Dự án Manhattan Tower có tên ban đầu là Thành An Tower, do Tổng Công ty Thành An làm chủ đầu tư, được giao đất từ năm 2009. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Tổng Công ty Thành An không tự triển khai, mà hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Công ty Ba Đình).
Dự án Manhattan Tower có tên ban đầu là Thành An Tower, do Tổng Công ty Thành An làm chủ đầu tư. |
Dự án này được đánh giá là nằm trên vị trí đắc địa khi sở hữu mảnh đất vàng với diện tích 4.182 m2 tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội, trong đó diện tích xây dựng là 2.104m2, mục tiêu xây dựng tổ hợp thương mại và căn hộ 30 tầng.
Vào thời điểm bắt đầu tiến hành dự án, chủ đầu tư đã vô cùng ráo riết trong “cuộc chạy đua” huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư và khách hàng.
Đến tháng 12/2017, Landmark Holding chính thức tham gia vào dự án sau khi ký Hợp đồng thi công xây dựng với Công ty Ba Đình và chính thức trở thành đơn vị trực tiếp phân phối lại các sản phẩm đến khách hàng. Sau khi hợp đồng được ký kết, Landmark Holding phải chuyển cho Công ty Ba Đình số tiền đặt cọc là 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ đắp chiếu, cho đến thời điểm hiện tại, Thành An Tower với cái tên mới là Manhattan Tower vẫn lùm xùm về tiến độ.
Phản ánh đến Kinh tế Môi trường, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án Manhattan Tower cho biết, hơn 10 năm qua, họ phải “ngậm đắng nuốt cay” vì đã bỏ ra hàng tỉ đồng để mua nhà tại dự án nhưng đến nay vẫn chỉ nhận được những lời hứa suông của chủ đầu tư.
Theo hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và các khách hàng, dự kiến tháng 5/2019, dự án sẽ cất nóc và bàn giao căn hộ vào quý IV/2019 (chậm hơn không quá 90 ngày kể từ ngày bàn giao dự kiến).
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số khách hàng, dự án đã dừng triển khai từ tháng 12/2018 sau khi xây dựng đến tầng 24. Toàn bộ nhân công, máy móc, trang thiết bị thi công đã được rút hết khỏi công trường.
Sau gần một thập kỷ đắp chiếu, cho đến thời điểm hiện tại, Thành An Tower với cái tên mới là Manhattan Tower vẫn lùm xùm về tiến độ. |
Dù dự án dừng thi công, nhưng ngày 5/1/2019, chủ đầu tư vẫn gửi công văn yêu cầu các khách hàng mua căn hộ thanh toán tiền đợt 4 theo tiến độ trong hợp đồng mua bán. Điều này theo khách hàng, là vi phạm khoản 8.2, Điều 8 của Hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Nhiều khách hàng cho biết, trong những lần làm việc, chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn dự án sẽ được triển khai tiếp, nhưng đến nay vẫn chỉ là cỗ bê tông nằm im bất động.
Đóng tiền tỉ để mua nhà nhưng hơn 10 năm vẫn chưa nhận được, nhiều khách hàng thậm chí đã rơi vào cảnh nợ nần, phá sản. Đối với khách hàng mua nhà bằng khoản vay ngân hàng thì hiện nay họ đang phải đóng một khoản lãi khá lớn hàng tháng, trong khi căn nhà của họ vẫn chỉ nằm trên giấy.
Nhiều năm qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Manhattan Tower (Thành An Tower cũ) đã tìm đủ mọi cách để yêu cầu chủ đầu tư dự án giải quyết về việc chậm trễ thi công dự án. Tuy nhiên, cho đến nay, thứ họ nhận được vẫn chỉ là sự im lặng.
Theo quan sát của PV Kinh tế Môi trường, dự án đã được xây dựng đến tầng 21 trên tổng số 30 tầng. Tuy nhiên do bị “đắp chiếu” nhiều năm, đến nay, nhiều phần xây dựng đã bị xuống cấp, nứt nẻ, rong rêu, nhiều khối gạch vữa đã bị rơi xuống trước đó tạo thành từng đám loang lổ.
Trong thông báo gửi khách hàng mới đây, Công ty Cổ phần Landmark Holdings cho biết, sau nỗ lực đàm phán giữa lãnh đạo Landmark Holdings và Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình, ngày 11/6/2019, Landmark Holdings nhận được Văn bản số 31/2019/CV/BĐ-21LVL về việc thu hồi quyền khai thác dự án, nhận bàn giao toàn bộ tài liệu liên quan đến khách hàng, công nợ phải thu của dự án Manhattan.
Đồng thời, từ ngày 15/8, Công ty Ba Đình sẽ tiếp quản lại toàn bộ khách hàng mua nhà dự án Manhattan Tower.
Tuy nhiên trên thực tế, dự án vẫn nằm án binh bất động, không một hoạt động xây dựng nào được triển khai trong gần 3 năm qua.
Giải thích với khách hàng, đại diện Landmark Holding cho hay, Landmark Holding tham gia vào dự án với vai trò nhà phát triển, ký hợp đồng với chủ đầu tư Ba Đình và thanh toán trực tiếp cho phía Vinaconex – nhà thầu thi công.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, đã có thỏa thuận ba bên giữa nhà thầu, Landmark Holding và chủ đầu tư Công ty Ba Đình là Công ty Ba Đình sẽ thanh toán trực tiếp cho nhà thầu thi công Vinaconex. Tuy nhiên, do việc Công ty Ba Đình không thực hiện đúng thỏa thuận là thanh toán cho bên thi công nên dự án đang bị dừng lại. Theo đó, nhà thầu thi công đã rút toàn bộ máy móc, nhân công ra khỏi dự án.
Theo đại diện Landmark Holding, họ đã đề xuất mua lại toàn bộ dự án để triển khai nhưng việc thương lượng với Công ty Ba Đình cũng không thành dẫn đến nguy cơ chậm trễ tại dự án càng kéo dài vô thời hạn.
Dự án Thành An Tower (nay là Manhattan Tower) là một trong những trường hợp điển hình về những bê bối trong mua bán nhà ở hiện nay tại Hà Nội. Điều này càng gây bức xúc với khách hàng, dư luận khi một dự án được giao đất ở vị trí đất vàng, trong khi các dự án bên cạnh khởi công chậm hơn đã đi vào hoạt động, sử dụng từ lâu, thì Manhattan vẫn bị bỏ hoang, án binh bất động.
Lo sợ dự án sẽ tiếp tục bị “đắp chiếu”, chủ đầu tư né tránh, nhiều khách hàng đã phải gửi đơn thư kêu cứu tới Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hy vọng những vướng mắc này được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, đến nay, khách hàng tại dự án Manhattan vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời chính thức nào từ chủ đầu tư. Những hy vọng cuối cùng của người mua nhà tại dự án này chỉ còn biết chờ đợi ở sự vào cuộc của chính quyền địa phương và những chỉ đạo kịp thời từ người đứng đầu Thành phố.