Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc với Bắc Kinh để giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài hàng năm trời.
Thỏa thuận đã tạm ngừng chiến tranh thương mại kéo dài
Theo thỏa thuận, Bắc Kinh đồng ý tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới.
Đổi lại, Mỹ sẽ không áp thuế 15%, vốn được lên kế hoạch có hiệu lực vào ngày 15/12 đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và giảm một nửa mức thuế áp từ ngày 1/9 với 120 tỷ USD hàng Trung Quốc xuống còn 7,5%. Nhưng mức thuế 25% của Mỹ đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc vẫn giữ nguyên.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật hồi tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Thỏa thuận đã được đón nhận nồng nhiệt, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải Ker Gibbs cho rằng đây là "tín hiệu tích cực" và là bằng chứng "cho thấy cam kết cũng như thiện chí từ cả hai phía".
Các chuyên gia tin rằng nếu Tổng thống Donald Trump không đình chỉ thuế quan mới, các quan chức Bắc Kinh sẽ áp dụng nhiều mức thuế hơn đối với hàng hóa của Mỹ và có thể đình chỉ các cuộc đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 1/2020.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm chậm tăng trưởng toàn cầu, làm giảm lợi nhuận và đầu tư cho các công ty trên toàn thế giới.
Ngay sau khi đạt được thỏa thuận, Nhà Trắng đã vội vã mô tả thỏa thuận này là “tuyệt vời” và “mang tính lịch sử". Còn các quan chức hàng đầu của Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi để nhấn mạnh thỏa thuận này là một chiến thắng dành cho Bắc Kinh, đáp ứng được “nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc”.
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và nhiều người có quan điểm cực đoan về Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt Tổng thống Trump, cho rằng ông đã nhượng bộ một cách quá dễ dàng. Nhiều tập đoàn kinh doanh tuy lạc quan nhưng vẫn tỏ ra thận trọng.
Đối với nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump
Ít nhất về mặt chính trị, ông Trump đã tạo thành công một thỏa thuận, dù còn hạn chế, ông Trump có thể chính thức thông báo thỏa thuận đến nông dân và công nhân sản xuất vốn bị ảnh hưởng nặng nề trước cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc đã cam kết mua lượng nông sản kỷ lục của Mỹ vào năm 2020, vượt kỷ lục khoảng 26 tỷ USD vào năm 2012. Các quan chức Mỹ nói Trung Quốc đã đồng ý mua lượng nông sản trị giá 32 tỷ USD, dù ông Trump nói rằng Trung Quốc có thể “mua lượng nông sản đạt tới 50 tỷ USD”.
Theo Hiệp hội nông dân Mỹ, số vụ trang trại phá sản đã tăng 24% so với năm 2018 và nợ của người nông dân được dự đoán sẽ đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, những người nông dân từng bỏ phiếu cho ông Trump có khả năng sẽ một lần nữa lại bỏ phiếu cho ông sau thỏa thuận này.
Thêm nữa, ông Trump đã giảm (hoặc hủy bỏ) thuế quan đối với các mặt hàng phổ biến nhất mà người Mỹ mua ở các cửa hàng, một sự cứu cánh đối với các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart – vốn đang cố gắng tìm cách chuyển chi phí tăng lên này sang vai người tiêu dùng vào năm 2020.
Đối với các công ty tài chính Mỹ, một trong những đột phá lớn nhất của thỏa thuận này là Trung Quốc cuối cùng đã cho phép các ngân hàng và các công ty thẻ tín dụng của Mỹ tự mình bước vào Trung Quốc mà không phải hợp tác với một công ty địa phương của Trung Quốc.
Đối với các nhà đầu tư, chứng khoán tăng cao kỷ lục vào ngày 12/12 khi Phố Wall chào mừng tin tức này. Chỉ số S&P 500 đang tiến đến mức tổng lợi nhuận khoảng 29% trong năm 2019. Điều đó sẽ khiến 2019 trở thành năm tốt đẹp nhất cho chứng khoán kể từ năm 2013 và là một trong những năm tốt đẹp nhất mọi thời đại.
Khoảng một nửa số người Mỹ đã có tiền từ thị trường chứng khoán sau thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Đối với Trung Quốc
Trung Quốc đã đồng ý mua thêm khoảng 200 tỷ USD hàng nông sản, năng lượng và hàng hóa sản xuất của Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã có kế hoạch từ trước. Nước này thậm chí đã đưa ra mức mua hàng đó vào giữa năm 2018.
Sự nhượng bộ lớn nhất mà Trung Quốc đưa ra trong thỏa thuận này là tán thành những hình phạt nếu họ không giữ lời, nhưng còn một quá trình dài Mỹ phải trải qua trước khi áp thuế trừng phạt. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến ông Trump giảm một số thuế quan.
Với các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, thỏa thuận giai đoạn một không thực sự có ý nghĩa, Jon Cowley, luật sư cấp cao về thương mại quốc tế tại công ty luật Baker McKenzie, trụ sở Hong Kong, nhận định.
"Môi trường chính sách thương mại toàn cầu vẫn thiếu tính ổn định và chắc chắn. Các doanh nghiệp vẫn sẽ phải suy nghĩ về cách làm cho chuỗi cung ứng của họ trở nên linh hoạt hơn", Cowley nói.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ