Số liệu này cho thấy, dịch Covid-19 đã làm cho nền kinh tế Australia phải hứng chịu những khó khăn kinh tế lớn chưa từng có kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến nay.
Trước đó, số liệu thống kê trong quý I/2020 cũng cho thấy, nền kinh tế Australia giảm 0,3%. Việc chỉ số GDP giảm 2 quý liên tiếp khiến cho nền kinh tế Australia chính thức rơi vào suy thoái sau gần 3 thập kỷ tăng trưởng liên tục.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc nền kinh tế sụt giảm 7% trong quý II là do tiêu dùng hộ gia đình giảm 12,1% vì người dân hạn chế ra ngoài đường và gặp mặt trong khi nhiều cơ sở dịch vụ phải đóng cửa.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho lĩnh vực dịch vụ cũng giảm 17,6%, đặc biệt trong các dịch vụ giao thông, khách sạn, quán cafe và nhà hàng. Đầu tư của các doanh nghiệp cũng giảm 6,5%.
|
Về thương mại, nhập khẩu hàng hóa đã giảm 2,4%, trong khi xuất khẩu dịch vụ giảm 18,4%.
Trong khi đó, chi tiêu của Chính phủ Australia lại tăng 2,9%, đầu tư cũng tăng 1%.
Thời gian qua, Chính phủ Australia đã chi hàng chục tỷ USD để giảm thiểu tác động kinh tế tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra.
Tháng 7 vừa qua, chính phủ dự báo kinh tế Australia sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 3 khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, việc đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia, có thể cản trở việc phục hồi.
"Chúng tôi đã làm mọi thứ để giảm bớt tác động của COVID-19 tới cộng đồng. Ưu tiên của chúng tôi đã và sẽ tiếp tục là cứu sống, đảm bảo rằng hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Australia có đủ năng lực xét nghiệm, theo dõi, điều trị các trường hợp nhiễm bệnh", Bộ trưởng Tài chính Australia, Josh Frydenberg cho biết.
Suy thoái là một bước ngoặt với nền kinh tế Australia sau 29 năm tăng trưởng. Đại dịch đã làm tê liệt nhiều cường quốc trên thế giới. Nửa đầu năm, các nền kinh tế phát triển hàng đầu như Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ đều chứng kiến sự suy giảm đáng kể.
Hà Linh (T/H)/SHTT