Lời tòa soạn: Trong những năm qua, nhiều hồ, đầm chứa nước không chỉ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của dân cư trong vùng mà còn tạo nên những vùng sinh thái có cảnh quan đẹp, biến khu vực đó thành những khu du lịch, khu đô thị... Các công trình hầu như có ở rất nhiều địa phương, trong đó phải kể đến các vùng nổi tiếng như hồ Thác Bà, Hoà Bình, Dầu Tiếng, Núi Cốc, Đại Lải, Thanh Lanh, Đầm Vạc và nhiều nơi khác...
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, trái quy luật, gây ra nhiều đợt mưa lớn, kéo dài, ảnh hưởng đến việc tích nước và điều tiết các hồ chứa. Đặc biệt, nhiều hồ đập có hiện tượng bị thấm, sạt lở, nứt thân đập, tràn xả lũ chưa được gia cố, dàn van...
Ngoài ra, chúng ta cũng đau xót chứng kiến nhiều hồ thủy lợi, đầm nước từng ngày bị “xẻ thịt” trong quá trình xây dựng các dự án du lịch, khu đô thị, sân golf... Điều này đã khiến cho các giá trị sinh thái, môi trường bị tác động tiêu cực và sự phát triển kinh tế - xã hội đang đi xa rời mục tiêu bền vững. Hậu quả nhãn tiền của việc “bức tử” hồ, đầm nước đã thấy, thế nhưng chính quyền địa phương dường như chậm trễ trong phát hiện và xử lý các vi phạm xảy ra. Đây quả là điều rất khó hiểu!
Trên tinh thần nghiên cứu, phân tích, qua khảo sát, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp, Ban biên tập khởi đăng tuyến bài: "Bức tử" hồ thủy lợi ở Vĩnh Phúc và nguy cơ lợi ích nhóm", với mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.
Những năm qua, tác động từ biến đổi khí hậu với diễn biến mưa lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, xâm nhập mặn... diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và dân sinh. Ước tính, gần 70% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai, ô nhiễm liên quan đến nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc biến đổi khí hậu gây ra mưa, lũ cực đoan, bất thường cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Qua thống kê, trên cả nước hiện có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ mà chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, trong đó có khoảng 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Số liệu của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa thủy lợi, tập trung trong 3 năm: năm 2017 (23 hồ), 2018 (12 hồ), 2019 (11 hồ). Gần đây nhất, ngày 28/5/2020 đã xảy ra sự cố vỡ đập hồ Đầm Thìn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Sự cố vỡ đập gây hư hỏng công trình, ngập lụt ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng nhân dân vùng hạ du.
Trước thực trạng trên, nhiều năm qua các cơ quan quản lý Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, nhấn mạnh công tác vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Gần đây nhất vào tháng 6/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn chỉ đạo tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với mưa, lũ cực đoan, bão, áp thấp nhiệt đới bảo đảm an toàn đập, hồ chứa.
Thế nhưng, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ công trình thủy lợi vẫn liên tiếp xảy ra và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Theo báo cáo của 59/63 tỉnh, thành phố tính đến ngày 31/12/2019, cả nước đã phát hiện 66.266 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó vi phạm xây dựng nhà, lều lán, chuồng trại, xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu, đào ao, trồng cây lâu năm … có 56.215 vi phạm, chiếm 84,8%.
Hình ảnh vỡ đập hồ Đầm Thìn ở tỉnh Phú Thọ và một số công trình thủy lợi trên cả nước gặp sự cố thời gian qua. (Ảnh: Internet) |
Nhìn vào con số trên, chúng ta không khỏi giật mình khi nói đến tính hiệu quả trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Liệu rằng, các cơ quan quản lý về thủy lợi và chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Trong khi pháp luật cũng quy định rõ chế tài xử lý những hành vi vi phạm về phương án bảo vệ công trình thủy lợi hay đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Cụ thể, Luật Thủy lợi năm 2017 quy định rõ về phương án bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời, Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 cũng nêu nguyên tắc quản lý an toàn đập, hồ chứa nước phải bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước và các quy định pháp luật khác.
Không thể phủ nhận rằng, nhiều hồ chứa nước vừa cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của dân cư trong vùng, vừa tạo nên những vùng sinh thái có cảnh quan đẹp, không khí trong lành, phát triển du lịch. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều hồ thủy lợi đang từng ngày bị “xẻ thịt” để xây dựng các dự án du lịch, khu đô thị, sân golf... khiến cho giá trị sinh thái, môi trường bị tác động tiêu cực và dường như việc phát triển kinh tế - xã hội ấy đang xa rời mục tiêu bền vững.
Đơn cử tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong kế hoạch phát triển, tỉnh này đặt rõ mục tiêu phát triển mạnh ngành du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách địa phương.
Trong đó, chúng ta nhận thấy khá rõ việc định hướng này gắn với khai thác tiềm năng tại khu vực các công trình thủy lợi trên địa bàn như các hồ: Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, Thanh Lanh, Xạ Hương, Đầm Vạc, Đầm Rưng, vườn cò Hải Lựu, vườn cò Đạo Trù, Đầm Sáu Vó, Đầm Cói, Đầm Diệu… Thế nhưng, quá trình đầu tư những khu vực trên đã tương xứng với tiềm năng của nơi được coi là “vùng đất vàng” và hướng theo mục tiêu phát triển bền vững hay chưa? Có lẽ, đây là câu chuyện mà người dân địa phương, nhiều chuyên gia và cả dư luận vẫn còn đang đánh giá trên nhiều khía cạnh cũng như đi tìm lời giải.
Theo số liệu thống kê, địa phương này có đến 441 hồ đập với tổng dung tích 102 triệu m3. Suốt một thời gian dài, những câu chuyện lùm xùm xung quanh việc thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực hồ thủy lợi, đầm nước khiến người dân, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Tại một số dự án, chính quyền địa phương chưa thể giải quyết dứt điểm các vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ cho người dân có đất và tài sản trên đất. Chưa hết, quá trình thực hiện dự án đã nảy sinh nhiều nghi vấn về việc doanh nghiệp đầu tư đã đổ đất san lấp và "bức tử" hồ, đầm nước hay việc thi công dự án ngoài phạm vi được giao đất...
Dưới đây là một trong số những ví dụ điển hình liên quan đến tranh cãi xung quanh câu chuyện “bức tử” hồ thủy lợi, đầm nước tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Nói đến hồ Đại Lải, có lẽ trong ký ức của nhiều người dân tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa thể quên, đây là công trình thủy lợi đầu tiên, lớn nhất của tỉnh trong suốt 60 năm qua. Vào những năm 1959, được sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định triển khai xây dựng công trình thủy nông hồ Đại Lải. Hồ Đại Lải khởi công ngày 26/10/1959 và hoàn thành ngày 25/7/1963. Công trình này nhằm giải quyết vấn đề thoát lũ, chống úng, giữ nước, chống hạn cho 5.059ha đất nông nghiệp thuộc 2 huyện Kim Anh, Bình Xuyên (nay là một số địa phương của Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội).
Theo đó, diện tích hồ Đại Lải được xác định phần mặt nước rộng 525ha, chứa 26,4 triệu m³ nước, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nông lâm nghiệp và phục vụ tưới tiêu cho khoảng 2.900 - 3.500ha đất canh tác.
Nhiều năm qua, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực hồ Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch tại đây với các dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf... Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của các doanh nghiệp đã dẫn đến hệ lụy lòng hồ bị thu hẹp và xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng hồ.
Trên thực tế, việc lấn chiếm hồ Đại Lải đã được báo chí phản ánh từ năm 2019. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, hoạt động lấn chiếm, “bức tử” hồ diễn ra rầm rộ với quy mô lớn, buộc các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải vào cuộc kiểm tra và ban hành kết luận.
Tại kết luận số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20/2/2020 (kết luận 253) của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Ngoài ra, việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới MNDBT (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Kết luận của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải.
Theo kết luận 253, có 4 doanh nghiệp trong diện kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi gồm Công ty TNHH Đại Lải (dự án Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải); Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng (dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort; Công ty TNHH Đạt Tiến (dự án Khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc; Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải (dự án Khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort).
Kết luận chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Đại Lải, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải. Đồng thời, các đơn vị này đã thực hiện nhiều hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Cụ thể, qua kiểm tra hiện trường dự án Khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc, Công ty TNHH Đạt Tiến đã đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao) từ khoảng cao trình +19,0m đến +21,7m và đã trồng cây cảnh, làm đường bằng bê tông ven hồ (theo Kết luận thanh tra hồi tháng 1/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc diện tích đất lấn chiếm là gần 15.600m2)....
Từ thực tế trên, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan, địa phương và tổ chức liên quan dừng toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải từ cao trình +23m trở xuống lòng hồ.
Đồng thời, rà soát và có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại về việc san lấp tôn nền lấn chiếm trong phạm vi lòng hồ; Xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác liên quan. Cấp, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải theo quy định của pháp luật thủy lợi;…
Đáng chú ý, liên quan đến một trong số những dự án bị "điểm mặt" trên, ngày 5/8/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang ký ban hành văn bản số 1959/QĐ-UBND, về việc đính chính Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải (chủ đầu tư Công ty TNHH Đại Lải).
Được biết, quyết định đính chính trên đưa ra căn cứ theo đề nghị của Sở Xây dựng và biên bản làm việc giữa UBND tỉnh với các Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào ngày 4/8/2020. Quyết định nêu rõ: “Đính chính thông số thiết kế cao độ san nền trong Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải tại xã Ngọc Thanh”.
Theo Quyết định 41/QĐ-UBND do ông Vũ Chí Giang ký năm 2017 tại Điều 1, Khoản 5, điểm 5.4, mục thứ nhất ghi: “San nền: Đảm bảo nguyên tắc san nền cục bộ đối với từng khu đất nhằm giữ nguyên địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa khối lượng thi công do đào đắp san nền, đồng thời có giải pháp kè chắn đất, gia cố mái dốc. Thiết kế san nền thấp nhất 17,65m tại khu vực phía Tây Nam, giáp hồ Đải Lại; cao nhất 68,90m tại khu vực đồi núi phía Đông Bắc; hướng dốc về phía Tây và phía Tây Nam khu vực lập quy hoạch để thoát ra hồ Đại Lải”. Đến nay, sau gần 4 năm, nội dung này được đính chính tại văn bản số 1959/QĐ-UBND ghi: "Nay đính chính thành: San nền… thiết kế san nền thấp nhất 21,59m tại khu vực phía Tây, giáp hồ Đại Lải…”.
Các chuyên gia về thủy lợi đánh giá, cao trình đỉnh đập hồ Đại Lải là +23m. Về nguyên tắc, phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải từ cao trình +23 trở xuống là phạm vi phải bảo vệ nghiêm ngặt, không được xâm phạm và hành vi vi phạm từ cao trình +23m trở xuống đều không được phép. Chính vì vậy, dư luận hoài nghi cơ quan quản lý tỉnh Vĩnh phúc đã thực hiện đúng các quy định pháp luật hay chưa? Liệu rằng có sự “ưu ái” cho doanh nghiệp "bức tử" hồ Đại Lải hay không?
Bàn luận về những vấn đề trên, PGS. TS. Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam) bày tỏ quan điểm: "Nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh sai phạm và tỉnh không thay đổi thì sẽ liên quan tới một số vấn đề “vận hành”. Liệu rằng, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng có thông đồng với nhau điều tiết nước trong hồ theo hướng có lợi cho các hệ thống nghỉ dưỡng, sân golf... hay không?".
Theo ông Tứ, việc điều tiết nước trong hồ đang bị ảnh hưởng, không đúng theo quy định, quy luật của hệ thống. Vị chuyên gia này cũng viện dẫn một số bài học về sự tác động tiêu cực đến môi trường như hồ Dầu Tiếng, hồ Núi Cốc bị xả nước thải, làm cho an toàn hồ đập bị ảnh hưởng khi có sự cố xảy ra...
PGS. TS. Đào Trọng Tứ cũng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng sân golf tại các dự án. Bởi trước đó, rất nhiều báo cáo tác động môi trường đã cho thấy khi xây dựng sân golf, chủ đầu tư sử dụng rất nhiều hoá chất... Và trên thực tế, có rất nhiều sân golf khi đi vào hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Được biết, sau khi có kết luận trên của Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các sở ban ngành tham mưu, đề xuất ban hành văn bản chỉ đạo để thực hiện kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.
Về việc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5740/VPCP-NN do ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm ký ngày 14/7/2020 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu liên quan đến hồ Đại Lải.
Văn bản nêu rõ, vừa qua, một số báo có phản ánh, hồ Đại Lải là công trình cung cấp nước ngọt cho Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội, đồng thời là danh thắng nổi tiếng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ một quả đồi sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại dự án sân golf Đại Lải và sân golf Heron Lake Golf Camp & Resort (Đầm Vạc), đồng thời kiểm tra xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước hàng loạt vi phạm xảy ra tại hồ Đại Lải, nhiều cử tri cho rằng, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc phải kiên quyết xử lý vi phạm và đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả, chứ không thể để các sai phạm đó tiếp tục tồn tại. Bởi vì, pháp luật đã quy định rất rõ về chế tài xử lý và nếu vụ việc không được giải quyết nghiêm, về sau sẽ còn có nhiều cá nhân, tổ chức coi thường pháp luật đồng thời cố tình gây ra vi phạm không chỉ ở hồ Đại Lải mà còn nhiều hồ, đầm nước khác.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, sau khi khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm đúng người, đúng hành vi vi phạm, thì hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho phần còn lại của dự án hoạt động theo đúng pháp luật. Từ đó, giúp thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế của địa phương cũng như của đất nước.
Nói về câu chuyện “bức tử” hồ thủy lợi ở Vĩnh Phúc cũng phải kể đến việc đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo do Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư. Được biết, dự án khu du lịch sinh thái này ôm trọn vùng đất hồ Thanh Lanh. Nhiều nhà đầu tư đánh giá, nơi đây có tiềm năng lớn để phát triển bởi khu vực này có mạng lưới giao thông đối ngoại rất thuận lợi, được gắn kết với các khu du lịch Đại Lải, Tam Đảo, sân golf Tam Đảo, Tây Thiên tạo thành chuỗi vui chơi giải trí, văn hoá, du lịch.
Theo tìm hiểu, hồ Thanh Lanh rộng khoảng 3,5km2, nằm ở phía Bắc làng Thanh Lanh (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Hồ được xây dựng năm 2000 nhằm phục vụ cho mục đích điều tiết cung cấp nước tưới tự chảy cho 1.200ha đất canh tác của các xã Trung Mỹ, Bá Hiến và Thiện Kế, góp phần chặn lũ cho vùng đồng bằng Vĩnh Yên và Phúc Yên. Nói như vậy để thấy, hồ Thanh Lanh có vai trò rất quan trọng mà bất kỳ ai cũng không thể xem nhẹ.
Vậy nhưng, người dân xã Trung Mỹ cho biết, từ cuối năm 2018, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã tiến hành thi công đổ đất, san lấp, lấn chiếm phần đất bán ngập hồ thủy lợi Thanh Lanh. Việc làm này khiến nhiều hộ dân lo ngại, bởi phần diện tích đất bán ngập vừa có vai trò làm tăng diện tích chứa nước lòng hồ, vừa đảm bảo an toàn cho hồ thủy lợi trước những sự cố thiên tai, lũ lụt bất ngờ. Bên cạnh đó, các dải bán ngập tự nhiên cũng có vai trò hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong lòng hồ... Đặc biệt, hồ Thanh Lanh còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước tưới tiêu trong và ngoài xã Trung Mỹ.
Hồ Thanh Lanh có chức năng điều tiết cung cấp nước tưới tự chảy cho 1.200ha đất canh tác của các xã Trung Mỹ, Bá Hiến và Thiện Kế, góp phần chặn lũ cho vùng đồng bằng Vĩnh Yên và Phúc Yên, nhưng bị "bủa vây" bởi biệt thự, sân golf.
Ngoài việc bức xúc tố chủ đầu tư dự án đang “bức tử” hồ Thanh Lanh, người dân còn cho rằng quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) và phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân chưa thỏa đáng. Trong số đó, có một số hộ dân đang canh tác, trồng cây trên phần đất bán ngập của hồ Thanh Lanh.
Suốt một thời gian dài, người dân xã Trung Mỹ đã phản ánh và có đơn thư gửi các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, mặc dù chính quyền địa phương rất nỗ lực vào cuộc, nhưng những vấn đề vướng mắc trong công tác GPMB thực hiện dự án vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Đại diện UBND xã Thanh Lanh cho biết, đến nay vẫn còn 3 hộ dân chưa nhận bồi thường, hỗ trợ khi bị thu hồi đất thực hiện dự án.
Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã có chỉ đạo, giao Thanh tra tỉnh tham mưu giải quyết đơn của công dân ở thôn Thanh Lanh và thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Sau khi làm việc với 13 hộ dân ở thôn Thanh Lanh và thôn Đồng Giang, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã có báo cáo số 74/BC-TTr ngày 16/8/2019 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, về đề xuất giải quyết đơn của một số công dân ở thôn Thanh Lanh và thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên.
Trong đó, có nội dung đề xuất giao Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thanh tra toàn diện dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo do Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư (thành viên tham gia Đoàn thanh tra gồm đại diện các Sở: Thanh tra tỉnh, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND huyện Bình Xuyên). Tuy nhiên, chia sẻ với PV, người dân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án cho biết, đến nay kết luận thanh tra như thế nào thì họ vẫn chưa tỏ tường.
Đến nay, người dân địa phương vẫn đang băn khoăn về các cơ sở pháp lý để chủ đầu tư thi công xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo. Các tài liệu cho thấy, năm 2004, Doanh nghiệp tư nhân máy, thiết bị Chính Tâm (Doanh nghiệp Chính Tâm) được giao làm chủ đầu tư dự án Khu vui chơi, du lịch sinh thái hồ Thanh Lanh, Suối Tiên, Thác Ba. Đến năm 2007, dự án được đổi tên thành Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo. Chủ đầu tư thực hiện được đổi từ Doanh nghiệp tư nhân máy, thiết bị Chính Tâm thành Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo. Như vậy, trải qua 16 năm thăng trầm và được “thay tên, đổi họ”, nhưng dự án trên vẫn chưa thể hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Điều đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo cũng đã nhiều lần được chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc điều chỉnh theo hướng tăng quy mô, diện tích. Cụ thể, tại Quyết định số 4999/QĐ-UB ngày 27/12/2004 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa ký, về việc thu hồi và tạm giao đất cho Doanh nghiệp Chính Tâm thì diện tích đất thu hồi và tạm giao cho doanh nghiệp là 155,8ha.
Đến ngày 25/12/2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 3950/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thời điểm đó là ông Trần Ngọc Ái ký, về việc Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vui chơi du lịch sinh thái Nam Tam Đảo (tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên) của Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo. Theo Quyết định số 3950/QĐ-UBND, phạm vi nghiên cứu quy hoạch dự án từ 155,8ha (theo Quyết định số 4999/QĐ-UB) đã tăng lên thành 335,2ha.
Trong đó, diện tích mặt hồ 120ha, khu đất phục vụ du lịch 155,8ha và vùng đệm ven hồ từ cốt +80m trở xuống đến mặt hồ là khoảng 64,7ha. Quyết định này cũng nêu rõ, đối với vùng đệm ven hồ, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, nghiên cứu sử dụng bố trí xây dựng hợp lý các sân golf, trồng hoa, cây có bóng mát để phục vụ nhân dân đi dạo, kết hợp bố trí xây dựng một số quầy trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm, làng nghề truyền thống… đảm bảo giữ gìn và khai thác tốt cảnh quan vùng đệm này để tôn tạo cảnh quan chung của mặt hồ.
Dựa vào căn cứ trên, đến ngày 4/6/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1519/QĐ-UB do Phó Chủ tịch Vũ Chí Giang ký, về việc điều chỉnh chỉ giới giao đất (giai đoạn 1) theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3950/QĐ-UBND ngày 25/12/2007 cho Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo thực hiện dự án… Tại quyết định này, diện tích đất được giao giai đoạn 1 là khoảng 125,4/155,8ha. Trong đó không có diện tích mặt hồ (120ha) và diện tích vùng đệm của hồ (64,7ha).
Trong quá trình tìm hiểu, trao đổi với PV, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đều khẳng định, căn cứ giao đất và bàn giao mốc giới trên thực địa để chủ đầu tư thực hiện dự án dựa vào Quyết định 1519/QĐ-UB ngày 4/6/2014. Vậy, việc Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo thi công dự án trên phạm vi vùng bán ngập của hồ Thanh Lanh là đúng hay sai?
Liên quan đến nội dung này, trước đó, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có buổi làm việc với UBND huyện Bình Xuyên. Sau cuộc họp, UBND tỉnh đã ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch tỉnh, theo đó Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo chỉ được phép triển khai dự án trong phạm vi từ cốt +80m trở lên. Đối với các mốc giới được giao nằm dưới cốt +80m, công ty phối hợp với các sở, ban ngành đề xuất điều chỉnh khỏi phạm vi vùng phụ cận lòng hồ Thanh Lanh.
Tuy nhiên, theo phản ánh, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã tiến hành thi công, san gạt đổ đất xuống vùng bán ngập hồ Thanh Lanh. Tại biên bản làm việc, kiểm tra hiện trạng dự án vào ngày 20/7/2019 khẳng định: “Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo có san lấp một phần diện tích xuống vùng bán ngập tại vị trí từ 113 đến 110, với diện tích khoảng 1,32ha”.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong một văn bản trả lời đơn thư của công dân, UBND huyện Bình Xuyên đã xác nhận, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã đổ đất lên một vị trí (diện tích khoảng 1,32ha) nằm ngoài phạm vi dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo và thuộc vùng phụ cận lòng hồ Thanh Lanh do Công ty TNHH MTV Tam Đảo quản lý.
Theo ghi nhận của PV, hiện trạng Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã đổ đất, san lấp một khối lượng lớn mặt bằng. Theo quy hoạch sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan được phê duyệt, diện tích đất xây dựng biệt thự 2 tầng nhà Việt cổ rộng 22,1ha và đất xây dựng nhiều hạng mục khác như thể thao, vui chơi giải trí (trong đó có sân golf), dịch vụ công cộng, giao thông, công viên cây xanh trồng rừng,... Một số hạng mục công trình xây dựng đã được chủ đầu tư thi công. Trong khi đó, nhiều trường hợp người dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án vẫn đang mòn mỏi chờ các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp.
Những ngày qua, người dân ở thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp triển khai dự án lấn các hồ lân cận khiến diện tích mặt nước ngày càng bị thu nhỏ và phá vỡ cảnh quan môi trường sinh thái. Trong số đó có dự án Khu đô thị Bắc Đầm Vạc do Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia đầu tư.
Hồ sơ cho thấy, ngày 23/6/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 2012/QĐ-UBND, chấp thuận cho Công ty Cổ phần Sông Hồng Thủ đô đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc. Đến ngày 16/12/2009, UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 4444/QĐ-UBND, đồng ý chuyển chủ đầu tư thành Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia.
Theo quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc vào ngày 26/12/2019, đất nhà ở có tổng diện tích là hơn 20,4ha, với 2.328 căn nhà và khu cao tầng (cao tối đa 25 tầng). Trong đó có các hạng mục: Đất nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (2,8ha, gồm 246 căn); nhà ở liền kề (4,24ha, 406 căn); biệt thự song lập (3,98ha, 183 căn); biệt thự đơn lập (8,1 ha, 249 căn); nhà ở hỗn hợp cao tầng (1,3 ha, dự kiến 2 tòa có 1.244 căn hộ). Ngoài ra, quyết định trên cũng thể hiện diện tích đất khu khách sạn (resort) là hơn 4,6ha.
Căn cứ các quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc được hai lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Theo đó, dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ngày 29/7/2010, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (lần 1) vào ngày 21/12/2016 và lần 2 ngày 30/6/2020.
Theo quy mô và tính chất quy hoạch thì ngay từ ban đầu, Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc được xác định sẽ là trung tâm dịch vụ công cộng và nhà ở đô thị, không gian cây xanh, mặt nước phía Bắc Đầm Vạc, phục vụ nhu cầu nhà ở, dịch vụ thương mại và sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, đất công trình công cộng, dịch vụ (rộng hơn 4,93ha) gồm các hạng mục: Công trình dịch vụ thương mại, trường học, y tế, nhà văn hóa, khu khách sạn trung tâm tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, chưa biết đến thời điểm nào chủ đầu tư mới hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào sử dụng theo tiến độ được phê duyệt.
Một chi tiết đặc biệt khác, trong các quyết định chấp thuận đầu tư dự án và phê duyệt quy hoạch chi tiết (bao gồm cả quyết định điều chỉnh) thì dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc không bố trí quỹ đất nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trước đó tại Quyết định số 3040/QĐ-UBND ngày 4/10/2005, về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc có bố trí quỹ đất nhà ở xã hội.
Sau đó, diện tích nhà ở xã hội này lại được UBND tỉnh cho điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và giao cho UBND phường Đống Đa thực hiện dự án khu đất dịch vụ phường Đống Đa (TP. Vĩnh Yên). Vị trí khu đất này nằm ngoài đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định 2099/QĐ-UBND ngày 29/7/2010. Chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 không bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc việc này đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Cũng theo phản ánh của người dân phường Đống Đa (TP. Vĩnh Yên), Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia đang thi công đổ đất trên một phần đất mặt nước, nơi đây được cho là hồ Bờ Trang (một phần của Đầm Vạc)? Ngoài ra, nhiều phần diện tích đất nông nghiệp người dân chưa nhận tiền đền bù, chưa bàn giao mặt bằng, nhưng đã bị chủ đầu tư san lấp.
Bà Đỗ Thị T (xóm Mới, phường Đống Đa, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, gia đình bà là chủ sở hữu hợp pháp của một thửa đất nông nghiệp rộng 3 sào Bắc bộ (1.080m2) tại xứ đồng Gò, phường Đống Đa. Năm 2017, Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia tiến hành chi trả bồi thường cho những hộ có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, theo bà T, do mức chi trả bồi thường quá thấp, không đạt được thoả thuận với Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia, nên việc chi trả bồi thường cho gia đình bà chưa hoàn thành và công ty tự ý thi công.
Được biết, tháng 1/2020, chủ đầu tư đã được tỉnh Vĩnh Phúc giao hơn 47,8ha đất để triển khai thi công dự án. Ghi nhận tại công trường, hàng chục máy xúc, máy ủi đang tập kết thi công, san lấp tạo mặt bằng. Người dân cho biết, Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc thi công được gần năm nay, một số hạng mục đã được đầu tư xây dựng. Theo tìm hiểu, chủ đầu tư được phép chuyển nhượng 769 ô đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch được duyệt, còn các lô đất nằm dọc theo trục trung tâm dự án và cũng là trục cảnh quan chính của Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc thì chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng.
Dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ngày 29/7/2010, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (lần 1) vào ngày 21/12/2016 và lần 2 ngày 30/6/2020. Hiện, chủ đầu tư đang thi công san lấp và làm hạ tầng.
Trao đổi với PV, ông Tạ Đức Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia cho biết, công ty đã được giao đất (giai đoạn 1) và tiến hành thi công dự án. Ông Cường cũng xác nhận công ty đã tiến hành đổ đất, san lấp một phần đất mặt nước. Thế nhưng, ông Cường khẳng định, đây không phải Đầm Vạc mà là diện tích đất canh tác trước đây của người dân địa phương. Sau đó, chủ đầu tư được giao đất khi đã hoàn thành công tác bồi thường cho người dân.
Ngoài ra, ông Cường cũng xác nhận, hiện dự án đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, có hai hộ chưa nhận tiền bồi thường và hiện vẫn đang có ý kiến phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Đối chiếu các quy trình thực hiện dự án, ở đây vai trò của chính quyền địa phương (UBND TP. Vĩnh Yên và UBND phường Đống Đa) cần được thể hiện rõ, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi. Từ đó, Nhà nước có quỹ đất sạch và bàn giao cho chủ đầu tư thi công dự án theo đúng tiến độ, đặc biệt là những vị trí lô đất mà chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ theo quy hoạch. Tránh trường hợp vì chưa giải phóng được mặt bằng, dẫn đến việc chủ đầu tư “bỏ quên” trách nhiệm xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội như tại một số dự án khu đô thị khác trên cả nước.
Theo quy định pháp luật, việc san lấp hồ để xây dựng nhà để bán hay vì bất cứ mục đích gì là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng. Việc các chủ đầu tư ngang nhiên san lấp hồ còn là hành vi thách thức pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước cần phải xử lý thật nghiêm.
Phải khẳng định rằng, hồ thủy lợi, đầm nước không những là nơi vui chơi, giải trí nghỉ ngơi rất ý nghĩa của cộng đồng mà còn là công trình thuỷ lợi chống lũ, điều tiết nước và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì thế, hành vi san lấp hồ, đầm nếu chỉ để phục vụ lợi ích của một nhóm người bất chấp lợi ích cộng đồng là không thể chấp nhận được.
Trao đổi về vấn đề này, KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển Việt Nam cho rằng, với các hồ đầm thuỷ lợi, thuỷ điện dù là thiên nhiên hay nhân tạo, với chức năng chính là giữ nước, chứa nước hay điều tiết nước phục vụ tưới tiêu phát triển nông nghiệp, năng lượng... đều có các quy định của pháp luật để bảo vệ và khai thác hiệu quả tính năng kỹ thuật của chúng.
Việc một số dự án gần đây san lấp lòng hồ, đầm để phát triển du lịch đã can thiệp quá mạnh vào môi trường, bất chấp quy hoạch tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là vi phạm pháp luật, không phù hợp với phát triển bền vững, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan. Lưu ý rằng, bản quy hoạch này cũng phải đảm bảo tính khoa học và sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ các giá trị sinh thái, môi trường và phát triển bền vững.
Bàn luận về một số phản ánh của báo chí liên quan đến công tác quản lý hồ thủy lợi, đầm chứa nước tại tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, PGS. TS. Đào Trọng Tứ cũng cho rằng: “Hiện nay có Luật Thuỷ lợi là hành lang bảo vệ và nghiêm cấm những công trình làm ảnh hưởng tới chức năng của hồ thuỷ lợi. Tại sao tỉnh Vĩnh Phúc lại cho phép thực hiện các dự án ở đây? Tôi thấy hơi lạ!”.
Tại Điều 8 - Các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thuỷ lợi của Luật Thuỷ lợi năm 2017 có quy định: Xây dựng công trình thuỷ lợi không đúng quy hoạch; Ngăn, lấp, đào, nạo vét,... trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thuỷ lợi; Lấn chiếm, sử đụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi; Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật này.
Theo PGS. TS. Tứ, luật quy định cụ thể, chi tiết như vậy nhưng không hiểu vì lý do gì tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chấp thuận chủ trương cấp phép cho các doanh nghiệp thực hiện việc lấp hồ xây dựng khu đô thị, khu du lịch, sân golf.
“Đối với tôi, câu chuyện quan trọng nhất là câu chuyện vi phạm luật pháp. Vì chúng tôi đã đưa ra rất nhiều khuyến cáo, nhưng nhiều khi các đơn vị phớt lờ ý kiến và cố tình vi phạm. Do vậy, tỉnh cần phải xem lại luật. Và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải rất cẩn thận trong câu chuyện lấp hồ. Vì đây là một tài nguyên, có thể kết hợp với du lịch, nhưng nó phải ở trong khuôn khổ cho phép, sử dụng ở một mức nhất định chứ không phải làm tràn lan, phá vỡ quy hoạch, chức năng của hồ”, PGS. TS. Đào Trọng Tứ đánh giá.
Vị chuyên gia này bày tỏ nghi vấn rằng khi thực hiện các dự án này thì chủ đầu tư cũng như tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay chưa? “Theo luật, những công trình này ngoài mục đích điều hoà, cung cấp nước tưới tiêu thì nó còn góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước, nên họ phải có ý kiến của Bộ”, PGS. TS. Tứ khẳng định.
Trên đây chỉ là một vài dự án đầu tư xây dựng tại khu vực hồ thủy lợi, đầm nước tại tỉnh Vĩnh Phúc. Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh này còn nhiều dự án tương tự đang trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư, lập quy hoạch, trình thẩm định dự án cũng như chuẩn bị đầu tư xây dựng. Thậm chí, có những dự án được lập tại khu vực hồ thủy lợi mà có thời điểm bị xuống cấp, tỷ lệ thấm nước ở mức độ nguy hiểm, trong thân đập có nhiều lỗ rỗng, khe nứt tạo thành dòng chảy, nguy cơ vỡ đập rất cao và sau đó đã được khắc phục...
Có thể kể đến một số dự án đầu tư tại địa điểm khác ở tỉnh Vĩnh Phúc như: Hồ Xạ Hương (dự án Khu du lịch sinh thái, thể thao và nuôi trồng thủy sản Hồ Xạ Hương), hồ Làng Hà (dự án Khu du lịch vui chơi giải trí phức hợp tại hồ Làng Hà)... Đáng chú ý, năm 2016, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu B1 tỷ lệ 1/2000, phát triển đô thị du lịch khu vực xung quanh hồ điều hòa thuộc huyện Bình Xuyên, TP. Vĩnh Yên và huyện Yên Lạc, với quy mô lập quy hoạch 3.083,11ha.
Thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng, thi công dự án ở khu vực hồ thủy lợi, đầm chứa nước. Theo chuyên gia, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phải làm sáng tỏ những nghi vấn doanh nghiệp thi công dự án đã lấn chiếm, lấp hồ thủy lợi.
Theo PGS. TS. Đào Trọng Tứ, trách nhiệm của việc này thuộc về các cơ quan Nhà nước, những đơn vị có hệ thống thanh tra, kiểm tra. “Người dân xây dựng lấn ra ngoài một chút thì đã có thanh tra kéo đến, trong khi những câu chuyện vi phạm lớn như vậy lại không biết. Phải đặt nghi vấn và làm rõ về điều này. Việc thực thi pháp luật ở Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề. Luật có thể rất chặt chẽ nhưng người thi hành và thực thi, kiểm tra đối với luật pháp lại không làm đúng. Đôi khi vì lợi ích kinh tế, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, chỉ cần điều đó có khả năng làm được”, ông Tứ nhận định.
Trên thực tế, sau những lùm xùm xung quanh câu chuyện nhà đầu tư “bức tử” hồ thủy lợi, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã vào cuộc kiểm tra và đưa ra những biện pháp để giải quyết. Thế nhưng, một số dự án có tồn tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và làm sáng tỏ câu chuyện có hay không việc doanh nghiệp “bức tử”, “xẻ thịt” hồ thủy lợi, đầm nước. Đồng thời, với những sai phạm đã được chỉ ra, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc một cách rốt ráo và đưa ra giải pháp, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành.
Chia sẻ về vấn đề này, KTS. Trương Văn Quảng đưa ra 5 giải pháp nhằm ngăn chặn và khắc phục tình trạng “bức tử” hồ thủy lợi, cũng như nâng cao vai trò của cơ quan quản lý địa phương. Trước hết, nhất thiết phải có quy hoạch tổng thể với cách tiếp cận đa ngành để giải quyết bài toán lợi ích cho các chủ thể có liên quan. Thứ hai, không can thiệp quá mạnh, quá thô bạo vào thiên nhiên, diện tích ven hồ, mặt nước. Thứ ba, tôn trọng các chức năng, tính chất cốt lõi của hồ, đầm được pháp luật quy định. Thứ tư, tăng cường công tác thanh kiểm tra, trong đó có vai trò của cộng đồng. Thứ năm, chính quyền địa phương các cấp nói không với cơ chế “Xin - Cho” hay “Nhiệm kỳ”.
Trước một số nội dung phản ánh của báo chí về công tác quản lý hồ thủy lợi, đầm chứa nước và việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan trong quá trình triển khai dự án của chủ đầu tư, hiện đã có nhiều đoàn thanh kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc.
Thiết nghĩ, các cơ quan trên cần nhanh chóng xác minh, làm sáng tỏ những nghi vấn liên quan việc “xẻ thịt” hồ thủy lợi, đầm chứa nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp có liên quan đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện để những đơn vị này đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao nhất.