Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

18 Bộ và cơ quan trung ương vào diện kiểm toán năm 2020

DTVN 14:04 21/12/2019

Trong năm 2020, 18 Bộ, cơ quan Trung ương và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... cùng một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, trong năm 2020 sẽ thực hiện một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm với tổng số cuộc kiểm toán sẽ thực hiện là 158; trong đó có 18 Bộ, cơ quan Trung ương và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... cùng một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được kiểm toán.

Lĩnh vực ngân sách Nhà nước

Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán các Bộ, cơ quan Trung ương có quy mô ngân sách lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, phục vụ công tác phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2019 của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể:

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan tài chính tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; rút ngắn thời gian kiểm toán, giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới công tác thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng

Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 15 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng nhà nước; 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 03 ngân hàng thương mại liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2019 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của nhà nước tại các đơn vị; đánh giá các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu…

Thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ. Đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng…

Kiểm toán chuyên đề

Kiểm toán Nhà nước sẽ tổ chức 21 cuộc kiểm toán gồm: 02 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng và các chương trình - dự án thuộc lĩnh vực an sinh - xã hội, phát triển kinh tế vùng, quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về công tác quản lý thu ngân sách và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản... nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, góp phần giảm nợ công, phát triển kinh tế xã hội như: “Quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải; việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo Nghị Quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp năm 2019 và Công tác quản lý nợ công năm 2019”...

Kiểm toán môi trường và kiểm toán hoạt động

Tổ chức 9 cuộc kiểm toán hoạt động, tập trung các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu và hoạt động tín dụng cho người nghèo, nhà ở xã hội.

Ảnh minh họa

Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án

Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 40 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm Thành phố Hồ Chí Minh; Đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; các dự án thủy lợi (Hồ chứa nước Đồng Mít; Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; hồ chứa nước Sông Lũy, Bắc sông Chu - Nam sông Mã; Đập ngăn mặn sông Hiếu; Hồ chứa nước Mỹ Lâm; Hồ chứa nước sông Chò I); Dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn; Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Dự án đường sắt đô thị Hà Nội...

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và khối cơ quan Đảng

Tổ chức 9 cuộc kiểm toán 05 đơn vị dự toán, 03 doanh nghiệp, 01 dự án đầu tư.

Trong lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng

Tổ chức 6 cuộc kiểm toán tại Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh; 27 công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 22 tỉnh ủy, thành ủy; khối các học viện, nhà trường thuộc Bộ Công an và khối các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Công an; Việc quản lý sử dụng kinh phí Đề án 165 năm 2019.

Kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2020, Kiểm toán Nhà nước sẽ bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật; theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán nhằm nâng cao vai trò của KTNN trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên, quy chế làm việc của KTNN và các quy định khác có liên quan đến văn hóa công sở, đạo đức công vụ… Xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm, nhất là trường hợp vi phạm không phải do đơn vị, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán tự phát hiện thì phải chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước và Pháp luật.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán; đổi mới phương pháp lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán theo thông lệ quốc tế, phát triển phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi cuộc kiểm toán phù hợp, giảm thời gian và nhân lực kiểm toán.

Theo Ngọc Quỳnh/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/18-bo-va-co-quan-trung-uong-va-o-die-n-kie-m-toa-n-nam-2020-129759.html

Bạn đang đọc bài viết 18 Bộ và cơ quan trung ương vào diện kiểm toán năm 2020 tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành
Trước diễn biến khó lường của TT xuất khẩu, nhiều dự báo trước đây nghiêng về nhập siêu. Song với mức xuất siêu đến 7,05 tỷ USD sau 10 tháng, năm 2019 rất có thể thành tích xuất siêu vẫn được duy trì.