Giảm ô nhiễm môi trường cần áp dụng kiểm định khí thải xe máy
Dự thảo Luật Đường bộ lần thứ 5 đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan. Trong đó có đề xuất quy định đang nhận được sự chú ý, quan tâm của dư luận: "Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định".
Dự thảo Luật Đường bộ do Bộ GTVT xây dựng dự kiến trình Quốc hội cuối năm nay có bổ sung quy định kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành thông qua kiểm tra định kỳ về khí thải. Theo đó, nếu quy định trên được thông qua, thời gian tới, gần 73 triệu xe máy đang lưu hành trên toàn quốc sẽ phải kiểm tra khí thải định kỳ, đạt chuẩn mới được vận hành giống như ô tô.
Khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân có đề xuất được cho là theo báo cáo về môi trường gần đây, Bộ GTVT cho rằng, một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí trong đô thị là từ xe máy cũ. Hiện chỉ ô tô phải kiểm định định kỳ sau khi đưa ra thị trường, còn xe máy đang lưu hành chưa buộc phải kiểm định khí thải định kỳ.
Bên cạnh đó, các đô thị lớn đang lên kế hoạch hạn chế xe cá nhân nên giải pháp kiểm soát khí thải xe máy sẽ đạt đa mục tiêu. Cơ quan soạn thảo dự luật cũng nhìn nhận, quy định trên sẽ phát sinh chi phí về tiền bạc và thời gian với chủ xe. Đổi lại, chủ xe có phương tiện an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ xe.
Theo nghiên cứu về phát thải xe máy thực hiện năm 2018 cho thấy, để đạt điều kiện khí thải, chủ xe máy cũ phải bỏ khoảng 110 nghìn đồng/xe/năm để bảo dưỡng, thay thế phụ tùng (như lọc gió, lọc dầu…); chi phí kiểm định khoảng 35 nghìn đồng/lần/năm. Đổi lại, nhờ xe vận hành tốt, chủ xe tiết kiệm được khoảng 7% nhiên liệu, tương đương hơn 170 nghìn đồng/năm….
"Việc kiểm định phát thải khí thải đối với các loại phương tiện này là hết sức cần thiết. Thực tế, đề xuất này đã có từ cách đây hơn chục năm, thế nhưng tại sao dù cần thiết như vậy song đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân đầu tiên là sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông cơ giới trong khi hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng kịp thời", ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Xe máy Việt Nam chia sẻ.
Việc kiểm kiểm soát khí thải với xe máy để giảm ô nhiễm là việc làm hết sức cần thiết, loại bỏ xe cũ, nát, gây nguy hiểm không chỉ cho người đi xe mà còn cho người tham gia giao thông khác. Giải pháp này cũng phù hợp để hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn. Kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy mang lại những lợi ích trực tiếp gắn với môi trường, sức khỏe cũng như vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông…
Có khó để thực thi kiểm soát khí thải xe máy?
Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng nếu chỉ kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy thì xét về mặt kỹ thuật và thực tế là không quá cần thiết. Những chiếc xe môtô, xe gắn máy sử dụng động cơ đốt trong, khi tham gia giao thông, ngoài vấn đề xả ra khí thải độc hại tới sức khỏe con người còn là một trong những nguồn có thể gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ đề cập tới kiểm tra định kỳ với khí xả. Nếu chỉ kiểm soát khí thải xe môtô, gắn máy, thì xét về mặt kỹ thuật và thực tế là không quá cần thiết.
Xét về mặt kỹ thuật, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, hầu hết mô tô, xe gắn máy đều sử dụng động cơ xăng và dung tích xilanh thường khá nhỏ (trung bình khoảng 100 cm3 - chỉ tương đương khoảng 5% số với tổng dung tích xilanh của một chiếc xe ô tô phổ thông). Quãng đường trung bình một xe mô tô, xe gắn máy đi trong một năm thường ít hơn rất nhiều so với quãng đường trung bình một chiếc ô tô di chuyển trong một năm.
Về mặt kỹ thuật nữa là hầu hết động cơ xe mô tô, xe gắn máy đều là loại hút nạp khí tự nhiên nên động cơ thường khá bền. Do vậy, tuổi thọ của động cơ môtô, xe gắn máy thường khá dài và nó có thể hoạt động ổn định trong hàng chục năm nếu được bảo dưỡng định kỳ.
Vì vậy, theo kỹ sư Lê Văn Tạch, thay vì nguồn lực để xây dựng hàng ngàn trung tâm kiểm định khí xả xe môtô, xe máy, Chính phủ nên ưu tiên phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chủ phương tiện về lợi ích của việc bảo dưỡng định kỳ cho các phương tiện xe cơ giới. Nếu làm được điều này, không những giảm thiểu được khí thải độc hại mà còn kéo dài tuổi thọ phương tiện, cũng như giảm thiểu được nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.