Chia sẻ tại chương trình Đối thoại cùng báo chí 2021 với chủ đề: “Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay Tư duy chiến lược của doanh nghiệp?”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, năm 2021, những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020.
Theo đại diện VCCI, quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp, mô hình quản lý truyền thống sang doanh nghiệp số, Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.
Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất-kinh doanh. Mô hình nền kinh tế số đang hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất-kinh doanh theo mô hình kinh tế số.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT) cho hay: Trên 80% lãnh đạo DN cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao trong doanh nghiệp hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình.
Theo đại diện VNPT-IT, 3 yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ; thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm...
Sử dụng công nghệ và dữ liệu lớn để phân tích hành vi, thói quen của khách hàng với mục đích xây dựng các trải nghiệm khách hàng một cách cá nhân hóa; Nâng cao sự cộng tác của nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả tương tác với khách hàng. Với mục đích nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, đáp ứng các nhu cầu và mong muốn của khách hàng nhanh nhất. Sử dụng công nghệ và dữ liệu lớn phân tích hành vi, thói quen để thấu hiểu đội ngũ nhân viên; Chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ để thay đổi mô hình kinh doanh mới, giảm chi phí sản xuất tăng lợi nhuận bán hàng.
Đại diện doanh nghiệp Việt Nam thích ứng phát triển thành công trong đại dịch, Phó Tổng Giám đốc Traphaco Đào Thúy Hà chia sẻ, trong những năm gần đây, Traphaco đã từng bước thành công trong chuyển đổi “tư duy 4.0”, chuyển đổi số, đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng online.
Nắm bắt xu hướng, Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô bốt trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.
“Khi đại dịch xảy ra, Traphaco nhanh chóng thích ứng và thay đổi, đạt được mức tăng trưởng tốt, năm 2020, tăng trưởng 12% về doanh thu, 27% về lợi nhuận sau thuế. 6 tháng năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng 22% về doanh thu và 38% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ”, đại diện Traphaco cho hay.
Từ kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ chuyển đổi số và là đối tác chiến lược uy tín chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật mạng di động tiên tiến cho tất cả các nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam trong hơn 28 năm qua, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia đánh giá các doanh nghiệp tham gia vào số hóa vì lí do kinh doanh có công nghệ hạ tầng số là yếu tố thúc đẩy, và quá trình số hóa công nghiệp đang diễn ra trên tất cả các mảng; các mạng chuyên dụng và các dịch vụ mạng doanh nghiệp là những ví dụ cho các lĩnh vực đang tận dụng lợi thế của công nghệ di động 5G, song song với AI, tự động hóa và Internet vạn vật (IoT).
Cũng theo ông Denis: “Chúng ta có thể thấy những tiềm năng của 5G trong việc chuyển đổi các ngành công nghiệp và xã hội- ví dụ như sản xuất thông minh, thành phố thông minh, lưới điện thông minh; xe ô tô tự lái, các ứng dụng chăm sóc sức khỏe tân tiến, và còn nhiều ví dụ hơn nữa. Chăm sóc y tế, sản xuất ô tô, năng lượng/ tiện ích là đại diện cho những nhóm giá trị lớn nhất mà các dịch vụ được định hình và phát triển nhờ 5G.”
Ông khẳng định những khả năng mà 4G và 5G IoT tạo ra cho mọi doanh nghiệp trên tất cả các ngành công nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp tăng tốc nhằm đáp ứng nhu cầu của thế giới mới trong kỉ nguyên số, mà điều quan trọng hơn đó là nó sẽ đóng góp và phát triển kinh tế xã hội bền vững tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số, do đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng được chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới. ”Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%... |