Mới đây, Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam (Vinadic) đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái AMACCAO tại huyện Xuyên Mộc, Vũng Tàu.
Theo đề xuất, dự án có diện tích khoảng 18,9ha và tổng mức đầu tư là 3.623 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao gồm các khu biệt thự/căn hộ nghỉ dưỡng, khách sạn, resort, dịch vụ ăn uống, nhà hàng và các dịch vụ nghỉ dưỡng.
Dự kiến, dự án bắt đầu thực hiện vào quý III/2020 và hoàn thiện đi vào hoạt động kinh doanh vào quý III/2027. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Được biết, Vinadic chính thức được thành lập vào năm 2001, trụ sở chính tại ô CN6, khu công nghiệp Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Trong thời gian đầu, doanh nghiệp này chủ yếu tập trung vào hoạt động thi công và xây lắp, điển hình là những dự án đường giao thông, dự án san lấp hạ tầng, dự án thủy lợi và các công trình xây dựng dân dụng.
Năm 2008, Vinadic thành lập văn phòng chi nhánh Tây Bắc tại Lai Châu, mở rộng sang lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng với hai nhà máy tại Vân Nội và Hà Nam. Sau đó, doanh nghiệp lấn sân sang lĩnh vực thi công cơ điện và bất động sản.
Từ năm 2018 đế nay, doanh nghiệp này đầu tư mở rộng sang lĩnh vực tư vấn thiết kế. Hiện trụ sở chính của Vinadic nằm tại tòa nhà hỗn hợp vườn đào, 689 Lạc Long Quân, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.
Trong năm 2018, Vinadic đã thực hiện 2 lần điều chỉnh tăng nguồn vốn, từ 500 tỷ đồng lên mức 1.130 tỷ đồng, trong đó, Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm (SN 1969) là cổ đông lớn nhất góp hơn 1.116 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 98,7%. Đến tháng 11/2019, Vinadic tiếp tục tăng vốn lên 1.350 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại.
Trên trang chủ, công ty của vị doanh nhân sinh năm 1969 này được quảng bá là đối tác tin cậy và tín nhiệm của rất nhiều các chủ đầu tư, trong đó có Tập đoàn Xuân Thành và Tập đoàn Conteccons.
Trong thời gian đầu, Vinadic chủ yếu tập trung vào hoạt động thi công và xây lắp, điển hình là những dự án đường giao thông, dự án san lấp hạ tầng, dự án thủy lợi và các công trình xây dựng dân dụng.
Những năm gần đây, song song với lĩnh vực xây lắp, Vinadic không giấu giếm tham vọng lớn trong lĩnh vực bất động sản với việc triển khai loạt dự án gồm nhà ở cao tầng có quy mô 10.770m2, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; trung tâm nguyên phụ liệu gia giày Hà Nội (quy mô 7.390 m2, vốn 620 tỷ đồng), chợ gỗ Vân Hà (4,8ha, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng) hay chợ Mun (1.244ha, vốn 120 tỷ đồng) đều nằm tại Đông Anh, Hà Nội và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, Vinadic còn sở hữu dự án Nhà ở văn phòng IA4 (vốn đầu tư 300 tỷ đồng) và 4 cụm công nghiệp đang hoạt động gồm các khu công nghiệp Vân Nội, Nguyên Khê, Phổ Yên và Phủ Lý với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ.
Về lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đơn vị này đã thi công hạ tầng khu ô tô tại nhà máy sản xuất ô tô VinFast Hải Phòng; xây dựng hệ thống chiếu sáng tại khu công nghiệp Yên Phong - Samsung; thi công hoàn thiện nhà máy nhựa EuroPipe có tổng mức đầu tư 455 tỷ đồng tại Thái Nguyên; thi công hoàn thiện nhà máy thiết bị điện Vonta có tổng mức đầu tư 346 tỷ đồng.
Ngoài Vinadic, doanh nhân Tô Văn Năm còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tập đoàn AMACCAO, một tập đoàn đa ngành được thành lập từ năm 1995, trụ sở tại tòa nhà hỗn hợp vườn đào, ngõ 689 Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Tháng 4/2018, AMACCAO đã thực hiện tăng vốn khủng, từ mức 100 tỷ lên 1.200 tỷ đồng chỉ trong 1 lần điều chỉnh. Các cổ đông góp vốn bao gồm: Ông Tô Văn Nam góp 1.080 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ sở hữu 90%); bà Tô Anh Minh góp 108 tỷ (tỷ lệ 9%); hai cá nhân còn lại là ông Tô Văn Nhật và bà Tô Thị Đường cùng góp số tiền 6 tỷ (tương ứng tỷ lệ 0,5%).
Việc tăng mạnh vốn cho AMACCAO dường như là một trong những bước chuẩn bị về mặt tài chính, phục vụ cho những bước tiến mới của doanh nhân Tô Văn Năm, với tham vọng đưa doanh nghiệp của mình trở thành tập đoàn kinh tế - kỹ thuật phát triển bền vững tại Việt Nam.
Trên website, AMACCAO tự giới thiệu là đơn vị sở hữu hệ sinh thái gồm 21 công ty thành viên hoạt động đa ngành trong nhiều lĩnh vực thiết bị ngành điện – nước, thiết bị chính xác, dịch vụ hàng tiêu dùng, giáo dục đào tạo, vật liệu xây dựng, thi công xây dựng và đầu tư bất động sản.
Thêm vào đó, tập đoàn này còn phát triển mảng môi trường - năng lượng với các dự án như Nhà máy điện gió Tân Liên (Quảng Trị); nhà máy điện gió Hướng Lộc (Quảng Trị); 3 dự án nhà máy thủy điện tại Lai Châu là Nhà máy thủy điện Nậm Lằn, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 2, Nậm Củm 3 và đặc biệt đầu tư các dự án nhà máy điện rác như Nhà máy điện rác Xuân Sơn (Sơn Tây – Hà Nội) và Nhà máy điện rác Châu Can (Phú Xuyên - Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ