Hà Nội, Thứ Ba Ngày 30/04/2024

Hà Nội dừng triển khai 82 dự án BT (bài 2): Tập đoàn Lã Vọng làm ăn ra sao?

TẠP CHÍ SỞ HỮU TRÍ TUỆ 09:52 21/06/2021

Sau nhiều “sóng gió”, các doanh nghiệp có liên quan đến đại gia Lê Văn Vọng và Tập đoàn Lã Vọng vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, mở rộng quỹ đất nhiều nơi.

UBND Hà Nội vừa ban hành văn bản số 1966/KH&ĐT-ĐTCT về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), dự án áp dụng loại hợp đồng BT sẽ dừng triển khai các dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Trong danh sách này, 2 dự án dừng triển khai của Ngôi Nhà Mới gồm: Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với quy mô 23,1 km và đường vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng.

Dự án Ngôi Nhà Mới tại Quốc Oai. Ảnh: Vietnamnet

Theo tìm hiểu được biết, Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà Mới (doanh nghiệp hạt nhân của Tập đoàn Lã Vọng) được thành lập tháng 11/2003, đóng trụ sở tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, do ông Lê Văn Vọng (người huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lập ra.

Tính đến năm 2019, vốn điều lệ của công ty đã lên tới 1.500 tỷ đồng.

Công ty Ngôi nhà Mới đã đi lên từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống rồi lấn sân sang thị trường bất động sản. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của một loạt dự án đáng chú ý trên thị trường Hà Nội như: khu đô thị Louis City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm), New House Xa La (Phúc La, Hà Đông), khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới (Quốc Oai)…

Giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của Ngôi nhà Mới tăng trưởng rất mạnh mẽ. Cụ thể, nếu như năm 2016, doanh thu mới đạt 17,5 tỷ đồng thì năm 2017 đã tăng gấp 10 lần lên 183 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tiếp tục tăng mạnh lên 272 tỷ đồng rồi lên tận 1.049 tỷ đồng vào năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cũng vì vậy mà tăng mạnh, từ -29,7 tỷ đồng (2016) lên 161 triệu đồng (2017) rồi 16,5 tỷ đồng (2018) và 197,7 tỷ đồng (2019).

Về tài sản, trong cùng giai đoạn nêu trên, tổng tài sản của công ty đã tăng gấp gần 4 lần, từ 1.352 tỷ đồng lên 5.229 tỷ đồng, tức tăng.

Vốn chủ sở hữu của công ty tăng đáng kể, từ 705 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng, tức tăng hơn 2 lần. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc năm 2019 là hơn 2 lần.

Ngoài Ngôi Nhà Mới, hệ sinh thái của tập đoàn Lã Vọng cũng ghi nhận một pháp nhân hoạt động tích cực khác là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng.

Doanh nghiệp này lập ra vào tháng 4/2008, đóng trụ sở tại Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội, được biết tới là chủ đầu tư dự án bất động sản tại các ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.

Giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của Công ty Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng trồi sụt thất thường. Cụ thể, năm 2016, doanh thu đạt 27,7 tỷ đồng, năm 2018 giảm mạnh chỉ còn 15,8 tỷ đồng, năm 2018 tăng nhẹ lên 17,2 tỷ đồng và năm 2019 tăng lên 35,8 tỷ đồng.

Kết quả lãi sau thuế trong các năm 2016 – 2018 là các số âm: -7,3 tỷ đồng (2016), -1,8 tỷ đồng (2018) hoặc lãi rất mỏng (22 triệu đồng – năm 2017). Năm 2019 mức lãi đạt 7 tỷ đồng.

Về tài sản, giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của công ty chỉ tăng nhẹ, từ 176 tỷ đồng lên 186 tỷ đồng. Phần lớn tài sản được tài trợ bằng nợ phải trả, tăng từ 162 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng trong cùng giai đoạn.

Một pháp nhân đáng chú ý khác trong hệ sinh thái của Lã Vọng là Công ty Cổ phần Lã Vọng Group. Doanh nghiệp này thành lập tháng 8/2016, trụ sở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. CEO là Đỗ Minh Đàm với vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong giai đoạn 2016 – 2019, công ty này không ghi nhận doanh thu và lỗ sau thuế các năm 2016 – 2017 (lần lượt 8,8 triệu đồng và 3,8 triệu đồng). 2 năm tiếp đó, công ty báo lãi nhẹ lần lượt 174 triệu đồng và 7,6 triệu đồng.

Điều đáng nói hơn cả là từ năm 2018, ông Lê Văn Vọng (nhà sáng lập tập đoàn Lã Vọng) đã thoái hết vốn với tư cách cá nhân ra khỏi các công ty nêu trên. Ở Công ty Ngôi Nhà Mới, cùng với ông Vọng, ông Lê Văn Vân và bà Ngô Thị Toàn cũng thoái vốn.

Tương tự, ở Công ty Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng, ông Lê Văn Vân và ông Lê Văn Hải cũng thoái vốn. Còn tại Công ty Cổ phần Lã Vọng Group, ông Hải cùng bà Đặng Thị Như Trang đều rút vốn.

Sau khi rút vốn, ông Lê Văn Vọng đã thành lập một pháp nhân mới có tên Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam. Doanh nghiệp này khai sinh vào tháng 3/2018, trụ sở tại khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Ông Vọng làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật với tỷ lệ sở hữu 100% (tính đến hết năm 2019). Hai cổ đông cá nhân là Hà Chí Luyện và Vũ Văn Thái đã thoái vốn.

Về tình hình kinh doanh, năm 2019, công ty này không ghi nhận doanh thu, song vẫn báo lãi sau thuế 79 triệu đồng. Tổng tài sản tại thời điểm hết năm 2019 là 1.500 tỷ đồng, toàn bộ là vốn chủ sở hữu.

Về Công ty Cổ phần Đầu tư Louis Group – doanh nghiệp do Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và 2 đối tác tư nhân Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới – Công ty Đại An lập ra để thực hiện dự án BT Ba La – Xuân Mai, có thông tin cho thấy ông Lê Văn Vọng làm tổng giám đốc doanh nghiệp này.

Tính đến hết năm 2019, vốn điều lệ của công ty là 960 tỷ đồng. Công ty không ghi nhận doanh thu giai đoạn 2017 – 2019, báo lỗ sau thuế 86 triệu đồng năm 2017, lãi sau thuế 53 triệu đồng năm 2018 và 12 triệu đồng năm 2019.

Tháng 1/2020, Thanh tra Chính Phủ đã ban hành thông báo Kết luận thanh tra toàn diện các dự án của Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm đối với 9 dự án trên địa bàn Hà Nội của Lã Vọng và các đơn vị thành viên.

Trong số 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng thuộc diện thanh tra, có 5 dự án do CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, 3 dự án tập đoàn cùng đơn vị thành viên tham gia hợp tác đầu tư và 1 dự án thuê mặt bằng kinh doanh. Đa số các dự án được thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), không qua đấu giá…

Sau nhiều “sóng gió” các doanh nghiệp có liên quan đến đại gia Lê Văn Vọng và Tập đoàn Lã Vọng vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, mở rộng quỹ đất khắp nơi.

Mới đây, vào tháng 6/2020 Ngôi nhà mới và VFI Group cùng một công ty khác đã đề xuất làm quần thể vui chơi giải trí và biệt thự sinh thái Santa Barbara Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội dừng triển khai 82 dự án BT (bài 2): Tập đoàn Lã Vọng làm ăn ra sao? tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư