Doanh nghiệp đi...bán rong
Với lượng hàng tồn kho lên tới hàng chục nghìn chiếc váy, Huang Weijie, chủ một cơ sở may ở tỉnh Quảng Đông, đã trực tiếp mang sản phẩm của mình ra vỉa hè bán nhằm tìm lối thoát. Nhiều DN quy mô nhỏ khác của Trung Quốc cũng có ý tưởng tương tự như của Huang.
Trước đây, những người bán hàng rong vẫn thường được người Trung Quốc nhìn bằng ánh mắt ái ngại. Ở nhiều thành phố tại quốc gia tỷ dân, các bảo vệ dân phố (được gọi là chengguan) thậm chí còn đuổi và đánh đập người bán trang sức giả, quần áo rẻ tiền và đồ ăn nhẹ.
Các cán bộ quản lý thị trường thường được giao nhiệm vụ đi dẹp các gánh hàng rong trên phố. Cách thức xử lý cứng rắn của họ thường dẫn đến những vụ tranh cãi và xung đột giữa người thực thi pháp luật và người bán hàng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây kêu gọi người thất nghiệp gia nhập nền kinh tế vỉa hè để hồi sinh nền kinh tế đang trật bánh.
|
Một khu chợ đêm ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hôm 10/6. Ảnh: New York Times. |
Chính phủ Trung Quốc dường như đã thay đổi quan điểm của họ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đã lên tiếng ngợi khen lãnh đạo Thành Đô, một thành phố ở tỉnh Tứ Xuyên, vì đã "tạo ra thêm 100.000 việc làm bằng việc cho phép hơn 36.000 cửa hàng hè phố hoạt động".
Huang đã lái một chiếc Toyota trắng và tận dụng nó để bán sản phẩm của mình. Từng bán ở nhiều thành phố như Phật Sơn, Đông Hoản hay Trung Sơn, Huang thừa nhận rất khó để có thể tìm địa điểm bán hàng ở những thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Đông như Quảng Châu, Đông Hoản hay Thâm Quyến. Theo đó, hầu hết các khu vực bán hàng rong đều chỉ nằm ở các thị trấn hay thành phố nhỏ, hoặc ở quanh các khu công nghiệp, nhà máy.
"Tôi còn cả chục nghìn chiếc váy tồn kho từ cuối năm ngoái", Huang nói. Trước tiên, Huang tìm cách bán hàng ở các chợ đầu mối và các cửa hàng bán lẻ ở Quảng Châu, nhưng không mấy hiệu quả.
Sau khi biết được tuyên bố của Thủ tướng Lý, Huang bắt đầu thử nghiệm bán hàng ở những tuyến phố, điều giúp ông sau đó duy trì lượng doanh thu vừa đủ để tiếp tục vận hành nhà máy thay vì phải tính đến khả năng đóng cửa.
|
Huang Weijie trên một khu phố tập trung nhiều sạp hàng ở Quảng Đông. Ảnh: SCMP. |
Trường hợp của Huang không phải là cá biệt ở Trung Quốc, Huang nói rằng các cửa hàng từng bán hàng với giá cắt cổ giờ buộc phải bán để cắt lỗ. "Tất cả mọi người đang chạy đua để bán hàng, khi một cửa hàng giảm giá một chiếc váy xuống 40 NDT (5,72 USD) cho một chiếc váy, cửa hàng bên cạnh sẵn sàng giảm xuống 35 NDT, và các cửa hàng khác là 30 hay thậm chí là 20".
"Nhưng kể cả ở mức giá thấp, doanh thu vẫn không đáng là bao".
Trung Quốc nỗ lực đưa người bán rong trở lại đô thị
Lục Danh, giáo sư ĐH Giao thông Thượng Hải, phân tích: Thành phố là của dân, một đô thị lớn được cấu thành bởi nhiều yếu tố, một mặt phải sạch sẽ văn minh, nhưng mặt khác không thể bỏ qua chức năng tối quan trọng là tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Một thành phố lấy dân làm gốc thì phải cân nhắc đến nhu cầu thực tế đó. “Tôi không cho rằng kinh tế vỉa hè mâu thuẫn với thành phố văn minh, quan trọng là định nghĩa văn minh như thế nào?” - giáo sư Lục bày tỏ quan niệm trên tờ Nam Phương Cuối Tuần.
Rất nhiều người đã sống được nhờ kinh tế vỉa hè. Như ông Trương thất nghiệp sau mùa dịch đang cùng vợ bán hàng tại chợ đêm gần công viên Hỏa Long ở khu Bạch Vân, Quảng Châu. Lúc làm nhà máy lương ông khoảng 5.000 tệ/tháng, giờ bán chợ đêm được mấy trăm tệ/ngày, hôm nào bán đắt còn hơn đi làm công.
Sơn Đông đã có một cuộc điều tra về ý muốn bán hàng vỉa hè của những người đang tại chức. Theo điều tra của trang tuyển dụng qilurencai.com, 23,53% người có việc làm có ý định kiêm thêm bán hàng vỉa hè; 30,21% đang xem xét; 18,84% đã tham gia bán hàng rong.
Nhìn chung, đa số người tại chức ở Sơn Đông ủng hộ bán hàng vỉa hè, chỉ có 27,42% không hứng thú. Lý do là bán hàng vỉa hè cũng không phải việc dễ dàng, vừa tan làm đã phải đi dọn hàng, bán đến đêm, sáng hôm sau lại đi làm, còn phải nhập hàng, tính toán... Bán hàng vỉa hè cũng rất vất vả chứ không dễ kiếm tiền như nhiều người nghĩ.
Chợ đêm và kinh doanh vỉa hè cũng có những vấn đề dân sinh thường gặp, như lừa bịp người tiêu dùng, với các mánh khóe diễn đi diễn lại rút thăm trúng thưởng, hàng hiệu giá rẻ, giải thế cờ tướng, thuốc trị bách bệnh, quét mã QR nhận quà, bán đồ cổ...
Hoặc như một chợ đêm ở Đại Liên sau khi đi vào hoạt động gây kẹt xe, không giữ vệ sinh sau kinh doanh, ảnh hưởng trật tự mỹ quan thành phố, ô nhiễm môi trường, nên chỉ mở cửa một thời gian nay đã tạm dừng.
Cũng phải thấy kinh tế vỉa hè cạnh tranh cao, lời ít, chủ yếu nhờ số lượng; người tiêu dùng hay so sánh giá cả hàng vỉa hè với mua sắm trên mạng, ưu thế về giá cả của kinh tế vỉa hè do đó không còn mạnh như trước.
Nhiều thành phố đang nỗ lực đưa người bán hàng rong trở lại đường phố. Các bảo vệ khu phố trước đây từng đánh đuổi người bán hàng rong giờ chuyển sang hỗ trợ họ. Một chuyên gia kinh tế ước tính 50 triệu việc làm có thể được tạo mới nếu chính phủ dành nhiều không gian cho người bán hàng rong và nông dân hơn.
“Khi họ cần bạn, bạn là một người bán hàng. Khi họ không cần bạn, bạn chỉ là một vết nhơ cho quang cảnh thành phố”, New York Times dẫn lời bình về những người bán hàng rong ở Trung Quốc.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ