Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Nhóm My Way rút lui, bí ẩn chủ mới Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử

Theo Nhà đầu tư 11:49 28/10/2019

Các lãnh đạo My Way Group tham gia từ đầu, song nhanh chóng thoái lui khi dự án sắp sửa hoàn tất pháp lý, để nhường chỗ cho một đại gia đến từ Hà Nội...

Dấu ấn My Way

Khoảng một thập kỷ đổ lại, các địa phương, đặc biệt ở phía Bắc nở rộ phong trào đầu tư du lịch tâm linh, với mục tiêu là thu hút nguồn vốn tư nhân, lấy đây làm động lực phát triển du lịch.

Không nằm ngoài xu hướng này, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang từ lâu đã xác định phát triển vùng du lịch tâm linh Tây Yên Tử dựa trên nền tảng con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Ngày 17/5/2014, Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử được khởi công với kinh phí trên 305 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. với tổng diện tích là 13,8 ha chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy).

Để phát triển du lịch đồng bộ, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định mời gọi sự hợp tác của nguồn vốn tư nhân. CTCP Dịch vụ Tây Yên Tử ra đời tháng 7/2014, không lâu sau được giao nhiệm vụ lập Đồ án Quy hoạch Khu du lịch sinh thái và tâm linh Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, gồm các hạng mục khách sạn cao cấp, hostel, dịch vụ du lịch...

Là một dự án trọng điểm của ngành du lịch Bắc Giang, song gần như nhà đầu tư thực sự của Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử chưa từng được công khai trên các phương tiện truyền thông.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Dịch vụ Tây Yên Tử (Tây Yên Tử JSC) ban đầu có vốn điều lệ 18 tỷ đồng, gồm 6 cổ đông cá nhân là ông Lê Quốc Hưng (25%), ông Nguyễn Mạnh Hùng (25%), ông Lê Văn Luật (25%), ông Đỗ Vũ Diên (4,5%), bà Vũ Thị Tố (16%) và ông Trần Đình Lâm (4,5%).

Phần nhiều cái tên trong số này là các lãnh đạo chủ chốt trong hệ sinh thái My Way Group - một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và bất động sản tại Quảng Ninh, Hà Nội và Huế.

Trong đó, ông Lê Quốc Hưng là người đại diện theo pháp luật của CTCP My Way Huế - chủ đầu tư dự án Chợ du lịch Huế quy mô 18,23ha tại phường An Đông, TP. Huế có vốn đầu tư 948 tỷ đồng; ông Đỗ Vũ Diên là TGĐ CTCP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long - chủ đầu tư khu phức hợp Times Garden Hạ Long; ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng là cổ đông lớn của My Way Hạ Long, trong khi ông Trần Đình Lâm là Chủ tịch HĐQT CTCP My Way Việt Nam.

Đã khẳng định được cả năng lực lẫn danh tiếng, không bất ngờ khi chính quyền tỉnh Bắc Giang "chọn mặt gửi vàng", tin tưởng giao dự án "con cưng" Tây Yên Tử cho nhóm My Way.

Dù vậy, 5/6 cổ đông sáng lập của Tây Yên Tử JSC đầu tháng 2/2016 đồng loạt thoái hết vốn, còn lại duy nhất ông Đỗ Vũ Diên nắm 35% cổ phần. Chức vụ Người đại diện theo pháp luật cũng được chuyển giao sang cho ông Trần Văn Chiến.

Tuy nhiên nhóm My Way trước khi rút lui dường như đã thu xếp xong phần pháp lý của dự án. Bởi sau khi đổi chủ, dự án liên tiếp được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 theo Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 của UBND tỉnh Bắc Giang; tới ngày 24/5/2016, UBND tỉnh Bắc Giang có công văn số 1397/UBND-ĐT cho phép Tây Yên Tử JSC khảo sát lập dự án đầu tư; và chỉ 10 ngày sau, cơ quan này ngày 3/6/2016 đã có Quyết định số 831/QĐ-UBND chấp thuận quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với dự án.

Theo quy hoạch 1/500, dự án có ranh giới phía Bắc giáp ĐT293 và xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động; phía Nam giáp khu du tích danh thắng Yên Tử, TP. Uông Bí (Quảng Ninh), phía Đông giáp xã Thanh Luận và Thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động; phía Tây giáp huyện Lục Nam. Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 186,68ha, trong đó 24,5ha đất dịch vụ du lịch, 24,4ha đất nghỉ dưỡng sinh thái, 3,5ha đất khu Hostel, 6,1ha đất khu khách sạn cao cấp...Quy mô khách du lịch dự kiến đến năm 2020 khoảng 1,2 triệu người, đến năm 2025 khoảng 3 triệu người.

Chân dung chủ mới

Ngay sau sự thoái lui của nhóm My Way, Tây Yên Tử JSC tháng 5/2016 tăng mạnh vốn lên 223 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ của ông Đỗ Vũ Diên vẫn duy trì ở 35%. Trong khi đó, số cổ phần chi phối 65% còn lại thuộc về nhà đầu tư nào vẫn là điều bí ẩn. Một vài phân tích sau đây của Nhadautu.vn giúp mang tới hình dung cụ thể hơn về chủ mới của dự án tâm linh bên bờ tây dãy núi Yên Tử.

Cụ thể, Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Tây Yên Tử JSC từ năm 2016 đến nay là ông Trần Văn Chiến. Ngoài vai trò tại dự án tâm linh ở Bắc Giang, doanh nhân sinh năm 1972 hiện còn là Tổng giám đốc và cập nhật tới cuối năm 2015 nắm tới 80,56% phần vốn trong Công ty TNHH Tháp Láng Hạ - chủ đầu tư toà tháp VPBank Tower tại 89 Láng Hạ, Hà Nội.

Sau khi về tay chủ mới, dự án ngay lập tức thu xếp được nguồn vốn với nhà tài trợ tín dụng là VPBank từ giữa tháng 6/2016.

Ở chiều ngược lại, nhóm My Way không đến nỗi quá thiệt thòi khi phải nhượng lại dự án; bởi ngoài 35% cổ phần duy trì cùng lợi ích đi kèm, nhóm này còn tìm kiếm được nguồn vốn để thực hiện dự án lớn nhất của mình - Times Garden Hạ Long, khi toàn bộ dự án và cổ phần trong CTCP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long đã được "cắm" tại đối tác quen thuộc - VPBank từ tháng 5/2016.

Sau dự án Tây Yên Tử, My Way Group hiện nay được cho là đang quan tâm đến một dự án tâm linh khác.

"Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương giao cho Tập đoàn My Way triển khai dự án đầu tư phát triển khu du lịch văn hóa tâm linh tại quần thể khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại thị xã Đông Triều", TTXVN đưa tin hồi cuối tháng 5/2019.

Chưa rõ tiến độ thực hiện dự án hiện nay ra sao. Song những dấu ấn của nhóm lãnh đạo My Way tại dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tại tỉnh láng giềng Bắc Giang sẽ là một thông tin tham khảo quan trọng của chính quyền Quảng Ninh trong việc chấp thuận chủ đầu tư dự án.

Bạn đang đọc bài viết Nhóm My Way rút lui, bí ẩn chủ mới Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử tại chuyên mục Nhịp cầu kết nối. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhịp cầu kết nối