62 kiot 'ma' đã được kí khống như thế nào?
Liên quan tới vụ bảo kê chợ Long Biên từng làm rúng động dư luận cách đây hơn 2 năm, quận Ba Đình đã tiến hành thanh tra toàn bộ hoạt động của khu vực này trong địa bàn. Tới cuối tháng 12/2019, kết quả thanh tra Quận tiếp tục cho thấy nhiều điểm "không đúng quy định" trong công tác quản lý tại đây.
Cụ thể, thanh tra phát hiện 62 điểm kinh doanh (kiot) tại chợ Long Biên phát sinh ký hợp đồng không đúng quy định.
|
Thanh tra quận Ba Đình thông tin, trong báo cáo giải trình của Ban Quản lý chợ Long Biên và ông Đàm Đình Dũng- Nguyên Trưởng ban quản lý chợ Long Biên có ghi: "đối với 62 điểm kinh doanh phát sinh ký hợp đồng từ năm 2015-2018, các hộ này đã kinh doanh tại chợ từ trước (thời điểm 2007-2015) điểm kinh doanh là do các hộ tự dựng tạm tại các diện tích còn trống giáp ranh giữa các khu vực trong chợ, Ban quản lý chợ có tiến hành thu vé chợ theo ngày.
Trong quá trình cải tạo từ năm 2015-2017, các hộ kinh doanh tự đầu tư xây dựng để thuận tiện cho công tác quản lý, tăng nguồn thu cho ngân sách cán bộ ngành hàng đã đề xuất Thủ trưởng đơn vị xin ký hợp đồng. Cán bộ ngành hàng có đơn đề xuất và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan để trình Trưởng ban quản lý chợ ký hợp đồng thuê diện tích kinh doanh…".
Đoàn Thanh tra sau đó có mời chủ 62 điểm kinh doanh nói trên đến làm việc và được biết "trong quá trình các hộ tự xây dựng cải tạo lại kiot, để thuận lợi cho quá trình kinh doanh các hộ đã đề nghị và Ban quản lý chợ Long Biên ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh.
Các tiểu thương cho biết khi ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh, chỉ phải nộp tiền thuê điểm theo mức giá quy định, ngoài ra không phải nộp thêm tiền gì khác cho Ban quản lý chợ hay cho cá nhân nào".
Ban quản lý chợ đã ký hợp đồng mà không báo cáo UBND Quận Ba Đình. Sai phạm nghiêm trọng trong việc ký hợp đồng cho thuê ki-ốt trái quy định là Ban quản lý chợ Long Biên đã cho thuê cả những vị trí như phòng cháy chữa cháy, thậm chí hàng chục ki-ốt ở vị trí chân đê, ngoài khuôn viên của chợ Long Biên.
Đặc biệt, trong số 62 ki-ốt này có không ít ki-ốt được ký cho người liên quan đến gia đình các cán bộ trên địa bàn. Rất nhiều kiot có chủ đứng tên trong số 62 kiot ký sai quy định nêu trên, hiện đang không kinh doanh tại kiot đó (?!) Những kiot này hiện đã được sang nhượng cho những người khác kinh doanh, thậm chí, có những kiot đã được chuyền qua tay nhiều người.
Liên quan đến giải pháp trong thời gian tới về xử lý các điểm kinh doanh ký sai quy định, Ban quản lý chợ Long Biên đề xuất UBND Quận Ba Đình chia thành các nhóm chủ đang sử dụng nếu ki-ốt đã được mua đi bán lại và tiểu thương đang kinh doanh chỉ là nạn nhân của công tác quản lý có thể đóng thuế lại trong những năm vi phạm để được tiếp tục sử dụng.
Còn các ki-ốt đang đứng tên của những người liên quan gia đình của các cán bộ thì đề nghị tự nguyện trả lại cho Ban quản lý.
Hiện có 2 ki-ốt đã được chủ tự nguyện trả lại, trong đó có Nguyễn Kim Hưng, tức Hưng Kính.
Rối ren bảo kê chợ, có trách nhiệm của Ban quản lý?
Ông trùm Hưng “kính” được xác định từng là Tổ trưởng bốc dỡ hàng hóa số 2 tại Chợ Long Biên (Hà Nội). Để thu lợi bất chính, Nguyễn Kim Hưng đã xây dựng một đội ngũ tay chân để chèn ép tiểu thương tại chợ Long Biên. Hưng Kính đã chỉ đạo đàn em cách thu tiền, trả đũa tiểu thương mỗi khi họ chống đối, phản kháng.
|
Trùm bảo kê chợ Long Biên Hưng 'kính' |
Tại phiên xét xử, bị cáo được xác định đã vi phạm quyền sở hữu công dân, làm mất trật tự xã hội.
Bị cáo có đủ nhận thức để biết việc cưỡng đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện, gây khó khăn cho việc kinh doanh của hộ gia đình bị hại khi buộc họ phải nộp một khoản tiền lớn trong thời gian dài.
Cũng tại tòa, luật sư của phía bị hại cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là những người trong Ban quản lý chợ khi chủ động tuyển bị cáo Hưng - người có 5 tiền án, tiền sự (gồm cả hiếp dâm) vào làm việc. Ban quản lý cũng để việc thu tiền bảo kê diễn ra trong thời gian dài dù đã nhận đơn tố cáo.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ