Hai nhà khoa học Tal Hassner và Xi Yin cùng các cộng sự tại Facebook đã phối hợp với Đại học Michigan (Mỹ) để tạo ra phần mềm có thể phục hồi những hình ảnh đã chỉnh sửa bằng công nghệ “deepfake”, qua đó có thể xác định nguồn gốc của những hình ảnh này.
Cách thức truy vết dựa trên việc tìm kiếm và phát hiện những điểm chưa hoàn hảo của những bức ảnh hoặc đoạn clip trong quá trình can thiệp bằng “deepfake” mà các nhà khoa học gọi là cách thay đổi “dấu vân tay” kỹ thuật số của hình ảnh.
Trong thông báo, các nhà khoa học khẳng định: “Phương pháp của chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho việc phát hiện và lần theo dấu vết những hình ảnh deepfake trong thế giới thực”. Các chuyên gia lưu ý thêm rằng: “Công trình này sẽ mang tới một công cụ tốt hơn giúp các nhà nghiên cứu và những người trong nghề điều tra những vụ việc làm giả thông tin bằng công nghệ deepfake, cũng như mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai”.
Cuối năm 2020, tập đoàn công nghệ Microsoft đã công bố phần mềm cho phép phát hiện hình ảnh hoặc clip bị chỉnh sửa bằng công nghệ “deepfake” thông qua phần mềm Video Authenticator, trong thời điểm Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống.
Được biết, “Deepfake” là công nghệ sử dụng AI để tạo ra những nội dung giả mạo, có thể là hình ảnh, video, thậm chí là âm thanh, rất khó phân biệt theo cách thông thường. Do đó, thủ thuật này thường được sử dụng để tạo tin tức giả và những trò lừa đảo độc hại.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo