Nhiều khách hàng đòi tiền, An Gia lập tức trả
Ngày 23/6, chị P. đã đến văn phòng Tập đoàn An Gia (An Gia Invesment) để đòi lại tiền do chủ đầu tư dự án smartel Signial vi phạm hợp đồng. Khách hàng yêu cầu giải thích về khái niệm smartel ở dự án Signial mà chủ đầu tư đã quảng cáo. Khi chủ đầu tư không giải thích được, khách hàng đã yêu cầu dự án phải thanh lý hợp đồng và trả lại tiền.
Đến ngày 24/6, Công ty Cổ phần An Gia Phú Thịnh (có địa chỉ 30 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3, thuộc An Gia Invesment) đã gửi công văn phản hồi cho khách hàng. Chủ đầu tư chấp nhận trả lại toàn bộ số tiền cho khách hàng đã đóng.
Chủ đầu tư dự án smartel Signial trả tiền thanh lý hợp đồng cho khách hàng đúng như cam kết sau 7 ngày thanh lý. Sau khi ký biên bản thanh lý hợp đồng để trả lại tiền cho khách hàng mua căn hộ tại dự án, Công ty Cổ phần An Gia Phú Thịnh (chủ đầu tư dự án smartel Signial) đã khẩn trương hoàn trả lại tiền đúng hạn cho khách hàng như cam kết thanh lý.
Không giải thích được smartel là gì, chủ đầu tư dự án The Signial phải trả lại tiền cho khách hàng. |
Trước đó, năm 2019, chị P. đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần An Gia Phú Thịnh để mua một căn hộ tại dự án The Signial. Căn hộ mà chị P. mua chỉ rộng hơn 30m2 với giá gần 1.4 tỷ đồng. Thời hạn sử dụng căn hộ này chưa đến 40 năm.
Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, đây không phải là khách hàng đầu tiên lên An Gia đòi lại tiền đã đóng tại dự án The Signial. Từ năm 2019 đến nay, có rất nhiều khách hàng xin lấy lại tiền bởi chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng đã ký.
Trước đó, An Gia Investment đã “chơi chữ” khi “hô biến” phần offietel tại dự án The Signial (quận 7) thành loại hình căn hộ mới mang tên Smartel. Chính cách “chơi chữ” này đã “gậy ông đập lưng ông” khi An Gia không giải thích được về khái niệm smartel ở dự án Signial là gì? Vì lo sợ loại hình “quái thai” Smartel nên khách hàng đòi tiền An Gia là một điều hiển nhiên.
An Gia Investment “chơi chữ” để bán căn hộ dự án The Signial, đẩy mọi rủi ro về phía khách hàng?
Theo tài liệu PV có được, dự án Smartel The Signial trước đây có tên là dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa. Theo Quyết định số 152/QĐ quy hoạch 1/500 của khu dân cư này, toàn bộ dự án trên chính là phần officetel của Khu phức hợp Lacasa.
Do vậy, có thể nói chủ đầu tư đã “đẻ” ra loại hình căn hộ smartel để nhằm lách luật và bán sản phẩm trong khi hình thức officetel đang bị nhà chức trách Tp.HCM tạm dừng cấp phép.
Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, dạng căn hộ smartel sẽ không được cấp giấy chủ quyền. "Những tên gọi smartel do chủ đầu tư tự đặt, trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hoàn toàn không nhắc đến", luật sư Hùng nói.
Chủ đầu tư dự án The Signial phải trả lại tiền cọc mua căn hộ do không giải thích cho khách hàng hiểu smartel là loại hình căn hộ gì. |
Theo quan điểm của luật sư Hùng, khách hàng không nên mua những loại căn hộ này vì có thể chịu rủi ro cao về pháp lý. Ông Hùng thông tin thêm, hồi tháng 3/2019, UBND Tp.HCM đã có công văn số 1466, yêu cầu dừng cấp phép các dự án officetel.
Tại công văn này, Tp.HCM đề nghị tạm dừng việc xem xét, điều chỉnh, bổ sung hoặc chuyển đổi một phần chức năng của công trình, dự án sang officetel (căn hộ văn phòng) trên địa bàn cho đến khi Chính phủ ban hành quy định đối với loại hình này.
Do chưa có các quy định cụ thể về xây dựng, về đất đai, tài chính và chưa có quy định quản lí nhà nước đối với loại hình này nên thực tế đã có sự biến tướng, gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP.
UBND TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc xử lí các trường hợp chuyển đổi chức năng officetel sang chức năng khác, không có chức năng ở. Những dự án nào có thiết kế phần officetel muốn chuyển sang loại hình văn phòng không có chức năng ở, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ xử lí và báo cáo từng trường hợp cụ thể để UBND Tp.HCM kịp thời tháo gỡ.
Cùng đánh giá về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, trên thị trường bất động sản, không có khái niệm loại hình căn hộ smartel. Chủ đầu tư đã đẻ ra một tên gọi mới trên nền tảng cũ. Thay vì gọi là căn hộ dịch vụ, officetel, condotel thì chủ đầu tư đã gọi bằng tên khác là smartel. Khách hàng mua loại hình căn hộ này sẽ không được cấp giấy chủ quyền vì chưa có hành lang pháp lý.
An Gia Invesment - Chủ đầu tư tai tiếng Thực chất, chủ đầu tư của dự án The Signial là liên danh An Gia Invesment và Creed Group, còn Công ty Cổ phần An Gia Phú Thịnh chỉ là công ty được lập nên để thực hiện dự án. An Gia và Creed Group từng là chủ đầu tư dự án The Garden, The Star, Skyline, Riverside, River Panorama… nhưng dự án nào của liên doanh này cũng có tai tiếng. Điển hình, dự án đầu tay, đánh dấu tên tuổi của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia trên thị trường bất động sản là The Garden ở số 295, Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, Tp.HCM vào năm 2015. Cụ thể, khi chào bán nhà ở dự án The Garden, Công ty An Gia giới thiệu dự án có đầy đủ tiện ích hoành tráng, nhưng đến khi nhận nhà, nhiều khách hàng vỡ mộng bởi những tiện ích mà chủ đầu tư này đưa ra đều đã biến thành căn hộ văn phòng để bán. Một dự án khác của An Gia là The Star nằm trên Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp.HCM từng bị người dân nhiều lần kéo đến trụ sở doanh nghiệp đòi lại tiền. Ngoài những khiếu kiện về chất lượng, bức xúc lớn nhất nằm ở các tiện ích mà theo các hộ dân, An Gia đã lập lờ đánh lận con đen để lừa đảo. |
Theo Thái Minh/Tài Chính Doanh Nghiệp