Báo cáo cập nhật về hoạt động tiền tệ ngân hàng các tháng đầu năm 2021 được Ngân hàng Nhà nước hoàn thành mới đây cho biết, hiện nay, NHNN đang khẩn trương tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" (Đề án 1058), Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) và hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.
NHNN cũng tiếp tục giám sát chặt chẽ các TCTD (NHTM Nhà nước, NHTMCP, TCTD phi ngân hàng) việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng này trong quá trình triển khai thực hiện phương án.
Về xử lý nợ xấu, trên cơ sở kết quả theo dõi, giám sát về nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD, NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu của các TCTD, trong đó đã đưa ra các dự báo diễn biến về nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2021 trên cơ sở các kịch bản kinh tế vĩ mô (kịch bản cơ sở, kịch bản trung bình, kịch bản thận trọng, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế, giảm thiểu rủi ro đối với sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD.
Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, NHNN cho biết cũng đã có văn bản yêu cầu các TCTD đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022. Trên cơ sở báo cáo của các TCTD, NHNN sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và cuối năm 2022.
Trước đó vài tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước. Nhấn mạnh sự việc ngày 16-4, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, trong đó xác định trong giai đoạn năm 2020 không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ. Đây là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là NHNN để Hoa Kỳ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam. Trong thời gian tới, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ trong tổng thể Kế hoạch hành động để hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa hai nước.
Thủ tướng khẳng định trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã đạt được nhiều thành công, ngành cần phát huy những việc đang làm tốt và hiệu quả để thời gian tới có kết quả cao hơn. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu NHNN báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng, những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, những khó khăn vướng mắc và hướng xử lý trong thời gian tới trên nguyên tắc việc gì dễ, khả thi, đồng thuận và cấp bách làm trước, việc khó có ý kiến khác nhau cần tăng cường trao đổi, thảo luận để có hướng xử lý, làm việc gì dứt điểm việc đó.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày về tình hình hoạt động ngân hàng theo những trụ cột quan trọng mà ngành đang tập trung, giải quyết:
Thứ nhất, về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, là trụ cột thực hiện chức năng vai trò của Ngân hàng T.Ư với mục tiêu xuyên suốt là kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát và phải bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ trong nước và quốc tế, NHNN đã sử dụng đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ để cơ bản ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và tạo lập niềm tin thị trường.
Tín dụng là vấn đề NHNN luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ… Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.
Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro phát sinh đối với hệ thống, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về công tác tín dụng ngày 14-4 vừa qua, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích…
Về những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc NHNN báo cáo thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế, nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam nhưng khả năng tiếp cận vốn hạn chế do năng lực tài chính, quản trị, phương án kinh doanh khả thi, quản trị dòng tiền còn hạn chế, có những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. Về phía NHNN sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.
Ở trụ cột là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN cho biết, trong thời gian qua, công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả nhất định, bảo đảm an toàn hệ thống. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước bởi nếu không được bổ sung thì hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần của khối ngân hàng thương mại nhà nước, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất một đến hai ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thời gian qua Agribank mới được tăng 3.500 tỷ đồng).
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và năm 2022; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn vay.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam