Hà Nội, Thứ Hai Ngày 25/11/2024

2km đường huyết mạch quận Tây Hồ, dự kiến xây dựng 6 tháng nhưng sau 7 năm vẫn chưa hoàn thành

Tạp chí Sở hữu Trí tuệ 20:53 21/06/2021

Tuyến đường 2km nối cầu Nhật Tân với cầu Thăng Long dự kiến hoàn thành 7 năm trước nhưng đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng khiến hàng chục hộ dân trong diện giải tỏa phải sống trong cảnh tạm bợ.

Bản đồ vị trí tuyến đường.

Đường nối Vành đai 2-3 theo qui hoạch có chiều dài khoảng 3km. Đây là tuyến đường liên khu vực kết nối giữa đường vành đai 2 (cầu Nhật Tân) và đường vành đai 3 (cầu Thăng Long). Tổng chiều dài 2.162m, từ nút giao cầu Nhật Tân (Phú Thượng – Tây Hồ) đến nút giao cầu Thăng Long (Đông Ngạc – Từ Liêm).

Tuyến đường này do công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến 62 tỷ đồng (gói thầu đoạn thuộc dự án 92,7ha KĐT Nam Thăng Long).Diện tích thi công tuyến đường phần lớn nằm trên đất ruộng thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Dự án được khởi công từ tháng 2/2014 và dự kiến hoàn thiện sau 6 tháng xây dựng.

Tuyến đường 40m được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị cho khu vực phường Phú Thượng, Khu đô thị Nam Thăng Long.

Với kỳ vọng tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực Tây Hồ, tạo nên tuyến giao thông huyết mạch, phục vụ nhu cầu dân sinh cho cư dân phường Phú Thượng và cư dân trong KĐT Nam Thăng Long, tuyến đường được thiết kế rộng 40m, gồm 2 dải xe chạy rộng 2x11,25m, hè hai bên rộng 2x7,25m, dải phân cách trung tâm rộng 3m. Sau khi hoàn thiện đây sẽ là tuyến đường trọng điểm của quận Tây Hồ, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị tại khu vực phía Bắc thủ đô.

Tuy nhiên, sau 7 năm thi công, dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 2/3 tuyến đường (dài khoảng 1,8 km).Vài trăm mét cuối của dự án thuộc tổ 3, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) chưa được giải phóng mặt bằng. Khoảng gần 20 hộ dân đang sinh sống ở khu vực này, chưa chuyển đi nơi khác vì vấn đề liên quan đến hỗ trợ, đền bù.

Sau 7 năm, tuyến đường mới chỉ hoàn thành được 2/3 do những khúc mắc trong vấn đề giải tỏa, đền bù.

Theo phản ánh của các hộ dân, từ ngày dự án bị treo họ phải sống trong cảnh tạm bợ chờ ngày giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống. “Cuộc sống nhếch nhác, ô nhiễm... nhưng hàng ngày gần 20 hộ dân chúng tôi vẫn phải xoay sở. Chúng tôi đã đề nghị chính quyền hỗ trợ tiền đền bù để được chuyển đi nơi khác, vì ở lại thì nhà cửa không thể cơi nới, sửa chữa, cấp sổ đỏ, nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời thoả đáng", một hộ dân phản ánh.

Do chưa hoàn toàn thông xe, nhiều đoạn trên tuyến đường thành nơi đổ đất đá, rác thải, gây mất thẩm mỹ đô thị và bức xúc cho người dân sinh sống gần đấy.Cụ thể, đi dọc tuyến đường có đoạn trở thành nơi đổ đất từ các công trường gần đó, đoạn được người dân tập kết nguyên vật liệu trồng cây cảnh, phía cuối con đường chưa giải tỏa thì lại trở thành nơi đổ rác sinh hoạt…Mỗi bên vỉa hè rộng hơn 7 m được lát đá xanh. Tuy nhiên nhiều đoạn đang làm rồi bỏ dở. Nhiều hố ga trên vỉa hè và dưới lòng đường không có nắp đậy.

Hai bên tuyến đường rác thải được đổ bừa bãi ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Hiện người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường đang từng ngày mong cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư sớm giải tỏa, xây dựng, quản lý lại con đường để sớm ổn định cuộc sống.Chị Nguyễn Hoa (38 tuổi, người dân phường Phú Thượng) bức xúc cho biết: “Ngày nào cũng đi về qua đoạn đường này, tôi cứ nơm nớp lo vì có nhiều chỗ gạch đá ngổn ngang, chưa kể còn sợ tụt xuống hố ga, cống ngầm. Chưa kể mỗi lần đi qua những đoạn có nhiều rác thải, tôi cứ phải nín thở đi thật nhanh. Thực sự mong con đường sớm hoàn thành để người dân đỡ khổ”.

Hai bên đường cỏ mọc um tùm, hố ga nhiều đoạn bật nắp.

Từ một tuyến đường được kỳ vọng và mong đợi, sau 7 năm, con đường này lại vô tình tạo thêm nỗi khổ cho cư dân sinh sống tại đây. Tuyến đường không có người cải tạo, quản lý nên cỏ mọc um tùm, tràn xuống lòng đường; hố ga bật nắp giữa đường. Trời nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì bùn đất lớp nhớp. Hơn lúc nào hết, người dân mong mỏi đường sớm được hoàn thành, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết các vấn đề tồn đọng, khó khăn cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của khu vực và thành phố Hà Nội.

"Thành phố và các cấp chính quyền quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, chủ đầu tư là công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long cần rà soát lại toàn bộ tuyến đường hoàn thiện hạ tầng hai bên đường, nhanh chóng xây dựng những đoạn còn tồn đọng để đưa tuyến đường vào hoạt động, sớm là tuyến đường xương sống đi qua quận Tây Hồ kết nối hai vành đai 2 và 3".

Người dân mong mỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền giải tỏa mặt bằng đoạn còn tồn đọng để đưa con đường đi vào sử dụng khang trang.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết 2km đường huyết mạch quận Tây Hồ, dự kiến xây dựng 6 tháng nhưng sau 7 năm vẫn chưa hoàn thành tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư