Hà Nội, Thứ Tư Ngày 09/10/2024

Đề xuất nhiều ưu đãi đầu tư đối với khu công nghệ cao

CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM ONLINE 12:24 10/07/2021

Bộ KHCN đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao về chính sách phát triển, ưu đãi đầu tư khu vực này

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau khi Luật Công nghệ cao ra đời năm 2008 và có hiệu lực, nhiều khái niệm, quy định liên quan đến công nghệ cao, khu công nghệ cao đã được luật hóa. Đồng thời, các pháp luật chuyên ngành về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế… đều đã được xây dựng, cập nhật, sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, quy chế khu công nghệ cao chưa được xây dựng mới và ban hành để thay thế quy chế theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP.

Ở thời điểm hiện tại, quy chế khu công nghệ cao theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP cũng như các văn bản được xây dựng, ban hành để hướng dẫn Nghị định đã lỗi thời, có nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước.

Ví dụ như về thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, hoạt động thu hút đầu tư gặp những hạn chế nhất định do thiếu tiêu chí thu hút đầy đủ đối với từng loại hình dự án được phép đầu tư vào khu công nghệ cao. Hiện nay, các ban quản lý khu công nghệ cao đang phải vận dụng lồng ghép các tiêu chí khác nhau quy định với các loại hình dự án có sự tương đồng.

Các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao từ trước đây không còn phù hợp, đặc biệt sau khi một số luật chuyên ngành ra đời và/hoặc được sửa đổi, bổ sung, cập nhật thì các ưu đãi được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành…

Như vậy, qua một thời gian dài thực hiện Nghị định số 99/2003/NĐ-CP, đặc biệt là sau khi Luật công nghệ cao ra đời, đã nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn triển khai cũng như phát sinh những đòi hỏi mới từ chính thực tiễn. Do đó, việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định mới quy định về khu công nghệ cao nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của khu công nghệ cao là cần thiết và rất cấp thiết.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ phát triển công nghệ cao trong từng giai đoạn nhất định, nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số khu công nghệ cao.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng nêu rõ những ưu đãi đầu tư đối với khu công nghệ cao. Cụ thể, khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư và thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, thủ tục áp dụng ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong khu công nghệ cao thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư.

Bộ KH&CN đề xuất cơ chế ưu đãi đầu tư cho khu công nghệ cao. Ảnh minh họa

Ưu đãi về đất đai, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu-thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của dự án đầu tư vào khu công nghệ cao thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế.

Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được áp dụng để khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư. Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.

Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào khu công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và các vấn đề liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Doanh nghiệp khu công nghệ cao có đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Liên quan tới vấn đề trên, trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.

Đồng thời, doanh nghiệp công nghệ cao cũng cần đáp ứng các tiêu chí như doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm.

Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên thì tỷ lệ phải đạt ít nhất 0,5%; Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 phải đạt ít nhất 2%.

Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:

Trong đó, đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%; Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 phải đạt ít nhất 5%.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : http://vietq.vn/de-xuat-nhieu-uu-dai-dau-tu-doi-voi-khu-cong-nghe-cao-d188797.html

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất nhiều ưu đãi đầu tư đối với khu công nghệ cao tại chuyên mục Đầu tư và Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư và Kinh doanh