Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Thị trường ô tô trong nước 'nở rộ' khi bước sang giai đoạn bình thường mới

VIETQ 09:35 13/11/2021

Kể từ khi bước sang giai đoạn bình thường mới, doanh thu của các đại lý ô tô trong nước có sự gia tăng đáng kể.

Tại thời điểm tháng 10, tổng doanh thu của các hãng xe con đạt 39.324 xe, tăng 97% so với tháng 9. Hơn 39.000 xe này là kết quả bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và hai hãng không thuộc Hiệp hội là VinFast và TC Motor (phân phối xe Hyundai).

Cùng thời điểm, VAMA bán được 27.149 xe, tăng 121% so với tháng 9. Hầu hết hãng thuộc VAMA như Toyota, Honda, Mazda, Hyundai, Kia, Suzuki, Ford đều tăng trưởng. Các con số tương ứng của TC Motor là 8.855 xe, tăng 117%. VinFast đạt 3.320 xe, giảm nhẹ 6%.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia nhận định, với mức tăng liên tục hai tháng qua, thị trường ôtô Việt Nam đã qua điểm đáy doanh số và dần lấy lại đà phục hồi sau 5 tháng giảm doanh số liên tiếp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 dai dẳng nhiều tháng và đến nay vẫn chưa kết thúc, sức tiêu thụ xe mới của thị trường nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Người Việt mua ô tô nhiều gấp đôi sau giãn cách. Ảnh minh hoạ

Theo đó, luỹ kế từ đầu 2021, lượng bán hàng của VAMA dừng ở mức 197.222 xe, giảm 3% so với 10 tháng đầu 2020. Con số của TC Motor là 53.182 xe, giảm 7%. VinFast có doanh số cộng dồn trong đến tháng 10/2021 đạt 28.847 xe. Hãng xe Việt chỉ công bố số liệu từ tháng 4/2020 nên chưa có thống kê tăng trưởng.

Sau tháng 9, thị trường ôtô Việt Nam sôi động trở lại nhờ nhiều mẫu xe mới ra mắt, giảm giá, ưu đãi cho khách mua xe bằng nhiều hình thức tiếp tục được các hãng, đại lý duy trì. Lượng đơn hàng dồn từ giai đoạn giãn cách, chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam, cộng thêm nhu cầu mua xe sau đó khiến thị trường khởi sắc trở lại.

Trong cùng diễn biến, lệ phí trước bạ ô tô có thể giảm từ ngày 15/11 sắp tới.

Dự thảo Nghị định Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho biết, lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm 50%, áp dụng từ ngày 15/11 năm nay đến hết 15/5 năm sau.

Tuy nhiên, nếu Chính phủ ký ban hành Nghị định sau 15/11, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực từ ngày 1/12 đến hết tháng 5 năm sau.

Nghị định này dự kiến được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, trên cơ sở kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 20/10. Dự án hiện mới ở bước Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, trước khi tham vấn các bộ, ngành liên quan và trình Chính phủ xem xét.

Giảm lệ phí trước bạ không làm giảm giá xe nhưng giảm chi phí lăn bánh một chiếc xe mới. Việc giảm 50% mức thu theo Bộ Tài chính sẽ kích cầu tiêu dùng cũng như thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng mở rộng đầu tư. Việc giảm phí sẽ giảm số thu nhưng số lượng xe tiêu thụ dự kiến tăng nên tổng thu ngân sách vẫn có thể tăng lên.

Như năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm 50% vào nửa cuối năm, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng 14.110 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa giảm 50% phí trước bạ), lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe một tháng. Nửa cuối năm, số xe đăng ký gấp đôi.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng chia sẻ thêm về những thách thức khi áp dụng chính sách ưu đãi. Áp lực đó là Việt Nam có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, có thể tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số nước không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách giảm chỉ kéo dài trong 6 tháng như biện pháp ngắn hạn gỡ khó cho ngành sản xuất trong nước trước tác động của Covid-19. Bên cạnh đó, theo bộ giải thích, tại Việt Nam, các hãng sản xuất lắp ráp ôtô lớn của nhiều nước hầu hết đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, một số nhà máy có công suất khá lớn như Toyota, Mazda, Hyundai, Kia. Do đó, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới.

Một số nước như Indonesia, Malaysia cũng đã và đang áp dụng chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trước tác động của Covid-19.

Trong khi đó, vì dịch bùng phát trở lại, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, số xe tiêu thụ giảm mạnh. Số xe đăng ký trước bạ lần đầu trong nửa đầu năm nay là hơn 160.000 xe, giảm 24% so với nửa cuối năm ngoái. Đến quý III, số xe đăng ký trước bạ chỉ đạt bình quân gần 16.200 xe mỗi tháng, bằng hơn một nửa so với bình quân quý II. Trong tháng 8, con số này chỉ còn hơn 8.800 xe.

Bộ Tài chính đánh giá, số ca nhiễm thấp hơn đỉnh dịch nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất, lắp ráp ôtô do lượng tồn khi cao, công suất thấp khi không thể duy trì số người lao động và sức mua trong nước sụt giảm. Doanh nghiệp dự báo thị trường ôtô không chỉ bị ảnh hưởng trong năm nay mà còn có thể kéo dài sang các năm sau.

Mới đây, đại diện 11 hãng nhập khẩu như Audi, Volkswagen, Subaru, Volvo, Jeep, Porsche... hôm 25/10 cho rằng Chính phủ không nên chỉ ưu đãi xe lắp ráp và kiến nghị áp dụng giảm lệ phí trước bạ cho cả xe nhập. Các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam (VIVA) cho rằng không công bằng khi ưu đãi lệ phí trước bạ cho ôtô chỉ dành cho loại sản xuất, lắp ráp trong nước. Covid-19 ảnh hưởng chung đến tất cả doanh nghiệp kinh doanh ôtô, cả lắp ráp lẫn nhập khẩu chứ không riêng hình thức nào.

Trong dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính chưa nêu lý do không áp dụng giảm thuế với xe nhập khẩu

Link gốc : https://vietq.vn/thi-truong-o-to-trong-nuoc-no-ro-khi-buoc-sang-giai-doan-binh-thuong-moi-d193803.html

Bạn đang đọc bài viết Thị trường ô tô trong nước 'nở rộ' khi bước sang giai đoạn bình thường mới tại chuyên mục Xe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xe