Được biết, phường Hàng Buồm là một trong những khu phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nằm trong những tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Chính nơi đây đã trở thành cụm di sản đô thị đặc trưng, là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của Thăng Long – Hà Nội. Cũng là nơi đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc, nét đẹp truyền thống của người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.
Vì vậy, để gìn giữ nét văn hóa, lối kiến trúc và không gian xưa trên các tuyến phố cổ Hà Nội không bị mai một, ngày 24/10/2013, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thời điểm đó là ông Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội.
Trong đó nêu rõ các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m…, mật độ xây dựng là 60% – 70%.
Mặc dù quy định là vậy, nhưng theo phản ánh của nhiều người dân sống tại phường Hàng Buồm cho biết, hiện nay trên địa bàn tồn tại nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng kể cả cũ và mới. Điều đáng nói, dường như các lực lượng chức năng đang buông lỏng quản lý để cho tình trạng vi phạm TTXD diễn biến ngày một phức tạp – như một khối u không thể xử lý dứt điểm.
Công trình số 21 Lương Ngọc Quyến đã từng gây nứt nhà dân khi thi công |
Dạo quanh các con phố trong khu vực phố cổ, thật không khó để mọi người hình dung sự thay đổi quy hoạch chóng mặt ở nơi đây. Những tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên bất chấp các quy định, chỉ đạo của các ngành, các cấp về việc bảo tồn, gìn giữ kiến trúc quy hoạch phố cổ. Trong đó, đặc biệt nhất có lẽ là địa bàn phường Hàng Buồm.
Có thể kể đến một vài công trình như: Số 21, 50 Lương Ngọc Quyến, 56 Đào Duy Từ, số 56 ngõ Phất Lộc… gần đây nhất là công trình 29 Mã Mây ngay trước mặt UBND phường Hàng Buồm nhưng vẫn để Chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng có dấu hiệu vi phạm TTXD và hiện tại công trình đang được thi công gấp rút để hoàn thiện. Đặc điểm chung của các công trình này là đều có dấu hiệu vượt tầng, sai mật độ, vi phạm nghiêm trọng quy chế Quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ do Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký trước đây.
Công trình 29 Mã Mây ngay trước UBND phường Hàng Buồm đang tiếp tục xây dựng |
Cụ thể, công trình số 21 Lương Ngọc Quyến thi công lên 4 tầng, 1 lửng, 1 tum, phần lửng được chủ đầu tư xây dựng tràn gần thành tầng, mật độ xây dựng 100%, vượt quá số tầng và chiều cao quy định.
Công trình số 56 Đào Duy Từ xây dựng vượt tầng so với quy định, hiện tại chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục xây dựng tầng 6 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Còn tại, công trình số 50 Lương Ngọc Quyến xây giật cấp lên tới 6 tầng…
Công trình số 56 Đào Duy Từ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại |
Tháng 5/2019, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản gửi 8 sở của TP, Công an TP, Thanh tra TP, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn
Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị, trách nhiệm của UBND và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.
Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. “Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm”, văn bản UBND thành phố nhấn mạnh.
Với điểm nóng vi phạm TTXD diễn ra trong nhiều năm qua tại phường Hàng Buồm, đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm, UBND TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này, tránh gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời có biện pháp xử lý trách nhiệm quản lý đối với UBND phường Hàng Buồm, người đứng đầu là Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm.
Theo Sở hữu trí tuệ