Với những cửa hàng bị hạn chế hoạt động để phối hợp phòng chống dịch, tập đoàn sẽ thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng với các đối tác và không tính tiền thuê 70% còn lại.
Thời gian áp dụng trong 8 tháng đầu năm (1/1-1/8). TGDĐ đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
Phản bác lại công văn trên, anh T.K.M (đối tác mặt bằng của TGDĐ) cho biết công ty đã tự ý thông báo bằng văn bản và khẳng định trong hợp đồng không có điều khoản nào cho phép TGDĐ có thể hành động như vậy. Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật, đại diện truyền thông của TGDĐ từ chối bình luận về sự việc trên: "Hiện tại sự việc đang rất ồn ào, tôi xin phép không đưa ra ý kiến gì", vị đại diện này cho biết.
Chuỗi cửa hàng Thế giới Di động. Ảnh minh hoạ |
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư (LS) Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh nếu TGDĐ ra văn bản về việc không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuê nhà hoặc giảm khi chưa có sự đồng ý của bên cho thuê thì đó là một hành động đơn phương, ý chí của một bên.
Về chi tiết TGDĐ viện lý do "bất khả kháng" để yêu cầu được giảm hoặc miễn trừ tiền thuê nhà, LS Diệp Năng Bình khẳng định hiện nay, có thể thấy hầu như doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kể cả người cho thuê nhà vì có thể đây là nguồn thu nhập chính của họ: "Nếu cứ viện dẫn dịch COVID-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ không còn quan hệ hợp đồng nào nữa được thực hiện. Dịch COVID-19 không đồng nghĩa với sự kiện bất khả kháng", Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật khẳng định.
Phân tích thêm, LS Diệp Năng Bình cho biết Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã có quy định một sự kiện được coi là bất khả kháng tại khoản 1 Điều 156: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". BLDS có quy định về hậu quả của sự kiện bất khả kháng khi nghĩa vụ không thể thực hiện đúng.
Ví dụ, theo BLDS: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác" (khoản 2 Điều 351),
Để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 351 BLDS, doanh nghiệp phải chứng minh được nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được do bất khả kháng. Ở đây, họ phải chứng minh được 3 yếu tố của sự kiện bất khả kháng trong quy định trên. Điều quan trọng là phải chứng minh được rằng nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được và việc không thể thực hiện được này có nguyên nhân trực tiếp từ dịch COVID-19.
"Tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể để xem xét có hay không sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng chúng ta không được sử dụng một cách tuỳ tiện sự tồn tại của dịch COVID-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng trên danh nghĩa của sự kiện bất khả kháng", LS Diệp Năng Bình giải thích.
Ngoài việc khai thác các quy định về bất khả kháng với những ràng buộc nêu trên, các bên trong hợp đồng nên ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ những khó khăn của nhau, tìm ra phương án ít thiệt hại nhất cho nhau. Việc ngồi lại với nhau là rất cần thiết. Bởi lẽ, BLDS đã quy định cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực’ (khoản 3 Điều 3).
"Ở đây, yêu cầu về thiện chí buộc các bên phải ngồi lại với nhau để tìm ra phương án tốt nhất trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việc TGDĐ ra văn bản về việc không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuê nhà hoặc giảm khi chưa có sự đồng ý của bên cho thuê chỉ là một hành động đơn phương, ý chí của một bên. Nếu trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra tòa", LS Diệp Năng Bình nhấn mạnh.