Chủ động nguồn nguyên liệu
Nhiều năm trước, Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, luôn phụ thuộc đối tác, giá thành cao và không ổn định; chưa kể, máy móc, trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu kéo giảm sức cạnh tranh của DN... Để giải quyết bài toán này, công ty xác định đầu tiên phải làm chủ được nguồn nguyên liệu, do đó, buộc phải đổi mới tư duy, thay đổi máy móc thiết bị, sắp xếp và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.
|
Công ty Than Vàng Danh ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác than hầm lò. |
Năm 2015, công ty đưa vào hoạt động dây chuyền cán thép vì lò với công suất 75.000 - 80.000 tấn, đạt doanh thu khoảng 800 tỷ đồng/năm. Với việc đầu tư công nghệ mới, công ty đã giảm được nhiều gánh nặng chi phí như giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu.
Theo Phó giám đốc Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin – ông Tăng Bá Khang: Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, những năm qua đơn vị đã chú trọng vào đầu tư lắp đặt trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để thay thế dần máy móc trang thiết bị lạc hậu, giảm gánh nặng chi phí; tăng năng suất lao động; đảm bảo đời sống thu nhập cho người lao động ngày một nâng cao.
Hiện tại, từ đầu vào đến đầu ra, công ty đều thực hiện trong một vòng sản xuất khép kín, hoàn toàn chủ động được khâu nguyên liệu, doanh thu tăng vượt trội ngay từ năm đầu khi đưa dây chuyền sản xuất này vào hoạt động.
Đầu tư cho khoa học
Những năm gần đây, bằng chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, khai thác đã tạo ra bước đột phá cho ngành than, giúp các đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) tiết giảm nhiều nhân công, tăng năng suất lao động, gia tăng mức độ an toàn và tối ưu hóa các công đoạn sản xuất.
Tiêu biểu, qua hơn 2 năm đưa hệ thống tự động hóa trạm nén khí tại Công ty Than Uông Bí, Công ty Cổ phần Than Hà Lầm, Công ty Cổ phần Than Núi Béo vào hoạt động đã giúp 3 đơn vị giảm tổn thất 30% lượng khí nén toàn mỏ, phát hiện sớm các điều kiện hao khí nén bất thường do hư hỏng đường ống dẫn.
Trong năm 2019, các đơn vị ngành than tiếp tục đầu tư hệ thống tự động hóa trạm bơm dịch, hệ thống tự động hóa tuyến băng tải chính trong hầm lò và ngoài mặt bằng, tự động hóa điều khiển giám sát tập trung tại trạm biến áp.
Ngoài ra, một số công ty còn triển khai áp dụng cơ giới hóa hạng nhẹ như: Công ty Cổ phần Than Núi Béo, Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Vàng Danh... Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa đã giúp TKV sản xuất an toàn, hoàn thành các chỉ tiêu sản lượng, năng suất đề ra. Cụ thể năm 2019, năng suất lao động bình quân đạt 714 tấn than/người/năm (tăng 12% so với năm 2018); tiền lương bình quân 12,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 9,1% so với năm 2018), riêng thợ lò bình quân 1 triệu đồng/người/ngày công.
Năm 2020, TKV phấn đấu tiêu thụ 49 triệu tấn than, sản xuất 40,5 triệu tấn; doanh thu trên 138.000 tỷ đồng; năng suất lao động bình quân 772 tấn than/người/năm (tăng 3% so với năm 2019); tiền lương bình quân 12,7 triệu đồng/người/tháng (tăng 2,5% so với năm 2019). |
Theo Thu Hường/Báo Công Thương Điện Tử