tốt, với lãi sau thuế quý II/2020 (tức quý I theo niên độ tài chính của CMG) tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 43 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản lãi sau thuế của công ty mẹ trong quý tăng hơn ba lần, đạt hơn 28 tỷ đồng.
Chốt quý, doanh thu thuần tăng thêm 33 tỷ đồng so với con số đạt được năm 2019, lên mức 1.058 tỷ đồng.
Theo CMG, lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh do khối giải pháp và công nghệ tăng trưởng lợi nhuận 67%, bên cạnh đó, khối kinh doanh quốc tế bắt đầu có lợi nhuận, tăng trưởng 126% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù đại dịch diễn biến phức tạp, nhưng CMG tỏ ra khá lạc quan với tình hình kinh doanh sắp tới, doanh nghiệp này dự báo thị trường phần cứng sẽ tiếp tục tăng trưởng 6% trong năm, còn với thị trường dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm, sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn, lần lượt 11% và 13%.
Tại ĐHĐCĐ ngày 17/8/2020, CMG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất cả năm 2020 là 6.009 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 359 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 12% và 16%. Trong đó, khối giải pháp công nghệ, kinh doanh quốc tế, dịch vụ viễn thông đặt kế hoạch tăng trưởng lần lượt là 5%, 71%, 15% về doanh thu và 1%, 305%, 9% về lợi nhuận.
Mới đây, quỹ đầu tư Pyn Elite Fund đến từ Phần Lan đã mua thêm 61.750 cổ phiếu CMG, để nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,08% và trở thành một trong những cổ đông lớn tại CMG. Có thể thấy, doanh nghiệp công nghệ này đang thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, khi có mùa kinh doanh ổn định thời dịch.
Nằm trong bức tranh tổng thể khá sáng sủa ngành công nghệ thời Covid-19, Công ty Cổ phần Truyền thông VMG (UPCoM: ABC) cũng có nửa đầu năm kinh doanh rất hiệu quả, khi doanh thu đạt hơn 1.955 tỷ đồng, cao gấp gần ba lần so với cùng kỳ năm trước. Khoản lãi sau thuế thu về hơn 25 tỷ đồng, tăng 64% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm 2019.
Theo ABC, kết quả này tới từ việc dịch vụ mới được phát triển tốt và mang lại doanh thu bước đầu, bên cạnh đó, các dịch vụ truyền thống duy trì lợi nhuận ổn định. Trong đó, chủ yếu do sự tăng trưởng của dịch vụ tin nhắn thương hiệu.
Trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài sẽ tăng cường thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều hãng công nghệ lớn mở rộng đầu tư vào Việt Nam đơn cử như Panasonic và nhiều khả năng là Apple.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất. Thực tế, các nhà đầu tư lớn đã liên tiếp đầu tư mở rộng và triển khai các dự án mới tại Việt Nam.
Việt Nam có nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia, là điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Do đó, cần lựa chọn những dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch...
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ