Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Trong kinh doanh quyền lực của ông Phạm Nhật Vượng lớn đến mức nào?

DTVN 16:22 30/09/2019

Là “người đến sau” trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng đã gây bất ngờ khi “vượt mặt” cả những ông lớn khác với mức định giá có thể đạt tới hơn 3 tỷ USD.

Được “kích hoạt” nhịp hồi phục trong phiên cuối tuần trước, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup sáng nay tăng khá mạnh thêm 1.100 đồng tương ứng 0,92% lên 120.900 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, vốn hoá thị trường của VIC đạt 404.523,6 tỷ đồng, vượt xa các doanh nghiệp lớn khác trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Thông tin trên thị trường sáng nay cũng hỗ trợ đáng kể cho VIC. Với việc Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore có thể đã chi ra 500 triệu USD để đổi lấy 16,26% cổ phần Công ty cổ phần phát triển thương mại và dịch vụ VCM (công ty mới được thành lập đang sở hữu 100% vốn Vincommerce, đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng Vinmart+) thì định giá đối với VCM có thể đã lên tới 3,08 tỷ USD (71.300 tỷ đồng), vượt qua nhiều “ông lớn” bán lẻ khác trên thị trường.

Đầu tháng 9, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã thông báo dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM - công ty mới được thành lập đang sở hữu 100% vốn Vincommerce, đơn vị vận hành hệ thống 113 siêu thị Vinmart và hơn 1.900 cửa hàng Vinmart+.

Trước giao dịch này, Vingroup nắm giữ 64,3% cổ phần của VCM.

Theo thông tin chúng tôi có được, GIC - thông qua công ty con Ardolis Investment - cùng chi nhánh Singapore của Credit Suisse đã mua hơn 104,66 triệu cổ phần phổ thông, tương ứng với 16,26% cổ phần của VCM. Trong đó, Ardolis nắm giữ 9,76% và Credit Suisse nắm giữ 6,5%. Ardolis Investment hiện cũng trực tiếp sở hữu 5,64% cổ phần của Masan Group.

Nếu như toàn bộ 500 triệu USD đã được giải ngân đổi lấy 16,26% cổ phần thì GIC đã định giá VCM ở mức 3,08 tỷ USD, tương đương 71.300 tỷ đồng - cao hơn 26% so với vốn hóa thị trường hiện tại của Thế giới Di động là 2,44 tỷ USD (~ 56.700 tỷ đồng) và thấp hơn một chút so với Vincom Retail, hiện đạt 3,3 tỷ USD. Hiện tại trên sàn chứng khoán có khoảng 15 doanh nghiệp có vốn hóa trên 3 tỷ USD.

Mức định giá trên là kết quả rất ấn tượng khi mà hệ thống VinMart/VinMart+ mới chỉ gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam từ cuối năm 2014 sau khi Vingroup mua lại hệ thống Ocean Mart từ Ocean Group.

Trong 5 năm qua, Vincommerce đã kết hợp cả việc tự mở mới hệ thống cũng như mua lại một loạt doanh nghiệp trong ngành như Maximark, Fivimart, Zakka hay Shop & Go để trở thành nhà bán lẻ đứng đầu về quy mô.

Sáng nay thị trường nhìn chung đã có sự bứt phá đáng kể về giá. VN-Index bật tăng 5 điểm, tương ứng 0,5% và một lần nữa đã chính thức chinh phục lại mốc 1.000 điểm, đạt 1002,84 điểm. HNX-Index cũng tăng 0,52 điểm tương ứng 0,5% lên 105,29 điểm.

Tuy vậy, thanh khoản vẫn cầm chừng với 91,24 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 1.945,24 tỷ đồng và hơn 12 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 152,83 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tăng giá. Có 288 mã tăng, 32 mã tăng trần so với 230 mã giảm và 12 mã giảm sàn.

VIC tiếp tục là mã có tác động đáng kể nhất với VN-Index khi đóng góp cho chỉ số chính tới 1,08 điểm. Bên cạnh đó, GAS cũng tác động 0,96 điểm vào mức tăng chung. Một số mã có diễn biến tăng tích cực là BVH, HDB, NVL, CTG, HVN…

Cổ phiếu ngân hàng với BID, CTG, MBB, VCB, VPB, HDB, TCB trong phiên sáng nay đều tăng giá tốt, đáng chú ý HDB tăng mạnh 1.200 đồng tương ứng 4,5% lên 27.850 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của mã này.

Chiều ngược lại, MSN, VNM, HPG, ROS giảm giá nhưng tác động của những mã này lên chỉ số chính không lớn.

Giới phân tích phần lớn đều lưu ý nhà đầu tư thận trọng với ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index, đây được cho là ngưỡng “tâm lý”.

“Có thể các nhà đầu tư lướt sóng cần chốt lời hơn là nắm giữ cổ phiếu đã tăng nóng và chờ đợi cơ hội. Về phía các nhà đầu tư trung hạn hãy quan sát các báo cáo tài chính quý 3 sắp sửa ra mắt của các công ty niêm yết để hành động kịp thời cho danh mục của mình” - chuyên gia từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - YSVN cũng cho rằng, VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần.

Độ rộng thị trường và trạng thái xu hướng tiếp tục được cải thiện tích cực, nhưng xu hướng này vẫn chưa thật sự bền vững cho nên các nhà đầu tư cũng nên hạn chế hưng phấn khi VN-Index tiệm cận mức 1.000 điểm và tránh việc mua đuổi. Đồng thời, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh cho thấy cơ hội giải ngân mới tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, SHS nhận định, nếu như VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.000 điểm trong tuần này thì đó là dấu hiệu cho sự thay đổi xu hướng từ tích lũy đi ngang để bước vào một xu hướng tăng mới của thị trường. Yếu tố thanh khoản cũng cần được tính đến trong trường hợp bứt phá khỏi ngưỡng 1.000 điểm để cho thấy xu hướng tăng nếu xảy ra có thể được duy trì.

Chi tiết trên Báo Dân trí và Tri thức trẻ.

Bạn đang đọc bài viết Trong kinh doanh quyền lực của ông Phạm Nhật Vượng lớn đến mức nào? tại chuyên mục Nhịp cầu kết nối. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhịp cầu kết nối