Amazon tăng trưởng 'chóng mặt' trong đại dịch Covid-19

DTVN 11:51 27/07/2020

Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới, cổ phiếu của Amazon vẫn tăng mạnh

Trong bão Covid-19 cổ phiếu của Amazon vẫn tăng mạnh

Nhữngcon số cho thấy mức tăng trưởng "chóng mặt" của Amazon trong giai đoạn Covid-19 tàn phá ngành bán lẻ thế giới.

570 tỷ USD là mức vốn hóa thị trường mà Amazon đã tăng trong 2020. Đầu năm nay, giá trị của gã khổng lồ thương mại điện tử ở mức 920 tỷ USD. Sau khi phục hồi từ đợt bán tháo do Covid-19, cổ phiếu của Amazon tăng kỷ lục. Amazon hiện có giá trị 1.490 tỷ USD và là một trong những công ty lớn nhất trên thế giới, chỉ sau Microsoft (trị giá 1.540 tỷ USD) và Apple (trị giá 1.610 tỷ USD).

Cổ phiếu Amazon tăng hơn 60% trong năm nay và hiện được giao dịch ở mức 3.000 USD mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu này chạm đáy ở khoảng 1.600 USD vào giữa tháng ba, do sự sụt giảm chung của thị trường chứng khoán trong bối cảnh các doanh nghiệp phải dừng hoạt động trên diện rộng bởi Covid-19. Sau đó cổ phiếu Amazon tăng mạnh trở lại, lần đầu chạm mốc kỷ lục 3.000 USD vào ngày 6/7.

Có nhiều giải thích cho nguyên nhân dẫn đến sự “tăng trưởng thần tốc” này, chuyên gia phân tích R. J. Hottovy tại Morningstar cho biết. “Sự gia tăng của thành viên VIP (Prime member), đặc biệt là đối với các dịch vụ mua sắm tạp hóa trực tuyến” và tỷ lệ sử dụng cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây, Amazon Web Services (AWS) cao. Morningstar ước tính định giá hợp lý cho cổ phiếu Amazon ở khoảng 2.750 USD mỗi cổ phiếu.

Bezos, người hiện đang nắm giữ 11,1% cổ phần của Amazon, đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng hơn 50% kể từ đầu năm. Ông là người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản 178,5 tỷ USD, tăng 114,7 tỷ USD so với cuối năm 2019. Người giàu thứ hai thế giới là nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, với tổng giá trị tài sản 113 tỷ USD.

75 tỷ USD Là doanh thu thấp nhất mà các chuyên gia phân tích kỳ vọng từ Amazon khi công ty này công bố lợi nhuận quý II vào 30/7 tuần tới. Nhưng Morningstar cũng cho biết thị trường đã quay lại áp dụng tư duy “tăng trưởng hơn lợi nhuận” cho Amazon (cũng như nhiều cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn hiện nay).

Theo thông tin của Hottovy, Amazon dự kiến công bố khoản chi phí ít nhất 4 tỷ USD liên quan đến virus corona, có khả năng tạo áp lực cho lợi nhuận hoạt động của công ty. Kể từ tháng 4, Bezos và công ty của ông đã phải đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội liên quan đến vấn đề an toàn và điều kiện làm việc không phù hợp trong dịch Covid-19, nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình của công nhân. Từ đó, Amazon đã cam kết chi nhiều hơn nhằm cải thiện các vấn đề liên quan đến sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc.

Thực hư việc Amazon chơi xấu

Tạp chí kinh doanh hàng đầu nước Mỹ là Wall Street Journal gần đây đã đăng tải một bài viết điều tra với tựa đề: Amazon tìm cách gặp các startup để nói về tiềm năng rót vốn đầu tư, sau đó họ ra sản phẩm cạnh tranh giống hệt. Bài báo tiết lộ nhiều câu chuyện có thật về việc Amazon sử dụng quy mô và sức mạnh khổng lồ của mình để chèn ép, chơi xấu các đối thủ nhỏ hơn. Dưới đây là bản dịch bài báo này.

Khi quỹ đầu tư mạo hiểm của Amazon (Alexa Fund) đầu tư vào DefinedCrowd, họ đã giành được quyền truy cập vào tình hình tài chính của startup công nghệ này và tiếp cận những thông tin bí mật khác. Gần 4 năm sau, vào tháng 4, chi nhánh điện toán đám mây (AWS) của Amazon đã cho ra đời một sản phẩm trí thông minh nhân tạo (AI) giống hệt sản phẩm của DefinedCrowd, theo CEO công ty này là Daniela Braga.

Sản phẩm mới mà AWS cung cấp có tên A2I cạnh tranh trực tiếp với "một trong những sản phẩm nền tảng, cơ bản nhất của chúng tôi" dùng để thu thập và dán nhãn dữ liệu", Braga khẳng định. Sau khi xem thông tin về A2I, Braga đã hạn chế sự truy cập của quỹ Amazon vào kho dữ liệu của công ty cô và tìm cách pha loãng cổ phần bằng cách huy động vốn.

Điều đáng nói trường hợp của Braga không phải duy nhất. Bà cùng khoảng 12 doanh nhân, nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn thương vụ khác được phỏng vấn bởi Tờ WSJ đều tố cáo rằng Amazon xuất hiện, vịn cớ vào việc sẽ đầu tư và quy trình đưa ra thỏa thuận để tìm kiếm thông tin, dữ liệu nhằm âm mưu phát triển các sản phẩm cạnh tranh sau đó.

Trong một vài trường hợp, quyết định của Amazon là cho ra đời sản phẩm cạnh tranh nhằm hủy hoại doanh nghiệp mà họ đã đầu tư. Một vài trường hợp khác, họ sẽ gặp gỡ các startup nói về tiềm năng thâu tóm, tìm cách tìm hiểu công nghệ mà họ đang sở hữu sau đó từ chối đầu tư và rồi ra một sản phẩm tương tự mang thương hiệu Amazon.

Người phát ngôn của Amazon thì nói rằng công ty không sử dụng thông tin quan trọng mà các công ty chia sẻ để xây dựng sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, những "nạn nhân" đã rơi vào tình huống này đều cho rằng việc tiến hành thỏa thuận với Amazon giống như một "con dao 2 lưỡi" với các doanh nhân.

Các cựu nhân viên Amazon liên quan tới một vài thương vụ trước đây đều nói rằng đây là công ty luôn định hướng tăng trưởng, sở hữu năng lực cạnh tranh hùng mạnh và khả năng đổi mới rất lớn đến nỗi họ không thể cưỡng lại việc cố gắng phát triển công nghệ mới ngay cả khi phải cạnh tranh trực tiếp với chính các công ty khởi nghiệp mà họ đầu tư.

Drew Herdener – một người phát ngôn của Amazon nói rằng: "Trong 26 năm, chúng tôi luôn tiên phong trong nhiều chức năng, sản phẩm và thậm chí toàn bộ những lĩnh vực mới. Từ Amazon.com đến Kindle hay Echo và AWS. Rất ít công ty có được kỷ lục về sự đổi mới để cạnh tranh được với Amazon. Thật không may, vẫn có một số công ty luôn thích phàn nàn thay vì xây dựng sản phẩm. Bất kỳ tranh chấp nào về quyền sở hữu trí tuệ đều được giải quyết ở tòa".

Trên thực tế, Amazon có mua cổ phần một vài startup và thâu tóm hoàn toàn một số khác. Nhiều khoản đầu tư được tạo ra thông qua Alexa Fund - một công cụ đầu tư được ra đời năm 2015 sau khi Amazon tiết lộ dòng loa thông minh. Quỹ này nhắm tới hỗ trợ các công ty liên quan tới công nghệ giọng nói.

Một ví dụ có thể kể đến là một khoản đầu tư từ Alexa Fund đã dẫn tới một thương vụ thâu tóm. Quỹ này đã thiết lập một khoản đầu tư vào nhà sản xuất Ring vào năm 2016 sau đó mua công ty này vào năm 2018. "Sự hợp tác của chúng tôi và gia nhập sự đổi mới với Alexa đã cho phép chúng tôi mang lại nhiều giá trị hơn và bảo mật sản phẩm tốt hơn dịch vụ cho khách hàng", theo nhà sáng lập Ring.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Amazon tăng trưởng 'chóng mặt' trong đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế
Tin tức mới nhất