Dự án D’. Palais De Louis - Nguyễn Văn Huyên (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư đã từng tốn rất nhiều giấy mực của giới báo chí về mức độ xa xỉ mang đẳng cấp hoàng gia.
Dự án D’. Palais De Louis - Nguyễn Văn Huyên được mang ra thế chấp
Dự án được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp, Ý cổ điển; được coi là nơi hội tụ những giá trị vàng của một dự án bất động sản cao cấp như sở hữu vị trí chiến lược với tầm nhìn rộng lớn, nội thất cao cấp chế tác tinh xảo, tiện nghi ưu việt.
Cuối năm 2009, Tân Hoàng Minh khởi công dự án D’. Palais de Louis. Dự án tọa lạc tại số 6 đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy (đối diện công viên Nghĩa Đô). Dự án cao 27 tầng và 4 tầng hầm, được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích 4.791m2, với tổng mức đầu tư được giới thiệu khoảng 4.000 tỷ đồng, do Công ty Katsuki Archidesign Inc của Nhật Bản lấy ý tưởng từ cung điện Versailles.
Phối cảnh dự án D’. Palais Louis |
Được biết, Tân Hoàng Minh khởi công dự án D’. Palais de Louis vào năm 2009. Tuy nhiên, dự án liên tục bị chậm tiến độ. Đến năm 2014, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 60 nhà đầu tư do tiến độ không như cam kết. Đến khoảng năm 2016 mới tiến hành mở bán trở lại và được cho là động thái sau cái bắt tay với Tập đoàn Vingroup.
Theo thông tin từ Tập đoàn này, cho đến cuối tháng 6/2019, dự án D'. Palais Louis được cho là đã hoàn tất đến 90%. Và ngày 8/6/2019 Tập đoàn này đã mở cửa dự án, tổ chức sự kiện trải nghiệm dành cho khách hàng tại ngay chính tòa nhà.
Dự án dát vàng D'. Palais Louis của Tân Hoàng Minh ở đường Nguyễn Văn Huyên. |
Đến cuối tháng 6/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thông báo danh sách chủ đầu tư đã thế chấp bằng Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Cụ thể, ngày 21/6/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã thực hiện đăng ký thế chấp Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, thế chấp theo hình thức tài sản gắn liền với đất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Vĩnh Phúc.
Theo tìm hiểu, dự án được thế chấp này tọa lạc tại số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chính là D’. Palais De Louis đã được khởi công xây dựng 10 năm trước và mô phỏng theo cung điện Versailles tráng lệ do vua Louis XIV xây dựng ở Paris.
Thực tế, việc chủ đầu tư các dự án bất động sản mang dự án đi thế chấp ngân hàng không phải là chuyện hiếm, tuy nhiên, thông tin dự án D’. Palais De Louis được mang ra thế chấp tại ngân hàng đã khiến cho nhiều khách hàng hoang mang.
Chủ đầu tư Tân Hoàng Minh nói gì?
Trước những lo lắng về việc thế chấp tài sản ở ngân hàng nhưng Tân Hoàng Minh vẫn bán sản phẩm cho khách hàng, đại diện truyền thông của Tân Hoàng Minh khẳng định việc dự án đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) để vay vốn cho việc đầu tư dự án là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Liên quan đến mối quan hệ giữa khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng, vị đại diện truyền thông của Tân Hoàng Minh cho biết theo quy định tại Điều 147 Luật Nhà ở: "Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý".
Theo quy định trên, trong trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở, bán, cho thuê mua nhà ở cho khách hàng, Chủ đầu tư mới phải thực hiện việc giải chấp với ngân hàng trừ trường hợp việc thế chấp này được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp là ngân hàng đồng ý.
Như vậy, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật cũng như quyền lợi của khách hàng.
Những điều khách hàng cần biết
Theo luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư được phép thế chấp dự án tại ngân hàng, đây cũng là nghiệp vụ tài chính thường gặp. Điều 147, Luật Nhà ở 2015 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Trao đổi trên Báo Đầu tư Bất động sản, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, đa phần khách hàng hiện nay chưa hiểu hết các vấn đề pháp lý. Theo ông Hà, nếu như chủ đầu tư vay vốn ngân hàng dưới hình thức thế chấp tài sản nhà, đất và có đăng ký thông tin thế chấp tại Sở Tài nguyên và Môi trường, dự án đó chắc chắn đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời tính pháp lý dự án đã được Nhà nước đảm bảo.
Việc thế chấp cả những căn hộ đã bán là vi phạm pháp luật. Khi mua nhà, vấn đề đáng quan tâm của khách hàng ở đây không phải là dự án đó có thế chấp ngân hàng hay không mà qua trọng là căn hộ của họ mua có bị thế chấp hay không.
Bên cạnh đó, nếu như có xảy ra câu chuyện khách hàng mua căn nhà chưa được giải chấp, thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm và giải quyết mọi rủi ro vì quản lý tài sản thế chấp không tốt, để chủ đầu tư bán cho khách hàng. Về bản chất, nếu như người dân đã trả toàn tiền cho chủ đầu tư thì tất yếu sẽ được sở hữu căn nhà đó mặc dù chưa có sổ đỏ và theo luật, không ai có thể tước bỏ quyền sở hữu của họ.
Nhưng dù sao nếu như trường hợp xấu nhất xảy ra, là khách hàng mua phải những căn hộ chưa được giải chấp, thì người đang chịu thiệt nhiều nhất là khách hàng. Bởi không được cấp sổ đỏ dẫn đến tài sản vốn thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không thể thực hiện các giao dịch thế chấp vay tiền hay mua bán, tặng cho… Do đó, xảy ra tâm lý hoang mang, lo sợ trước nguy cơ bị mất nhà của các cư dân là điều dễ hiểu.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ