Vaccine này có tên INO-4800, được tài trợ bởi Quỹ Bill và Melinda Gates và Liên minh đổi mới phòng chống dịch bệnh. Quá trình nghiên cứu vaccine được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Viện Philadelphia Wistar. Đây là vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng thứ hai tại Mỹ được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép để thử nghiệm lâm sàng. Thông tin được công bố ngày 6/4.
Trong giai đoạn 1, vaccine INO-4800 sẽ được thử nghiệm trên 40 người trưởng thành khỏe mạnh trong tuần này tại hai địa điểm: Trường Đại học Pennsylvania ở Philadelphia và Trung tâm Nghiên cứu Dược phẩm ở thành phố Kansas, Missouri.
Khác với các loại vaccine truyền thống được tạo nên bằng phương pháp đưa virus đã suy yếu hoặc bị bất hoạt vào cơ thể để hệ thống miễn dịch học cách chống lại với virus. Vaccine của công ty Inovio được gọi là vaccine DNA, hoạt động trên nguyên lý đưa một plasmid (cấu trúc gene nhỏ) đã được chỉnh sửa tiêm vào da để các tế bào của cơ thể tạo ra mảnh virus, từ đó hệ thống miễn dịch cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại nCoV.
Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Weiner nghiên cứu vaccine INO-4800. Ảnh: Viện Wistar. |
Mỗi tình nguyện viên sẽ được tiêm hai liều vaccine, cách nhau bốn tuần. Mục tiêu chính của thử nghiệm lần này là đảm bảo vaccine INO-4800, không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ phân tích các mẫu máu từ những người tham gia để đảm bảo hệ thống miễn dịch của họ đang tạo ra một phản ứng miễn dịch chống lại virus.
Inovio cho biết họ đã tăng cường khả năng sản xuất, đặt mục tiêu có sẵn 1 triệu liều vào cuối năm 2020, để sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng bổ sung hoặc cho các trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, ngày 16/3, công ty công nghệ sinh học Massachusetts Moderna đã tiên phong thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người. Sau đó, Trung Quốc cũng cho tiến hành thử nghiệm vaccine trên 108 tình nguyện viện. Hiện các nhóm nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua để thử nghiệm vaccine ở các giai đoạn khác nhau.
Tính đến 7/4, đại dịch Covid-19 đã lan rộng ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,3 triệu người nhiễm và hơn 74.000 người chết, trong đó Mỹ và châu Âu vẫn là điểm nóng.
Theo VnExpress
Theo Business Insider, Philadelphia Inquirer