|
Các bị cáo chưa kịp đem thuốc giả đi tiêu thụ đã bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Trong vụ Công ty Cổ phần VN Pharma (viết tắt là Công ty VN Pharma) buôn bán thuốc chữa bệnh ung thư giả, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma); Võ Mạnh Cường (sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C) và 10 đồng phạm sắp bị đưa ra xét xử về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" theo quy định tại Điều 157 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Các cơ quan tố tụng xác định, sau khi nhập khẩu trót lọt lô thuốc giả làm thuốc chuyên chữa các bệnh ung thư vú, ung thư đại trực tràng vào Việt Nam, các bị cáo chưa kịp đem đi tiêu thụ đã bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Việc bị phát hiện, ngăn chặn là ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh."
Chữa ung thư bằng thuốc “không sử dụng để chữa bệnh cho người”
Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến ngày 19/9/2014, Nguyễn Minh Hùng đặt mua của Võ Mạnh Cường thuốc H-Capita 500mg Caplet (viết tắt là thuốc H-Capita) chứa hoạt chất Capecitabine, dùng để chữa các bệnh ung thư vú, ung thư đại trực tràng mang nhãn mác Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canada (viết tắt là Công ty Helix Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam với giá 0,9 USD/viên.
Do thuốc H-Capita chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên cần phải có hồ sơ pháp lý nộp cho Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, để thẩm định, cấp phép nhập khẩu (cấp quota).
Để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu, các bị cáo trong vụ án đã làm giả các tài liệu, sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả, gồm giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada giả, đóng dấu giả hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada; đóng dấu Công ty Helix Canada giả vào hồ sơ để đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu thuốc; làm giả hợp đồng mua bán, các phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hong Kong và các chứng từ giả để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam với mục đích bán kiếm lời (thực tế đã nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita).
Căn cứ Điều 2 Luật Dược năm 2005, Nghị định số 08 ngày 10/01/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, Nghị định số 185 ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tài liệu điều tra, các cơ quan tố tụng có đủ căn cứ kết luận toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita giả về nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất, giả về chất lượng (không sử dụng để chữa bệnh cho người).
Về chất lượng của lô thuốc H-Capita, Kết luận giám định số 31 ngày 22/4/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế đã kết luận: “Lô thuốc có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg Caplet có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người."
Kết luận điều tra xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên lĩnh vực dược phẩm, y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Các bị cáo trong vụ án phần lớn là những người làm việc, hành nghề trên lĩnh vực buôn bán nhập khẩu thuốc chữa bệnh có nhận thức, hiểu biết trên lĩnh vực này nhưng đã lợi dụng pháp nhân là công ty kinh doanh dược phẩm, thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi để buôn bán, nhập khẩu thuốc chữa bệnh giả nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng về Việt Nam với mục đích tiêu thụ để kiếm lời. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trên cả lĩnh vực kinh tế và y tế, đe dọa sức khỏe, tính mạng người bệnh khi sử dụng thuốc giả nguồn gốc, kém chất lượng.
Để đạt mục đích phạm tội, các bị cáo đã thực hiện một loạt các hành vi gian dối để nhập khẩu trót lọt lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, khi mới nhập thuốc về Việt Nam, Cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nên chưa tiêu thụ được. Việc bị phát hiện, ngăn chặn là ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo. Sau khi vụ án bị khởi tố, các bị cáo đã tìm cách đối phó, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra. Vì vậy, theo Cơ quan điều tra, cần phải xử lý nghiêm các bị cáo theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 12 bị can trong vụ án này về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo quy định tại Điều 157, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
|
Sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP-WHO. (Ảnh: TTXVN) |
VN Pharma bị thiệt hại hơn 6 tỷ đồng
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, trị giá lô thuốc chỉ là hơn 5 tỷ đồng. Các bị cáo đã nâng khống thêm giá mua là gần 7 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị lô thuốc sau khi bị nâng khống thêm là hơn 12 tỷ đồng. Số tiền nâng giá thuốc (gần 7 tỷ đồng) này được chuyển vào hai tài khoản dịch vụ chuyển tiền ở nước ngoài. Sau đó, các bị cáo nhận lại tiền tại Việt Nam.
Viện Kiểm sát xác định đây là khoản thu lợi bất chính của các bị cáo ngay trong giai đoạn mua thuốc, bởi khi nhập khẩu các bị can đã khai báo giá thuốc nhập khẩu là 75 USD/hộp (trong khi giá thực tế chỉ là 27 USD/hộp) và nộp thuế nhập khẩu theo giá này; đồng thời kết quả đấu thầu lô thuốc cung cấp vào các bệnh viện có giá là 31.000 đồng/viên (chênh lệch 12.000 đồng/viên so với giá mua thực tế). Các bị cáo đã dùng thủ đoạn kê khai giá thuốc nhập khẩu cao và nộp thuế nhập khẩu ở mức cao để khép kín quy trình hợp thức hóa việc bán thuốc giả tại Việt Nam với giá cao.
Toàn bộ lô thuốc H-Capita nêu trên sau khi nhập khẩu vào Việt Nam đã bị phát hiện, thu giữ nên thiệt hại thực tế của Công ty VN Pharma là hơn 6 tỷ đồng (tiền chi thực tế và tiền thuế nhập khẩu). Công ty VN Pharma yêu cầu xử lý theo quy định pháp luật.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã xác định hồ sơ vụ án đủ tài liệu, đủ căn cứ xác định các bị can trong vụ án đã đồng phạm thực hiện hành vi buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita giả, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can đã gây thiệt hại cho VN Pharma số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Đối chiếu theo quy định của pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định truy tố 12 bị can này về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo quy định tại Điều 157, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999./.