'Khủng hoảng kép' khắc nghiệt đến thế nào?

DTVN 19:31 17/04/2020

Các khoản nợ phát sinh từ những gói kích thích kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới có thể đẩy một quốc gia rơi vào tình cảnh suy thoái kép

Các Chính phủ đồng tình rằng những khoản chi tiêu này là cần thiết để hỗ trợ các nền kinh tế. Tuy nhiên, theo thời gian, những khoản nợ bắt nguồn từ những gói kích thích này có thể khiến khủng hoảng trở nên sâu sắc hơn, thậm chí là một cuộc khủng hoảng kép ở một số quốc gia. Chúng ta vẫn cần phải công nhận một sự thật đau lòng: đây là khởi đầu của một chuỗi những khủng hoảng nối tiếp sắp ập đến sẽ gây ra những con sóng liên tiếp tấn công mọi ngõ ngách trên thế giới này.

Chống chọi với cơn bão Covid

Bất kể những nỗ lực của các ngân hàng trung ương và nhiều tổ chức tài chính lớn trong việc xoa dịu "nỗi đau" gây ra bởi Covid-19, thị trường tài chính ở các nền kinh tế phát triển đều đứng trước nguy cơ sụp đổ và dòng vốn tháo chạy mạnh chưa từng thấy tại các thị trường mới nổi. Nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái mạnh đã hoàn toàn hiện hữu chứ không còn là dấu hiệu nữa. Và câu hỏi khiến các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách đau đầu lúc này là cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu và mức độ nghiêm trọng như thế nào?

Cho đến khi cả thế giới nhận thức được mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và tầm quan trọng của sức khoẻ con người đối với nền kinh tế, thì ngay cả các nhà kinh tế học hàng đầu thế giới cũng không đưa ra được dự báo cho kết quả của cuộc khủng hoảng này. Bên cạnh sự hoang mang của giới khoa học về những diễn biến khó lường của con virus chết người là sự hoang mang của các nhà kinh tế học, nhà xã hội học và cả nhà hoạch định chính sách. Họ đều có chung một câu hỏi: "Dịch bệnh này sẽ đi đến đâu và chúng ta nên làm gì trong những tháng tiếp theo?".

Những ngày qua dường như cả thế giới có chung một cảm giác: Chúng ta đang bị xâm lược bởi người ngoài hành tinh. Tất nhiên, đến cuối cùng, con người vẫn sẽ chiến thắng dịch bệnh chứ không để trái đất này bị xâm chiếm bởi những người ngoài hành tinh. Nhưng liệu cái giá phải trả cho chiến thắng này là bao nhiêu?

Hiện nay, chúng ta đều hi vọng rằng thị trường sẽ phục hồi nhanh chóng, ít nhất từ quý IV năm 2020 trở đi. Nhiều nhà bình luận đã nhìn tấm gương của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh để khích lệ phần còn lại của thế giới. Nhưng liệu đó có phải là viễn cảnh tươi sáng và khả thi?

Virut chưa bị tiêu diệt "khủng hoảng nợ" kéo đến

Cuối tháng 3, Economist Intelligence Unit (EIU) cảnh báo rằng: "Cuộc khủng hoảng nợ có thể sắp diễn ra. Hiện tại, các chính phủ đang tăng cường chi tiêu tài khóa để chống dịch bệnh, duy trì những cấu trúc kinh tế cơ bản và giữ cho người lao động có việc làm. Chính vì vậy, thâm hụt tài khóa trong những năm tới sẽ tăng mạnh".

Ngay từ đầu tháng Giêng, trước khi bất cứ quốc gia nào áp đặt các biện pháp cứu trợ nền kinh tế trước những tác động của Covid-19, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu mới. WB mô tả làn sóng tích lũy nợ hiện tại, vốn bắt đầu từ năm 2010, sẽ tăng nhanh, mạnh và rộng nhất đối với nợ toàn cầu kể từ những năm 1970.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, trong nửa đầu năm 2019, nợ toàn cầu tăng 7,5 nghìn tỷ USD, đạt mức kỷ lục với 250.000 tỷ USD. Nợ không có dấu hiệu chậm lại vào tới hết năm 2019, nợ toàn cầu sẽ vượt quá 255.000 tỷ USD, chủ yếu do Mỹ và Trung Quốc. Dự báo này được đưa ra khi Covid-19 còn chưa bị coi là đại dịch toàn cầu với số nạn nhân chỉ 2 con số.

Hiện tại, các dự án của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng kinh tế toàn cầu trong năm nay rất có khả năng phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Suy Thoái những năm 1930. Việc các chính phủ trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa và đóng cửa hầu hết các nhà máy, dịch vụ kinh doanh để ngăn virus lây lan tác động sâu rộng tới nền kinh tế.

Trong báo cáo mới nhất, IMF nói rằng GDP toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, ngược với suy đoán tăng trưởng 3,3% được chính tổ chức này đưa ra vào tháng 1/2020. Nhấn mạnh sự nghiêm trọng của vấn đề, bà Kristalina Georgieva, giám đốc IMF, nói rằng: "Hiện tại, một nửa thế giới đã yêu cầu IMF đưa ra các gói cứu trợ".

Trong khi đó, những áp lực chưa từng có về mọi mặt cũng như sự không chắc chắn về thời điểm thế giới có thể ngăn chặn dịch bệnh khiến những lựa chọn của các quốc gia ngày càng nghèo nàn. Chính sách thắt lưng buộc bụng, vốn được sử dụng trong quá khứ để giảm thâm hụt ngân sách, dường như sẽ chẳng có tác dụng gì trong bối cảnh lần này.

Hiện tại, khủng hoảng nợ của các quốc gia, điều được coi là nghiêm trọng hơn với các nền kinh tế. Khủng hoảng Covid-19 có thể khiến các nước gắng gượng nhưng khủng hoảng nợ sẽ là đòn đánh hạ gục.

Giải pháp giảm bớt thiệt hại

Theo cafef kiểm soát thị trường bằng thanh khoản, như đã được thực hiện trong năm 2008, sẽ không giải quyết vấn đề hiện tại. Các thị trường giờ đã tràn ngập tiền mặt, và như đã được chứng minh một lần nữa vào đầu tháng 3, việc cắt giảm lãi suất không còn kích thích tăng trưởng được nữa. Điều cần thiết bây giờ là các nhà lãnh đạo phải tập trung vào các thách thức trong nước và tìm cách hợp tác quốc tế - thay vì xung đột với các quốc gia khác

Có nhiều việc cần phải làm ngay lập tức. Các ngân hàng, được hỗ trợ bởi các chính phủ, nên cung cấp các khoản vay chiết khấu và hoãn thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản vì thiếu nguồn cung hoặc thiếu khách hàng, cũng có thể là do các chủ nợ thanh toán chậm.

Thế giới cũng cần phản ứng kinh tế một cách đồng lòng. Nhiều chính phủ đang phải oằn mình chống chọi dưới sự căng thẳng của đại dịch, đòi hỏi phải có hỗ trợ tài chính để ngăn chặn khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, cũng như khủng hoảng tài chính.

Tiếc thay, đạt được điều này trong môi trường hiện tại dường như là không thể. Bởi các nước giàu không chỉ rơi vào khủng hoảng tài chính và tiền tệ mà còn mất ý chí chính trị để hợp tác. Họ bị mắc kẹt trong một chu kỳ tăng trưởng trì trệ và nợ nần, trì hoãn các khoản đầu tư cần thiết của việc quản lý rủi ro và cơ sở hạ tầng.

Căng thẳng chính trị làm suy yếu ý chí hợp tác. Phá vỡ nó là thách thức lớn nhất của chúng ta, điều đó không dễ dàng. Nhưng, cũng là rất cần thiết nếu để giảm thiểu thiệt hại của cuộc khủng hoảng hiện tại và ngăn chặn các mối đe dọa nguy hiểm hơn trong tương lai, như biến đổi khí hậu, xung đột và đại dịch.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/khung-hoang-kep-khac-nghiet-den-the-nao-d73832.html

Bạn đang đọc bài viết 'Khủng hoảng kép' khắc nghiệt đến thế nào? tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế
Tin tức mới nhất