Theo đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia (DTQG) và kiến nghị tăng mức trần bảo đảm dự thầu (BĐDT), bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước, bổ sung biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với hành vi không cung cấp hàng DTQG sau khi trúng thầu.
Bộ Tài chính cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đầu năm 2020 đã có biến động mạnh về giá gạo dẫn đến các doanh nghiệp trúng thầu không ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ. Một trong những nguyên nhân là do quy định mức trần BĐDT (3%) và bảo đảm thực hiện hợp đồng (10%) theo quy định hiện hành không đủ để ràng buộc nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng cho DTQG. Doanh nghiệp trúng thầu chấp nhận mất BĐDT và không cung cấp gạo cho DTQG.
Công ty TNHH Phát Tài, Công ty Cổ phần Mỹ Tường và Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh là những doanh nghiệp đã từng "xù" thầu bán gạo cho Dự trữ Nhà nước. |
Hiện nay, pháp luật cũng không có quy định về xử lý vi phạm hành chính hoặc biện pháp hành chính đối với hành vi không ký kết hợp đồng khi trúng thầu, không thực hiện hợp đồng hoặc một phần hợp đồng. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng mức trần BĐDT và bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước do mức trần BĐDT và bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định hiện nay chưa đủ ràng buộc việc ký kết hợp đồng và thực hiện toàn bộ hợp đồng của nhà thầu trúng thầu.
Bộ Tài chính kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu thì nâng mức trần BĐDT từ 3% lên 4 - 5% giá gói thầu đối với gói thầu thông thường. Đối với gói thầu quy mô nhỏ, Bộ Tài chính kiến nghị sửa Nghị định số 63/2014/NĐ-CP là nâng mức trần BĐDT từ 1,5% lên 2 - 3% giá gói thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng từ 3% lên 5% giá gói thầu. Chủ đầu tư cần chủ động quy định mức BĐDT và bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với từng gói thầu căn cứ tình hình thực tế và mức tối thiểu, tối đa quy định trong Luật Đấu thầu và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng mức bảo đảm thực hiện hợp đồng như đề xuất sẽ tránh tái diễn chuyện nhà thầu chấp nhận mất BĐDT để bán gạo cho bên thứ ba với giá cao hơn giá trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ như đầu năm 2020. Việc tăng mức đối đa của BĐDT và bảo đảm thực hiện hợp đồng theo đề xuất này sẽ buộc các nhà thầu phải cân nhắc năng lực tài chính, khả năng thực hiện hợp đồng khi trúng thầu và khả năng dự báo được tình hình giá cả biến động trước khi tham gia vào quá trình đấu thầu cung cấp hàng hóa nói chung và hàng DTQG nói riêng. Mặt khác, mức này cũng không quá cao dẫn đến hạn chế nhà thầu tham dự cung cấp hàng cho DTQG.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề xuất bổ sung biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với hành vi không cung cấp hàng DTQG khi trúng thầu. Bộ Tài chính cho rằng, việc nhà thầu không cung cấp hàng DTQG là hành vi ảnh hưởng không tốt đến an toàn DTQG và thực hiện mục tiêu DTQG.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cấm tham gia hoạt động đấu thầu cung cấp hàng DTQG từ 1 - 3 năm đối với hành vi không ký kết hợp đồng cung cấp hàng DTQG khi có quyết định trúng thầu, không thực hiện hoặc thực hiện một phần hợp đồng cung cấp hàng DTQG. Việc bổ sung biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các hành vi này sẽ giúp hạn chế những doanh nghiệp không đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và không đủ trách nhiệm tham gia vào các gói thầu cung cấp hàng DTQG; đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có uy tín, có khả năng cung cấp hàng DTQG kể cả trong trường hợp thị trường biến động mạnh.