Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng trên cả nước

Hương Thơm (TH) 16:11 24/09/2019

Hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, tuy nhiên, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều CĐT xin chuyển đổi sang nhà TM

Nhà ở khu công nghiệp - Thị trường đầy tiềm năng

Chỉ tính riêng Hà Nội, hiện nay có khoảng trên 140.000 công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố (theo thống kê của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội).

Dự báo đến hết năm 2020, Hà Nội cần thêm khoảng 2 triệu mét vuông sàn nhà ở cho công nhân tại các KCN&CX.

Dự báo đến hết năm 2020, Hà Nội cần thêm khoảng 2 triệu mét vuông sàn nhà ở cho công nhân tại các KCN&CX.

Theo báo cáo của các địa phương thì nhu cầu nhà ở của công nhân khu công nghiệp, tính đến đầu năm 2018 có khoảng 1,2 triệu công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở, dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các KCN, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), Tp.HCM (63%), Đồng Nai (60%), Hà Nội (59%)…

Riêng đối với dự án nhà công nhân hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2, bố trí cho ở cho khoảng 330.000 người lao động (mới chỉ đáp ứng khoảng 28 % so với nhu cầu; đang tiếp tục triển khai 73 dự án, với khoảng 88.000 căn hộ (khoảng 704.000 chỗ ở).

Bất động sản (BĐS) nhà ở khu công nghiệp được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhà đầu tư.

Vẫn khan hiếm trầm trọng

Nhà ở khu công nghiệp được đánh giá là thị trường tiềm năng, tuy nhiên, vẫn đang khan hiếm trầm trọng. Gặp khó khăn trong việc mua nhà, nộp hồ sơ đăng ký nhưng không mua được nhà là tình trạng thường gặp phải của rất nhiều công nhân trên cả nước.

Anh Trần Văn Tường - công nhân Nhà máy Yamaha (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết, mới đây anh cũng nộp hồ sơ đăng ký mua căn hộ tại dự án NƠXH Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm) nhưng cuối cùng cũng không mua được nhà. “Bình quân một căn hộ của dự án có tới 30 - 40 hồ sơ đăng ký mua, cá biệt những căn đẹp nằm ở các góc tòa nhà có tới 80 - 90 hồ sơ đăng ký” - anh Tường chia sẻ.

Trên thực tế, việc khan hiếm các sản phẩm nhà ở dành cho công nhân trong các KCN&CX không chỉ là bài toán nan giải đối với TP. Hà Nội mà còn của tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đến năm 2020, nhu cầu về nguồn vốn để phục vụ đầu tư, mua nhà của công nhân và người thu nhập thấp cần khoảng 18.000 tỷ đồng, trong khi đó, giai đoạn 2018 - 2020, Chính phủ mới bố trí được khoảng trên 2.300 tỷ đồng.

Tại Hội thảo: “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 24/9, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng nhận định "Hiện nay nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, người lao động trong các xí nghiệp đang rất lớn nhưng lại không có sản phẩm để đáp ứng nhu cầu này".

Rất nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án nhà ở xã hội

Hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, tuy nhiên, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.

Theo nhận định của ông Ninh, thì vấn đề khó khăn lớn nhất trong triển khai các dự án nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nói riêng là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng).

Trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Còn về địa phương, có 2 vấn đề, thứ nhất là nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 5, hàng năm theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, địa phương chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương; Chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.

Chưa kể, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài,...

Về phía các doanh nghiệp, ông Ninh cũng chỉ ra, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh BĐS chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục; lợi nhuận bị khống chế.

Về phía các đối tượng chính sách xã hội: Mặc dù nhà ở xã hội đã được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, giá bán thường thấp hơn giá nhà ở thương mại cùng loại trên thị trường từ 20%-30%, tuy nhiên do mức thu nhập của người dân nói chung, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, gia đình trẻ còn rất hạn chế, rất khó khăn trong việc mua nhà ở.

Tại một số địa phương có dự án nhà ở cho công nhân nhưng giá bán, cho thuê cao, cơ chế quản lý chặt chẽ, do đó chưa phù hợp với điều kiện thu nhập của công nhân lao động.

Bên cạnh đó, mặc dù thu nhập còn thấp nhưng tâm lý của đa số người nghèo, công nhân lao động vẫn muốn mua nhà ở xã hội, không muốn thuê, trong khi pháp luật quy định phải dành 20% nhà ở xã hội trong các dự án để cho thuê nhưng trên thực tế nhiều chủ đầu tư không cho thuê được do người dân không muốn thuê mà chỉ muốn mua nhà”, ông Ninh cho biết.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nha-o-cho-cong-nhan-dang-thieu-tram-trong-tren-ca-nuoc-d62072.html

Bạn đang đọc bài viết Nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng trên cả nước tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản