Hà Nội, Thứ Năm Ngày 12/12/2024

'Vượt mặt' loạt ông lớn bất động sản để sở hữu đất vàng 175 Nguyễn Thái Học: Tiềm lực giới chủ đứng sau TID Gr

NGƯỜI ĐƯA TIN 11:46 29/03/2022

Vượt mặt nhiều "ông lớn" bất động sản để được “chọn mặt gửi vàng” tại dự án Tiến Bộ Plaza khiến dư luận không khỏi tò mò về tiềm lực cũng như giới chủ đứng sau TID Group.

Mới đây, bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội về việc điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc Dự án Tiến Bộ Plaza ( số 175 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội).

Bộ này cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy định quản lý kèm theo đồ án, khu đất dự kiến đầu tư xây dựng của Dự án Tiến Bộ Plaza tại số 175 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội thuộc khu vực hạn chế phát triển (A7): hạn chế xây dựng công trình cao tầng; các công trình xây dựng mới tại các vị trí giáp trục đường lớn chính có thể xây dựng nhà cao tầng phù hợp với thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc được duyệt.

vuot mat loat ong lon bat dong san de so huu dat vang 175 nguyen thai hoc tiem luc gioi chu dung sau tid group dspl
Dự án Tiến Bộ Plaza tại "đất vàng" 175 Nguyễn Thái Học. Ảnh: Giáo dục& Cuộc sống

Tuy nhiên, các công trình xây dựng cao tầng phải có những đóng góp về không gian mở và cảnh quan chung của đô thị như vườn hoa, vỉa hè lớn kết hợp làm không gian công cộng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lập và phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H1-2, tỷ lệ 1/2000; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP.Hà Nội làm cơ sở triển khai thực hiện.

Khu đất số 175 phố Nguyễn Thái Học không trong phạm vi, ranh giới đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013.

Khu đất 175 Nguyễn Thái Học rộng 3,2 ha, được coi là "đất vàng" hiếm hoi còn sót lại ở khu vực nội đô khi sở hữu vị trí đắc địa nằm ngay bên Quảng trường Ba Đình và các địa điểm nổi tiếng tại Hà Nội như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Tây..

Ban đầu, khu đất do Công ty TNHH MTV In Tiến Bộ (In Tiến Bộ) quản lý, sử dụng để làm trụ sở làm việc theo Quyết định thuê đất số 5170/QĐ-UBND ngày 5/10/2009 và Quyết định điều chỉnh số 700/QĐ-UBND ngày 9/2/2011 của UBND TP. Hà Nội; Hợp đồng thuê đất số 66/HĐTĐ ngày 9/3/2010 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI486863 ngày 24/1/2013.

Từ năm 2013, theo Thông báo Kết luận số 298-TB/TW ngày 4/1/2010 của Ban bí thư Ban Chấp hành TW Đảng và Thông báo số 39-TB/VPTW ngày 3/12/2012 của Văn phòng Ban Chấp hành TW Đảng, In Tiến Bộ đã nghiên cứu, lựa chọn đối tác đầu tư để thực hiện Dự án trên lô đất 175 Nguyễn Thái Học với tên gọi Tiến Bộ Plaza.

Năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7709/VPCP-CN, gửi kèm Văn bản số 1539-CV/VPTW/nb của Văn phòng Trung ương Đảng tới bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến đối với hình thức hợp tác đầu tư Dự án Tiến Bộ Plaza. Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1954/BXD-HĐXD phúc đáp Văn phòng Chính phủ.

Tháng 6/2019, In Tiến Bộ ra thông báo sẽ di dời cơ sở sản xuất tại số 175 Nguyễn Thái Học ra địa điểm mới để triển khai dự án địa ốc có tên gọi Tiến Bộ Plaza.

Theo một số nguồn tin, trước đó, tháng 7/2016, Công ty cổ phần TID (TID Group) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 35-HĐHTKD/ITB-TID với In Tiến Bộ để đầu tư dự án Tiến Bộ Plaza.

Không phải Vingroup, Sungroup hay BRG- những "ông lớn" có "khẩu vị" đầu tư quen thuộc với các khu đất vàng ở vùng nội đô, TID Group được "chọn mặt gửi vàng" tại dự án Tiến Bộ Plaza khiến dư luận không khỏi tò mò về tiềm lực cũng như giới chủ đứng sau doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu, TID được thành lập vào tháng 11/1995, có trụ sở tại tòa nhà TID Centre (số 4 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP.Hà Nội), tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghiệp TID.

Đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Hồng Minh (SN 1962)- Tổng giám đốc TID.

Ban đầu, TID gồm 4 cổ đông sáng lập là Hoàng Hải Yến, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Quang Hân và Nguyễn Thị Hồng Minh.

Tháng 7/2018, vốn điều lệ của TID ở mức 295 tỷ đồng. Hai cổ đông Nguyễn Quốc Hùng và Nguyễn Quang Hân đã thoái sạch vốn. Hai cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Hồng Minh (thời điểm này giữ chức Chủ tịch HĐQT) chỉ nắm 10% vốn điều lệ và cổ đông Hoàng Hải Yến sở hữu 4,56%.

Hơn 85% vốn điều lệ còn lại của TID chưa rõ do cá nhân hay tổ chức nào sở hữu.

Đến ngày 9/12/2020, TID nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.

TID được biết đến là nhà thầu của nhiều dự án tiêu biểu như: Trung tâm xổ số kiến thiết 37 Hàng Bài (1997), Nhà hát lớn Hà Nội (1998), Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (2002), Tòa nhà văn phòng Vinaconex (2010), Bảo tàng Hà Nội (2010), …

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của TID (công ty mẹ) trong những năm gần đây lại khá khiêm tốn khi doanh thu trăm tỷ nhưng chỉ lãi vỏn vẹn vài tỷ đồng.

Năm 2018, TID báo doanh thu thuần ở mức 319,3 tỷ đồng, lãi thuần 3,6 tỷ đồng. Sang năm 2019, mặc dù doanh thu tăng 27,4% lên mức 406,8 tỷ nhưng lợi nhuận lại giảm còn 2,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của TID đạt 916,5 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 473,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2018, TID nằm trong danh sách "đen" các doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thuế khi nợ đọng hơn 4 tỷ đồng. Mặc dù Cục Thuế Hà Nội đã đăng công khai từ trước đó, cũng như có văn bản thông báo đến doanh nghiệp.

Sang đến năm 2019, doanh nghiệp này lại có mặt trong danh sách 500 đơn vị lao động nợ đọng BHXH từ 6-24 tháng do BHXH Hà Nội công bố. Theo danh sách này, TID nợ 16 tháng BHXH của 205 người lao động, với số tiền gần 5,5 tỷ đồng.

Cũng phải nhắc đến một pháp nhân nổi bật liên quan đến TID Group và bà Nguyễn Thị Hồng Minh là CTCP Tường kính TID

Trước khi bén duyên với lĩnh vực bất động sản, TID nổi danh với mảng kinh doanh sản xuất nhôm, kính và xây lắp kính. Tháng 9/2011, TID tách mảng kinh doanh sản xuất nhôm, kính và xây lắp kinh ra hoạt động riêng và thành lập CTCP Tường kính TID (tên cũ là CTCP TID Facade).

Tính đến hết ngày 1/12/2016, cơ cấu cổ đông TID Facade gồm: CTCP TID (40%), Nguyễn Thị Hồng Minh (32,342%), Bùi Phú Phong (14,992%), Nguyễn Quốc Hùng (4%).

Dựa trên nền tảng từ TID, Tường kính TID tham gia nhiều công trình tên tuổi như: tòa nhà Quốc Hội (năm 2014), Công ty TNHH tập đoàn MIK Group Việt Nam (năm 2016), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (2017)…

Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Tường kính TID ghi nhận doanh thu thuần đạt 161,2 tỷ đồng, lãi thuần chỉ vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Tường kính TID ở mức 508,6 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 65,7 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, trong danh sách đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trên địa bàn TP.Hà Nội do BHXH TP.Hà Nội công bố, tính đến hết 28/2/2022, Tường kính TID đang nợ 28 tháng tiền BHXH,BHYT,BHTN với số tiền nợ gần 6 tỷ đồng.

Link gốc : https://www.doisongphapluat.com/vuot-mat-loat-ong-lon-bat-dong-san-de-so-huu-dat-vang-175-nguyen-thai-hoc-tiem-luc-gioi-chu-dung-sau-tid-group-a532559.html

Bạn đang đọc bài viết 'Vượt mặt' loạt ông lớn bất động sản để sở hữu đất vàng 175 Nguyễn Thái Học: Tiềm lực giới chủ đứng sau TID Gr tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc