Thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài sản ở các doanh nghiệp Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, là vấn đề Nhân dân đang rất bức xúc, quan tâm. Ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng: “Tài sản công trong các đơn vị này đang được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn. Thông qua đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng biến từ công sang tư. Nhưng chúng ta chưa có đợt giám sát mạnh bằng quyền giám sát tối cao của Quốc hội để vừa một mặt chỉnh đốn lại hệ thống pháp luật một mặt chỉnh đốn lại công tác quản lý, sử dụng tài sản.”.
Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, đã từng phát biểu: “Tài sản tham nhũng thường biến tướng rất mạnh, có thể chuyển ra nước ngoài, có thể được đưa vào quá trình từ thiện, xã hội, thậm chí sử dụng vào các công trình tâm linh… Chính vì thế, chúng ta cần thiết phải có những quy định chi tiết hơn, bảo đảm quá trình kiểm soát tài sản ngay từ ban đầu và trong quá trình điều tra …”.
Vụ án tại Tổng Công ty 3/2 liên quan đến 43 ha đất đang trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát. |
Tham nhũng lớn nhất là tham nhũng trong liên quan đến đất đai. Quá trình xử lý vụ án Phan Văn Anh Vũ (biệt danh là Vũ "nhôm") là minh chứng cụ thể cho quyết tâm chống tham nhũng.
Năm 2014, Phan Văn Anh Vũ ( biệt danh là Vũ "nhôm") đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo (Bộ Công an), đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách, quận 1 (nguyên là trụ sở của Hãng phim Giải Phóng), gồm 2.700 m2 nhà và hơn 2.300 m2 đất. Sau đó, Công ty của Vũ đã đã được giao, cho thuê lô đất này không đúng quy định pháp luật dẫn đến Nhà nước thất thoát 6,7 tỉ đồng tiền hỗ trợ và 802 tỉ đồng giá trị tiền sử dụng đất Nhà nước chưa thu được. Sau khi được thuê đất, Vũ “Nhôm” lập dự án bất động sản với 115 căn hộ, 72 căn Officetel và 88 phòng khách sạn, đồng thời ký hợp đồng với đối tác để triển khai. Đến 30/9/2018, có 114 khách hàng đặt cọc mua bán, cho thuê bất động sản tại dự án này, số tiền đã thu hơn 1.033 tỉ đồng.
Bất động sản tại 129 Pasteur, quận 3, TP Hồ Chí Minh gồm hơn 1.490 m2 nhà và 2.264 m2 đất do Tổng cục IV, Bộ Công an quản lý, sử dụng. Vũ (Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79) đề nghị Tổng cục IV Bộ Công an bán tài sản này. Ngày 25/01/2016, Tổng cục IV Bộ Công an và Nova Bắc Nam 79 ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng với giá hơn 294 tỷ đồng. Ngày 26/01/2016, Nova Bắc Nam 79 và Công ty CP Đầu tư Peak View ký Hợp đồng hứa mua, hứa bán với giá 300 tỷ đồng. Hai ngày sau, việc thanh toán hoàn tất. Ngày 13/01/2018, các cổ đông Công ty CP Đầu tư Peak View chuyển nhượng 100% cổ phần với giá 350,01 tỷ đồng cho Công ty Địa ốc Sài Gòn - Gia Định của “đại gia” Trương Thị Kim Soan, người mới đây đã bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Giá trị bất động sản số 129 Pasteur tại thời điểm khởi tố vụ án là trên 517 tỷ đồng. Như vậy, số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 222 tỷ đồng.
Với những thủ đoạn tương tự, với chi phí thấp hơn giá thị trường hàng trăm tỷ đồng, Phan Văn Anh Vũ đã biến một loạt các bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thành của riêng, hưởng lợi trái pháp luật.
Xét xử vụ án, do vi phạm các quy định pháp luật, Tòa tuyên vô hiệu các giao dịch, hợp đồng mua/bán, thuê/cho thuê đối với các tài sản Nhà nước mà Phan Văn Anh Vũ đã thâu tóm, gồm: nhà, đất số 319 Lê Duẩn, Đà Nẵng; diện tích 3.264 m2 đất tại đường Ngô Quyền, Đà Nẵng; nhà, đất tại số 16 Bạch Đằng, Đà Nẵng; Dự án Vệt du lịch ven biển đường Trường Sa, Đà Nẵng; 3 bất động sản ở TP Hồ Chí Minh tại số 15 Thi Sách (quận 1), số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1), số 129 Pasteur (quận 3), đồng thời yêu cầu các cơ quan Nhà nước xem xét thu hồi các tài sản này.
43 ha đất tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương là của Nhà nước, do Tổng Công ty 3/2 quản lý. Trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty, Tỉnh ủy Bình Dương đã yêu cầu chuyển giao lại khu đất này cho doanh nghiệp Nhà nước khác quản lý. Bất chấp pháp luật và chỉ đạo, ngày 30/11/2016, ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Tổng công ty) tổ chức họp Hội đồng quản trị quyết định chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá thỏa thuận từ 6 năm trước (năm 2010) là 570.000 đồng/m2, với tổng số tiền 250 tỷ đồng. Công ty Tân Phú là liên doanh giữa Tổng công ty 3/2 và Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương (từng là chủ vũ trường New Century, con rể của Nguyễn Văn Minh).
Đáng chú ý là từ trước đó, khi đất vẫn là của Nhà nước, chưa sở hữu 100% Công ty Tân Phú, Nguyễn Đại Dương đã thương lượng với bà Đặng Kim Oanh (Công ty Kim Oanh) và ngày 19/8/2016, Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương ký Hợp đồng hứa mua, hứa bán cho Công ty Thuận Lợi (do ông Nguyễn Thuận, chồng bà Đặng Kim Oanh, là giám đốc) toàn bộ Dự án trên khu đất 43 ha “đất vàng” với giá 350 tỷ đồng bằng hình thức mua lại 100% vốn Công ty Tân Phú. Như dự đoán trước được các sự việc sẽ xảy ra, tin tưởng vào “tiềm lực” của mình, các bên thỏa thuận: Công ty Âu Lạc cam kết sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn Công ty Tân Phú của Tổng công ty 3/2 để sở hữu 100% vốn Công ty Tân Phú và chuyển nhượng cho Công ty Thuận Lợi. Nếu không thực hiện đúng, Công ty Âu Lạc sẽ bồi thường cho phía bà Đặng Kim Oanh 800 tỷ đồng.
Sau khi thâu tóm xong khu “đất vàng” bằng cách sở hữu Công ty Tân Phú, 43 ha “đất vàng” đã được thế chấp cho Ngân hàng Phương Đông để vay vốn. Đồng thời, mặc dù chưa được phép, Công ty Kim Oanh tiến hành động thổ Dự án Khu đô thị Tân Phú và rao bán, huy động vốn rầm rộ. Thanh tra Sở xây dựng Bình Dương đã xử phạt hành vi xây dựng không phép và yêu cầu ngừng thi công.
Công ty Kim Oanh đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng thông qua Hợp đồng vay tiền/góp vốn nhằm đầu tư Dự án Tân Phú. Đơn giá đất theo Hợp đồng lên đến hơn 43 triệu đồng/m2, gấp hơn 75 lần so với giá đất Tổng công ty 3/2 bán cho Công ty Tân Phú ban đầu. Chỉ tính từ tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019, đã có 615 giao dịch chuyển tiền đến tài khoản Công ty Tân Phú, với tổng số tiền hơn 466 tỷ đồng, chưa kể giao dịch tiền mặt. Vậy là, chỉ huy động một phần nhỏ của dự án, khi chưa có giấy phép, Công ty Kim Oanh đã thu về số tiền lớn hơn số tiền 350 tỷ đồng bỏ ra để mua Công ty Tân Phú nhằm có 43 ha “đất vàng” ở Bình Dương. Có thể thấy, chỉ tính theo đơn giá đất mà Công ty Kim Oanh sử dụng để huy động vốn, thì 43 ha đất đã có giá trị hàng ngàn tỷ đồng. So với giá chuyển nhượng ban đầu là 250 tỷ đồng, Nhà nước đã bị thiệt hại số tiền đặc biệt lớn này.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã đề nghị các cá nhân, tổ chức có thực hiện các giao dịch (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng...) liên quan đến quyền sử dụng khu đất 43 ha (là vật chứng của vụ án) liên hệ cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết. Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ngân hàng Phương Đông quản lý, đồng thời ngăn chặn các giao dịch có liên quan đến 43 ha đất là vật chứng của vụ án.
Mới đây, Ban cán sự đảng Viện KSND Tối cao đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế lớn như: Vũ “Nhôm, Út “trọc” … Viện kiểm sát luôn thể hiện quan điểm kiên quyết thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Vụ án tại Tổng Công ty 3/2 liên quan đến 43 ha đất đang trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát. Dư luận đang chờ đợi quan điểm kiên quyết của Viện kiểm sát để thu hồi lại khu đất này cho Nhà nước. Dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu Công ty Kim Oanh có liên quan gì đến các sai phạm trong vụ án? Tại sao Nguyễn Đại Dương và phía bà Đặng Kim Oanh thỏa thuận mua bán dự án, cổ phần khi chưa có đất, chưa có cổ phần? Tại sao Nguyễn Đại Dương thỏa thuận bán toàn bộ dự án, Công ty Tân Phú chỉ với giá 350 tỷ đồng, nhưng sẵn sàng bồi thường đến 800 tỷ đồng? Tại sao các thỏa thuận không có căn cứ gì mà cuối cùng đều biến thành sự thật?...
Nguyễn Đại Dương được xác định khai báo không thành khẩn về hành vi phạm tội, động cơ vụ lợi. Cơ quan điều tra cũng xác định còn nhiều dấu hiệu sai phạm của các đối tượng có liên quan, sẽ tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.